Câu chuyện thứ nhất: Thứ gì là quý nhất trên đời?
Có một thiền sư nổi tiếng với tài thơ phú và viết thư pháp. Một hôm, ông có một buổi trò chuyện với các học trò. Khi ấy, có người hỏi ông rằng: "Sư phụ, thứ gì là quý giá nhất trên đời?"
Không chần chừ, vị thiền sư đáp lại: "Cái đầu của con mèo đã chết."
Người học trò bối rối. Anh ta lặp lại câu hỏi vì sợ thầy của mình nghe nhầm.
"Sư phụ, con hỏi thứ gì là quý giá nhất trên thế giới kia mà?"
Một lần nữa, vị thiền sư vẫn trả lời: "Đầu của con mèo đã chết".
Đến lúc này, tất cả học trò đều nhao nhao hỏi lại: "Sao đầu con mèo đã chết lại quý nhất được ạ?"
"Vì chẳng ai có thể định giá được cho nó", nhà sư giải thích.
Lời bình: Câu chuyện là bài học cho những người coi trọng vật chất, thứ mà ai cũng nghĩ là quý giá. Thế nhưng, mọi tài sản hữu hình – tức những thứ có thể được định giá đều không phải thứ quý nhất. Điều đáng giá nhất chính là tình cảm giữa con người với con người.
Câu chuyện thứ hai: Làm sao để kìm lại cơn giận dữ?
Có một học trò đến gặp một vị thiền sư. "Thưa thầy, tính khí của con rất tệ. Mỗi khi gặp chuyện không như ý con đều rất dễ nổi nóng. Phải làm sao để loại bỏ nó?"
"Hừ, lạ thật, con thử nổi nóng ta xem nào?", vị thiền sư đưa ra yêu cầu. "Giờ thì không thể được ạ". "Tại sao?" "Vì nó xảy ra bất ngờ".
"Vậy nghĩa là nó không phải bản tính tự nhiên của con. Nếu là bản tính tự nhiên của con thì con sẽ thể hiện nó rất dễ dàng. Vậy sao con lại cho phép một thứ không phải là của con làm con muộn phiền?", vị thiền sư hỏi lại.
Từ đó trở đi, mỗi khi chuẩn bị nổi giận, người học trò đó lại nhớ lại những lời của thầy mình, và kỳ lạ thay, anh ta thấy cơn giận của mình bỗng dưng tan biến.
Lời bình: Con người sinh ra không ai tự nhiên xấu xa. Với sự nỗ lực và quyết tâm, dù tính xấu nào cũng có thể sửa được, chỉ là họ có muốn hay không mà thôi.
Câu chuyện thứ 3: Có thể khiến người khác nghe lời không?
Bankei là một thiền sư nổi tiếng được nhiều người ngưỡng mộ ở Nhật Bản. Người dân từ khắp nơi đều mong muốn được tới nghe ông trò chuyện để giải đáp những thắc mắc của mình trong cuộc sống.
Danh tiếng của Bankei khiến cho một vị sư khác cảm thấy ghen tị. Vị sư này băn khoăn không biết tại sao Bankei lại được người ta ngưỡng mộ đến thế, liền tìm đến để chứng kiến tận mắt, rồi nhân tiện hạ nhục ông trước mặt những người khác.
Vừa mới tới cổng ngôi đền của Bankei, vị sư này đã nói oang oang từ bên ngoài: "Này thiền sư, ông nghĩ mình đều khiến mọi người nể trọng và nghe lời ư? Nhầm rồi. Vì tôi không nể trọng cũng chẳng nghe lời ông đâu. Tôi thách ông ra lệnh được cho tôi đấy?"
Vị sư tưởng Bankei hẳn phải cảm thấy mất mặt lắm. Nhưng rồi, thiền sư Bankei lại trả lời một cách bình tĩnh: "Có gì thì anh cứ vào đây nói chuyện xem nào, đứng xa thế tôi nghe không rõ".
Vị sư vượt qua đám đông rồi tới gần Bankei. "Đứng sang bên trái để tôi nhìn cho rõ hơn nào", Bankei lại yêu cầu. Vị sư lại đi tới bên trái Bankei. "Thế không ổn lắm, hóa ra anh phải đứng bên phải thì tôi mới nhìn rõ", Bankei lên tiếng.
Vị sư lại làm theo đúng như vậy. Đến lúc này, Bankei mới mỉm cười và thong thả đáp: "Anh thấy đấy, anh đang làm đúng như tôi nói, có nghĩa là anh là một người có bản chất tốt, có sự hướng thiện từ trong tâm".
Vị sư bỗng thấy xấu hổ bởi sự lỗ mãng của mình, bèn ngồi xuống bên cạnh và cùng những người khác lắng nghe thiền sư Bankei.
Lời bình: Thay đổi người khác có nhiều cách. Có thể dùng vũ lực, ra lệnh, hoặc cũng có thể bằng những lời nói nhẹ nhàng đi vào lòng người. Người ta nói "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", hoặc "Nói phải thì củ cải cũng phải nghe", mọi lựa chọn đều là ở bạn.
Theo Buddha Groove