Đường dây nóng liên Triều: Hai điện thoại, hai năm, ba cuộc gọi

Vân Anh |

Lúc 15h30 phút ngày 3.1, tiếng chuông điện thoại vang lên trong căn phòng không có người ở khu phi quân sự chia cắt Nam - Bắc Triều Tiên.

Lần đầu tiên kể từ tháng 2.2016, Triều Tiên gọi Hàn Quốc và Hàn Quốc trả lời...

Ba cuộc gọi trong vòng chưa đầy 24 giờ

Cuộc điện thoại kéo dài 20 phút, kết thúc vào 15h50 phút (giờ Hàn Quốc, trước nửa tiếng so với giờ Triều Tiên). Nội dung của cuộc điện đàm không được tiết lộ. CNN dẫn nguồn tin của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, hai bên “kiểm tra các vấn đề kỹ thuật của đường dây liên lạc”.

Các cuộc gọi được thực hiện bằng chiếc điện thoại bàn màu xanh lá cây có chữ “Bắc” và bên nhận là điện thoại đỏ, mặc dù màu sắc có thể được thay đổi nếu cần. Các chữ cái trên màn hình máy tính viết: “Điện thoại trực tiếp Nam-Bắc”, và 2 chiếc đồng hồ hiển thị giờ hiện tại ở mỗi nước.

Sau khi cuộc gọi kết thúc, quan chức Bộ Thống nhất (Bộ chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề liên quan đến quan hệ liên Triều và thống nhất) vẫn nán lại bên chiếc điện thoại, phòng khi Triều Tiên bất ngờ gọi lại. Và chỉ hơn 2 giờ sau, khi bóng tối đã bao phủ làng Bàn Môn Điếm, vào lúc 18h07, Triều Tiên liên lạc lại lần nữa.

Sáng sớm hôm sau, Bình Nhưỡng gọi tiếp cho Seoul cuộc điện thoại thứ ba vào 9h30 (giờ Hàn Quốc) - theo thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 4.1. Một lần nữa, hai bên kiểm tra để đảm bảo đường dây hoạt động ổn định.

Lần này, phía Hàn Quốc hỏi bên Triều Tiên xem họ có tin tức gì không. Bình Nhưỡng đáp: “Không, chúng tôi sẽ thông báo cho các vị khi nào có gì mới”, và cuộc gọi kết thúc.

Ông Kim Jong-un chỉ thị mở lại đường dây nóng

Vài tiếng trước cuộc gọi đầu tiên hôm 3.1, báo chí Triều Tiên cho hay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ thị mở lại đường dây nóng tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào 0630 GMT. 

“Chúng tôi sẽ cố gắng giữ liên lạc chặt chẽ với phía Hàn Quốc bằng thái độ trung thực và lập trường chân thành, đúng với mục đích của lãnh đạo tối cao chúng tôi, và giải quyết các vấn đề thiết thực liên quan đến việc cử phái đoàn của chúng tôi” - hãng thông tấn KCNA trích lời ông Ri Son Gwon - Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Tổ quốc của Triều Tiên - cho biết. 

Ông nói thêm, các cuộc nói chuyện sẽ nhằm mục đích thiết lập đối thoại chính thức về việc cử đoàn vận động viên Triều Tiên tham gia Olympic mùa Đông tại Hàn Quốc.

Đường dây nóng với Hàn Quốc bị Triều Tiên đóng lại vào tháng 2.2016 để trả đũa cho việc đóng cửa nhà máy ở biên giới mà hai nước cùng điều hành. 

Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan cho biết, quyết định của Triều Tiên mở lại đường dây nóng có ý nghĩa quan trọng vì nó có thể dẫn đến việc liên lạc thường xuyên. 

Trước đó, Hàn Quốc gọi cho Triều Tiên mỗi ngày vào 9h00 và 16h00 kể từ khi đường dây nóng bị “nguội”, nhưng không bao giờ nhận được trả lời.

Cả 2 đầu của đường dây nóng được đặt ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Không rõ vị trí chính xác của 2 chiếc điện thoại, nhưng có vẻ như chúng chỉ cách nhau vài trăm mét. Theo Bộ Thống nhất, làng này có 33 đường dây liên lạc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Mặc dù có sự hiện diện quân sự liên tục, song Bàn Môn Điếm được biết đến là 1 ngôi làng hòa bình. Chính ở đây, hai bên đã ký thỏa thuận đình chiến vào năm 1953, chấm dứt 3 năm chiến tranh Triều Tiên.

Liệu Bàn Môn Điếm có một lần nữa đi vào sách sử với tư cách là nơi quan hệ ngoại giao liên Triều được nối lại hay không thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Các tuyên bố mà Bộ Thống nhất Hàn Quốc cung cấp cho CNN cho thấy, hai bên không đề cập đến các cuộc đàm phán song phương tương lai trong 3 cuộc điện thoại đã gọi. Tuy nhiên, vì Hàn Quốc đã gọi cho Triều Tiên 2 lần mỗi ngày trong 2 năm qua, thì có thể đầu dây ở miền Bắc sẽ tiếp tục đổ chuông. Đó là nếu Triều Tiên không gọi trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại