Được trả lương cao, nhiều người Trung Quốc không về quê ăn Tết

Lan Anh |

Tại Trung Quốc, thời điểm “Xuân vận” từ 1/2 đến 12/3 có tới hơn 3 tỷ lượt người đi tàu xe về quê ăn Tết, nhưng có hàng triệu người di cư vẫn bám trụ lại thành phố vì được trả lương cao hơn nhiều so với ngày thường.

Vào những ngày này, khi lượng người di cư về quê ăn Tết đã vãn, những người di cư làm nghề vận chuyển hàng vẫn tập trung khá đông đúc tại các góc phố náo nhiệt của Thượng Hải. Trong số họ có Vương Tuấn Cường, liên tục kiểm tra điện thoại để xem có đơn hàng tiếp theo không. 

Vương năm nay 40 tuổi, người Thiểm Tây, vùng tây bắc Trung Quốc. Anh đã đến Thượng Hải làm việc hơn 10 năm và từ năm ngoái làm việc cho chuỗi nhà hàng Đài Loan tại Thượng Hải với việc vận chuyển đồ ăn bằng ứng dụng đặt hàng qua mạng. Năm nay anh sẽ ở lại Thượng Hải làm việc suốt dịp Tết và cảm thấy rất vui vẻ. Bởi lẽ, công ty sẽ trả lương cho những ai làm việc trong dịp Tết gấp 3 lần ngày thường. Ngoài ra, ai về quê ăn Tết muộn và ra làm việc sớm cũng được thưởng. 

Vương cho biết: “ Sẽ được thưởng 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng) nếu ở lại làm việc dịp Tết, còn nếu về ăn Tết muộn và ra làm việc sớm thì được thưởng 700 tệ ( 2,5 triệu đồng)”.

Vương là một trong số hàng triệu người nhập cư Trung Quốc chọn cách ở lại thành phố làm việc dịp Tết này. Anh cho biết, năm ngoái anh đã “ cày” cật lực trong dịp Tết và kiếm được 10.000 nhân dân tệ ( tương đương 35 triệu đồng). 

Mặc dù năm nay, việc kiếm tiền sẽ khó khăn hơn vì đội quân vận chuyển hàng ngày càng đông mà người đặt hàng thì ngày càng giảm, nhưng anh đã quen với việc không về quê ăn Tết vì ở lại kiếm được nhiều tiền hơn, mà về quê thì đi lại rất khổ sở. 

Để được về tới quê anh ở Bảo Kỳ, anh chỉ có thể đi tàu hoặc máy bay tới Lan Châu hoặc Tây An, sau đó phải đi tiếp tàu lửa mới tới nhà, mà mua vé thì vô cùng khó khăn trong thời điểm “Xuân vận”. Do đó, anh chọn giải pháp là về quê vào dịp khác dù rất nhớ vợ, con ở quê nhà.

Maggie Lu, thợ làm đầu, 28 tuổi, người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương, cũng không về quê ăn tết năm nay. 

Chị cho biết, nghề làm đầu bận rộn nhất từ trước tết một tháng vì ai cũng muốn có mái tóc xinh xắn khi trở về quê sau một năm đi làm ăn xa. Do đó, chị đã quyết định ở lại. Nhiều đồng nghiệp của chị cũng không về quê. Họ sẽ có cơ hội cùng nhau đi thăm thú những điểm du lịch hấp dẫn của Thượng Hải vào dịp Tết. 

Lu cho biết: “ Về quê, tôi chỉ có thể kiếm được 3.000 đến 4.000 nhân dân tệ ( tương đương 10 triệu đến 14 triệu đồng)/ tháng, trong khi đó ở Thượng Hải, tôi kiếm được ít nhất là gấp đôi. Do đó, tôi nghĩ rằng tôi càng siêng năng thì sẽ nhận được tiền thưởng hậu hĩnh”.

Nếu Vương, Lu là những người may mắn không về quê ăn tết được trả lương hậu hĩnh, còn rất nhiều người di cư khác vì công việc vẫn phải ở lại thành phố dù lương thấp.

Chị Lỗ Tiểu Mai, 53 tuổi, quê ở Trùng Khánh, là một trong số những người như vậy. Chị Mai đến Thượng Hải sinh sống được 15 năm. Công việc của chị là dọn dẹp vệ sinh ở ba tòa chung cư ở quận Tĩnh An. 

Chị và chồng chị, cũng là công nhân quét dọn, đều ở lại thành phố làm việc dù không được trả thêm lương trong dịp nghỉ lễ này. Tuy nhiên, hai anh chị đều cảm thấy vui vẻ vì cho rằng, có ai đó vẫn cần đến họ làm việc trong dịp nghỉ này và họ chọn giải pháp về quê vào dịp khác, tránh dịp cao điểm.

Giáo sư Trịnh Phong Thiên, chuyên nghiên cứu về lao động nhập cư và phát triển nông thôn tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng, mọi lao động nhập cư đều về quê ăn tết thì sẽ là thảm họa đối với cuộc sống đô thị. Các nhà hàng sẽ phải đóng cửa, không ai chăm sóc các em bé. 

Ông nói: “ Xét về vấn đề bền vững của bất cứ nghề nghiệp nào, cho dù bạn điều hành một quầy bán đồ ăn nhỏ, bạn có thể đối mặt với những tổn thất về mặt kinh doanh khi bạn mở cửa trở lại sau một thời gian dài nghỉ Tết.Và việc mất khách quen là điều khá phổ biến”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại