Khi trả lời Pháp luật TP.HCM về việc nhân viên của khách sạn Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bị tố đuổi khách trú mưa giông mới đây, bà Đ.T.H. quản lý lễ tân khách sạn này, nói: "Bạn nhân viên đó cũng đã làm đúng nhiệm vụ của mình. Bạn ấy có ra nhắc nhở người dân xuống khu vực hầm gửi xe để trú vì ở đây nhiều phương tiện đi lại".
Theo bà H., khách sạn quy định các phương tiện không được đỗ tại khu vực sảnh quá 5 phút vì khu vực đó ô tô thường xuyên ra vào. Thời điểm mưa giông, khách sạn đang có khách VIP, do đó, nhân viên bảo vệ có đề nghị người dân sang phía cổng đường hầm của khách sạn để trú mưa chứ không có hành vi nặng lời với người dân.
Ảnh cắt từ clip
Liên quan chi tiết nhân viên khách sạn nõi người dân "ra hầm đứng trú giông lốc", KTS Phạm Nhật Hưng nói trên báo Đất Việt, khi mưa to và gió lớn mà người dân đứng trú ở khu vực cửa hầm tòa nhà cao tầng sẽ rất nguy hiểm. Vì khi đó, cả tòa nhà chắn gió, còn cửa hầm lại như cái ống để hút. Gió khi bị tòa nhà chắn sẽ tìm tới cửa hẩm để thoát.
Cũng theo nguồn trên, KTS Thái Ngọc Hưng (thành viên Hội KTS Việt Nam) khẳng định, việc nhân viên Grand Plaza hướng dẫn người dân rời khu vực sảnh tòa nhà ra khu vực hầm đứng là "thiếu hiểu biết"
Bởi khi đó thì khu vực sảnh và chân tòa nhà được che chắn nên kín gió nhất nên an toàn nhất.
"Theo quy luật thì khi trời mưa to, gió lớn, khu vực có khe hở thường là nơi hút gió và tạo ra luồng gió rất mạnh. Tại các tòa nhà cao tầng, nơi có gió mạnh nhất khi trời giông bão là khoảng cách giữa các tòa nhà với nhau và khu vực cửa ra - vào tầng hầm. Bởi gió sẽ lùa vào và thoát đi ở đó.
Không những thế, khu vực tầng hầm và khoảng cách giữa các tòa còn là nơi dễ tạo ra "gió quẩn" khiến người, cây cối ở khu vực đó bị "quật" có thể dẫn tới dễ ngã, đổ hơn", Đất Việt dẫn lời KTS Thái Ngọc Hưng.
Theo vị này, nam nhân viên đã vô tình đẩy người dân vào thế nguy hiểm hơn.
(Tổng hợp)