Ngày 7-3, phiên xét xử phúc thẩm vụ án tổ chức đánh bạc ngàn tỉ đồng liên quan đến hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tiếp tục làm việc.
Tại tòa, các bị cáo có đơn kháng án và được VKS kháng nghị lần lượt bước lên bục khai để trình bày các căn cứ xin giảm nhẹ hình phạt. Hầu hết những người này đều thừa nhận tội trạng như bản án tòa cấp sơ thẩm đã tuyên, họ cho biết mình đã ăn năn hối cải, đồng thời xuất trình các tài liệu, chứng cứ có lợi cho bản thân. Đáng chú ý, bị cáo Lê Văn Sinh (37 tuổi, trú Hà Giang) khi được xét hỏi đã có những câu trả lời “hồn nhiên” khiến nhiều người theo dõi phiên tòa không khỏi bất ngờ. Theo đó, Sinh bị tòa sơ thẩm tuyên án treo về tội đánh bạc nhưng trong đơn kháng cáo, bị cáo lại tiếp tục xin tòa phúc thẩm cho được hưởng án treo.
Trước tình huống khó hiểu như vậy, HĐXX phúc thẩm đã phải hỏi lại bị cáo để làm rõ. Trả lời tòa, bị cáo Sinh giật mình và cho biết đơn kháng cáo là do vợ viết sẵn và đưa cho bị cáo ký. “Bị cáo cũng chỉ nói sơ qua với vợ là xin kháng cáo, sau khi viết xong thì bị cáo có đọc qua nội dung. Nhưng do bị cáo không hiểu lắm nên chỉ nói là xin được giảm án. Bây giờ bị cáo xin được tòa cho cải tạo không giam giữ” - Sinh nói. Thế nhưng sau một vài câu hỏi, cuối cùng bị cáo Sinh lại xin được hưởng án treo (!).
Một bị cáo khác là Đoàn Thị Thu Hà (cựu kế toán Công ty CNC), bị tuyên phạt bốn năm tù về hai tội danh tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Hà không có đơn kháng cáo nhưng thuộc một trong các bị cáo được VKS kháng nghị. Dù vậy, bị cáo Hà mong muốn được HĐXX phúc thẩm xem xét ở tội danh rửa tiền, cụ thể là chuyển từ án giam sang hình phạt tiền, bởi hành vi của bị cáo chỉ là “xử lý dòng tiền”.
Tham gia vào phần xét hỏi, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho biết một số bị cáo đang được kháng nghị theo hướng có lợi. Theo đó, số bị cáo là đại lý cấp 1 trở lên bị truy tố, xét xử về tội tổ chức đánh bạc theo Điều 249 BLHS năm 1999 nhưng có sự vận dụng các tình tiết có lợi cho bị cáo về định lượng cấu thành tội phạm theo BLHS năm 2015 (5 triệu đồng trở lên mới phạm tội).
Hành vi khách quan của các bị cáo là tổ chức ra hệ thống và vận hành trò chơi đánh bạc là dấu hiệu pháp lý của tội phạm này khi định tội, song HĐXX cấp sơ thẩm lại áp dụng thêm tình tiết tăng nặng là “phạm tội có tổ chức” là trái nguyên tắc.