Trung Quốc đang một lần nữa tìm cách xuất khẩu mẫu máy bay chiến đấu J-10 do nước này sản xuất. J-10CE, phiên bản xuất khẩu của mẫu J-10C trong biên chế Không quân Trung Quốc, đã được trưng bày tại một triển lãm hàng không tháng 11/2019 và nhận được một vài sự quan tâm nhất thời, nhưng chưa bên nào thể hiện ý định nghiêm túc.
Độ an toàn thấp - Thiếu kinh nghiệm chiến đấu
Chữ "E" là ký hiệu dành riêng cho các bản xuất khẩu, ở bản này, một số thiết bị tiên tiến hoặc thuộc hàng bí mật được loại bỏ hoặc thay thế bằng các hệ thống khác. Bản J-10CE có vẻ mang đầy đủ các tính năng mới, chỉ có hệ thống nhận diện địch-ta (IFF) và một số tính năng của hệ thống liên lạc hoặc phòng thủ ở bản gốc bị loại bỏ trên bản này.
Các đại diện bán hàng của Trung Quốc đã quảng bá J-10CE có khả năng tương tự như phiên bản mới nhất của tiêm kích F-16 Mỹ, gọi là F-16V (hoặc như bản đang đề xuất cung cấp cho Ấn Độ - F-21).
Họ giới thiệu rằng J-10CE có tất cả các thiết bị điện tử tiên tiến như trên F-16V, cùng một số tính năng tàng hình như bề mặt hấp thụ sóng radar và cử hút khí "tàng hình".
Mô hình J-10CE tại triển lãm hàng không Dubai. Ảnh: china-arms.com
Song, điểm nổi bật của J-10CE là nó chỉ có giá 40 triệu USD, bằng một nửa giá của F-16V. Mức này cũng thấp hơn nhiều so với giá các chiến đấu cơ hiện đại của châu Âu như Eurofighter/Rafale hoặc các mẫu mới nhất của Nga như MiG-35 và một số mẫu Sukhoi.
Điều mà các đại diện bán hàng của Trung Quốc không muốn nhắc đến là điều mà hầu hết các khách hàng tiềm năng của họ đều đã biết, đó là F-16 có kinh nghiệm, thành tích chiến đấu và là loại máy bay chiến đấu được xuất khẩu rộng rãi nhất sau Chiến tranh Lạnh.
J-10 cất cánh lần đầu tiên vào năm 1998 và gia nhập biên chế Không quân Trung Quốc 6 năm sau đó. Tính đến nay, mới chưa đầy 500 chiếc J-10 được sản xuất và chưa có chiếc nào được xuất khẩu.
Trong khi đó, F-16 được Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1978, 4 năm sau chuyến bay đầu tiên và đến nay đã có gần 5.000 chiếc xuất xưởng. 1/3 số máy bay này đã được xuất khẩu và doanh số vẫn đang tăng lên.
F-16 có kinh nghiệm chiến đấu hơn hẳn J-10. Trong ảnh: Các tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ bay trên những mỏ dầu đang bốc cháy tại Kuwait (Nguồn: Không quân Mỹ)
J-10 được đánh giá là kém an toàn hơn F-16, với ít nhất 8 chiếc gặp nạn kể từ năm 2014. Bên cạnh đó, đội ngũ quảng bá J-10 còn gặp phải một vấn đề khác, đó là Trung Đông đầy ắp những khách hàng hài lòng với F-16, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ai Cập, Iraq và một số nước vùng Vịnh. Sự hài lòng của họ thể hiện ở việc đặt hàng F-16 nhiều lần.
Năm 2017, Bahrain đã đặt hàng thêm 22 chiếc F-16V cùng với gói nâng cấp những chiếc F-16 hiện có lên chuẩn F-16V. Thỏa thuận này trị giá 3,86 tỷ USD, bao gồm cả nhiều thiết bị bổ sung, hỗ trợ đào tạo và công nghệ cho toàn bộ kíp vận hành F-16.
F-16V Block 70 tương tự như bản F-16E Block 60 "Desert Eagle" mà UAE, quốc gia láng giềng với Bahrain, đã sử dụng kể từ năm 2005.
Bahrain sử dụng F-16 từ năm 1990 và đã nâng cấp chúng với những thiết bị hiện đại như pod chỉ thị mục tiêu và hệ thống cho phép triển khai các loại bom thông minh như JDAM. Ban đầu, các chiến đấu cơ F-16 của họ chủ yếu được sử dụng để phòng không nhưng những phiên bản mới như F-16E hoặc F-16I của Israel tỏ ra hiệu quả hơn.
Phụ thuộc vào động cơ Nga - Sao chép công nghệ
Trước mức độ phổ biến của F-16, Trung Quốc tỏ ra không hề nao núng, vừa tiếp tục tìm kiếm khác hàng cho J-10, vừa nâng cấp nó. Cuối cùng, Bắc Kinh đã cho ra đời J-10C, phiên bản mới nhất của J-10, và đưa vào biên chế giữa năm 2017, 13 năm sau khi chiếc J-10 đầu tiên được đưa vào biên chế năm 2004.
Phiên bản này sử dụng vật liệu composite trên khung máy bay và trang bị thiết bị điện tử cải tiến, trong đó có radar quét mảng pha điện tử chủ động mới (AESA).
Giữa năm 2019, Trung Quốc thành lập phi đoàn J-10C đầu tiên. Hiện không rõ phi đoàn J-10C của Trung Quốc đã đạt khả năng hoạt động toàn diện hay chưa. Các máy bay J-10C bắt đầu được chuyển vào phi đoàn mới trong tháng 5/2019, và nhiều chiếc trong số này vẫn đang được sử dụng để huấn luyện/thử nghiệm.
Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc nhiều vào động cơ của Nga. Ảnh: Wiki
Đáng lưu ý, J-10 là mẫu tiêm kích đầu tiên của Trung Quốc chuyển sang trang bị động cơ nội địa, thay vì động cơ nhập khẩu từ Nga. Cho tới năm 2019, J-10 vẫn phụ thuộc vào động cơ AL-31 của Nga (được đánh giá là đáng tin cậy hơn). Nhưng hiện tại, các máy bay J-10 mới sản xuất, hay những chiếc cần thay động cơ, sẽ được trang bị động cơ WS-10 nội địa.
Một phần do phụ thuộc vào động cơ Nga mà Trung Quốc vẫn chưa thể giành được đơn hàng xuất khẩu nào cho J-10. Bắc Kinh đã đề nghị để được sử dụng động cơ AL-31 trên bản xuất khẩu nhưng Nga không sẵn lòng hợp tác.
Trước khi trang bị J-10, Trung Quốc từng mua các máy bay chiến đấu Su-27/30 hiện đại nhất của Nga trong những năm 1990 và sau đó đánh cắp công nghệ của họ, lợi dụng tình cảnh khó khăn của Moscow lúc đó.
Cũng không phải tình cờ mà J-10 lại có nhiều điểm tương đồng với F-16. Theo Strategy Page, đó là bởi Israel đã bán cho Trung Quốc công nghệ dành cho mẫu máy bay chiến đấu Lavi – bản "siêu F-16" mà Israel đã thiết kế nhưng bỏ dở giữa chừng vào năm 1987 do chi phí quá đắt đỏ.
Trung Quốc luôn khăng khăng rằng J-10 là thiết kế gốc của nước này nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhiều kỹ sư và nhà hoa học Nga từng hỗ trợ Trung Quốc phát triển J-10 đã tiết lộ chi tiết về việc làm cách nào Trung Quốc tiếp cận được dữ liệu thiết kế của mẫu Lavi, và đã sử dụng chúng ra sao. Song, Israel không đưa ra bình luận nào trước các thông tin trên.
Nguyên mẫu Lavi B-02 của Israel. Ảnh: Wiki
Không có cửa nào cho J-10?
Bất chấp sự hỗ trợ từ Israel, J-10 vẫn tỏ ra yếu kém trong tác chiến không-đối-không. Để khắc phục, Trung Quốc đã tập trung tái cấu hình, thiết kế lại để chúng có thể hoạt động như tiêm kích-bom (J-10B). Phiên bản này mang được hơn 5 tấn bom-tên lửa, và được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực có khả năng triển khai tên lửa và bom thông minh.
Phải tới năm 2014, mẫu J-10B mới được Trung Quốc đưa vào biên chế và nó không được trang bị radar AESA ổn định cho tới khi J-10C, bản nâng cấp của J-10B, ra đời và được quảng bá là có khả năng ngang với phiên bản mới nhất của F-16.
Theo Strategy Page, Trung Quốc rồi sẽ tìm được khác hàng cho các mẫu máy bay của họ, nhưng sẽ không phải là mẫu chiến đấu cơ chi chít lỗi như J-10. Hiện Trung Quốc đã tìm kiếm được nhiều khách hàng tỏ ra hài lòng với các mẫu UAV vũ trang cỡ lớn của họ. Chúng có khả năng hoạt động tương tự như các mẫu Predator và Reaper của Mỹ nhưng rẻ hơn nhiều.