Những ai nghiên cứu về Chiến tranh Thế giới thứ hai thường quen thuộc với vũ khí V1 và V2 của Đức Quốc xã. Đây là những vũ khí khiến miền nam nước Anh kinh hoàng trong năm cuối cuộc chiến.
Tuy nhiên, vũ khí V3 lại ít được biết tới hơn. Đức Quốc xã gọi V3 là “súng thần công London” – một khẩu pháo khổng lồ được thiết kế để bắn những quả đạn nặng gần 100kg ra xa khoảng 160km. Trùm phát xít Adolf Hitler muốn V3 biến thủ đô của nước Anh thành đống gạch vụn.
Một kỹ sư về đạn đạo tên là August Coenders đã bán ý tưởng về siêu đại bác cho Hitler năm 1942. Trong thiết kế, Coenders muốn nạp thêm thuốc nổ vào khóa nòng để đẩy quả pháo cỡ 150mm trong nòng dài 127m.
Quả pháo sau đó sẽ tăng tốc trong quá trình di chuyển trong nòng nhờ kích hoạt 32 khối thuốc nổ bổ sung, tạo ra tốc độ lên tới gần 1.500m/giây. Theo tính toán của Coenders, triển khai 50 khẩu đại bác kiểu này và bắn 3.000 lần/ngày sẽ khiến London bị đạn pháo bủa vây trên diện tích 38km2.
Tuy nhiên, tính thực tế khi thiết kế vũ khí này và việc giữ bí mật với kẻ thù sẽ khiến Coenders gặp rắc rối.
Nơi cất giấu vũ khí V3 nằm ở miền bắc nước Pháp, cách Calais (cảng gần nước Anh nhất) 19km về phía tây nam. Địa điểm nằm sâu trong nước Pháp và không phải là khu vực dễ tiếp cận. Đó chính là lý do tại sao người Đức chọn nơi này để lắp đặt đại bác V3.
Hitler tin tưởng giao dự án V3 cho Bộ trưởng Vũ khí Albert Speer. Nhiệm vụ đầu tiên của Speer là chọn một địa điểm phù hợp để xây các boongke ngầm. Một trong những yếu tố quan trọng để chọn khu vực chứa đại bác là khoảng cách gần London, nhưng Đức chọn Mimoyecques vào tháng 6/1943 vì nhiều lý do.
Cách bờ biển gần 10km, khu vực này nằm quá sâu trong đất liền nên không thể bị đại bác Hải quân Hoàng gia Anh oanh tạc, cũng không thể bị đột kích. Khu vực cũng gần đường sắt để tiện vận chuyển đạn dược, vật liệu và nhân công. Cuối cùng, cấu trúc địa lý của Mimoyecques rất lý tưởng. Vùng dốc đá phấn có thể sâu tới 100m, đảm bảo hầm chứa vũ khí có móng ổn định.
Các đường hầm ở Mimoyecques. Ảnh: Alamy
Công nhân bắt đầu tới khu vực xây dựng vào tháng 6/1943. Tổng số công nhân làm việc tại đây khoảng 1.200 đến 1.500 người. Một số là kỹ sư lành nghề tới từ Schachtbau und Tiefbohr, một công ty Đức chuyên về xây dựng công trình ngầm.
Tuy nhiên, công việc đào bới vất vả do công ty xây dựng quân sự và dân sự Todt ở Đức thực hiện. Công ty này đảm nhận một loạt dự án xây dựng ở Đức và các quốc gia mà Đức chiếm đóng. Tại Mimoyecques, công nhân Pháp, Italy, Đức và Ba Lan đi xe buýt từ các trại tới nơi làm việc cách đó vài kilomet để lao động khổ sai 12 tiếng liền.
Công việc của họ là xây hai boongke giống hệt nhau, cách nhau hơn 900m. Mục tiêu là xây 10 phòng chứa vũ khí dài 126m, nằm trong lòng đất với góc 50 độ. Mỗi phòng chứa 5 khẩu đại bác và có 50 khẩu tất cả.
Người Đức cũng cho xây hai đường ray ngầm cách mặt đất 30m và dài gần 600m để đưa trang thiết bị và quân nhu vào cho đơn vị đồn trú 1.200 người. Số nguyên vật liệu này sẽ được chứa trong một mạng lưới lớn các phòng dọc đường ray. Cuộc sống của các kỹ sư và người lao động ở đây không hề dễ chịu.
Tháng 9/1943, khi đang xây dựng đường hầm, ảnh do thám của phe Đồng minh phát hiện ra hoạt động bất thường tại Mimoyecques. Tháng 11, Không quân Hoàng gia Anh ném bom khu vực và mặc dù thiệt hại chỉ ở mức tối thiểu, người Đức cũng biết Anh đang để mắt tới mình.
Thiết kế V3. Ảnh: historynet.com
Khi công nhân lao động bên dưới mặt đất, Coenders tiếp tục thử nghiệm thiết kế V3 nhưng kết quả không tốt. Nòng súng được làm thành nhiều phần, mỗi phần dài 3m nhưng thử nghiệm cho thấy không thể tạo đủ lực để đạn pháo bay tới được London cách đó gần 150km về phía tây bắc.
Tháng 11/1943, Speer giảm số lượng đại bác V3 từ 50 xuống còn 25. Tháng 4/1944, số lượng lại bị giảm lần nữa xuống còn 3 khẩu đội, mỗi khẩu đội có 5 khẩu đại bác.
Tất nhiên, người Anh không biết gì về điều này. Họ chỉ biết Đức đang xây công trình gì đó lớn tại khu vực gần bờ biển và hướng về phía London. Khi những quả rocket V1 bay về phía London vào giữa tháng 6, quân Đồng minh tăng cường chiến dịch ném bom Mimoyecques.
Tổng cộng, từ tháng 11/1943 tới tháng 8/1944, máy bay Anh và Mỹ đã thả 4.102 tấn bom xuống Mimoyecques. Ngôi làng Landrethun-le-Nord gần đó bị san phẳng và phải xây lại sau chiến tranh, nhưng nhờ các hầm chứa nằm sâu dưới lòng đất và nhờ lớp bê tông dày mà chỉ 11 công nhân xây dựng thiệt mạng trong các cuộc không kích.
Các cuộc không kích cho thấy phe Đồng minh rất muốn phá hủy các mục tiêu quan trọng của Đức Quốc xã như các khu vực chứa các loại vũ khí V.
Mô hình nòng pháo V3 trong đường hầm. Ảnh: Alamy
Khi mà V3 của Đức chưa được phát triển xong, ngày 6/7, 16 máy bay Lancaster của Không quân Hoàng gia Anh mỗi chiếc đã thả một quả bom tên là “Tallboy” nặng 5.443kg xuống khu vực xây dựng hầm chứa V3 từ độ cao 7.620m.
Những quả bom này dài gần 6,5m, chứa gần 2.500kg thuốc nổ loại mạnh đã lao xuống Mimoyecques với tốc độ rất nhanh, tạo ra sóng xung kích bên dưới mặt đất không khác gì một trận động đất nhỏ. Vài mái vòm của các phòng chứa bên dưới đã đổ sập khi trúng bom, khiến hàng tấn đất đá đổ xuống các phòng chứa.
Trong khi quân Đức đã từ bỏ xây dựng khu vực chứa vũ khí V3 vào tháng 8/1944, có một vụ nổ lớn cuối cùng xảy ra, khiến Mimoyecques rung chuyển vào ngày 14/5/1945. Quân đội Anh đã phá hủy hai boongke bằng 35 tấn thuốc nổ TNT để đảm bảo khu vực này không bao giờ có thể được sử dụng để gây kinh hoàng cho nước Anh.
Khi Thủ tướng Anh Winston Churchill phát biểu trong tuần đó, ông nhắc tới việc phát hiện ra quân Đức đang chuẩn bị rất nhiều pháo tầm xa để tấn công London.
Dù chưa chế tạo được V3 như ý muốn nhưng Đức Quốc xã đã kịp chế tạo ba khẩu siêu pháo V3 với nòng ngắn hơn, nhưng chỉ hai khẩu được sử dụng. Từ ngày 11/1 đến 22/2/1945, ít nhất 183 quả đạn pháo đã được bắn vào Luxembourg nhưng không gây nhiều thiệt hại đáng kể. Trong đó, 143 quả đạn pháo rơi trúng mục tiêu và chỉ làm chết 10 người và bị thương 35 người.
Sau đó, vào những năm 1980, một đầu trong hệ thống đường hầm được mở cửa lại một phần. Tại đây, Anh đã mở một bảo tàng từ năm 2010. Có 6 chuyến tham quan hàng năm được tổ chức để du khách tới thăm các khu vực này. Bảo tàng trưng bày một bản sao thu nhỏ của đại bác V3.