Lớn lên với danh phận là con nuôi, hẳn nhiều người sẽ luôn đau đáu về cội nguồn của bản thân, bố mẹ là ai, làm gì và ở đâu... Và với cô gái nhỏ Sarah Culberson năm ấy, câu hỏi về nguồn gốc xuất thân vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí cô. Nhưng phải đến khi bước sang tuổi 28, cô mới biết những gì mình được thừa hưởng từ cha ruột: Đôi mắt nâu sâu thẳm, nụ cười rạng rỡ và cả một vị trí cao quý mà có nằm mơ cô cũng không ngờ được!
Cô là một công chúa!
Danh hiệu thật hào nhoáng, nhưng nó không đi kèm với cung điện sang trọng hay vương miện nạm ngọc và những bộ váy lộng lẫy. Sự thật còn chua chát hơn nhiều so với tưởng tượng của Sarah nhưng dù có thế nào đó cũng là quê hương máu mủ ruột thịt của cô, và cô nhất định phải làm gì đó để thay đổi cục diện, với cương vị là một công chúa.
Cuộc sống của bé gái chẳng biết cha mẹ đẻ là ai
2 ngày sau sinh nhật đầu tiên, Sarah được ông bà Judy và James Culberson, ở bang West Virginia, Mỹ, nhận làm con nuôi. James Culberson là một giáo sư về giải phẫu thần kinh tại Đại học West Virginia. Judy Culberson làm giáo viên bộ môn giáo dục đặc biệt tại một trường tiểu học. Họ có 2 cô con gái nhưng vẫn vô cùng hạnh phúc khi có thêm một con gái nuôi. Họ là người da trắng, còn Sarah Culberson là một em bé da màu thuộc dân tộc thiểu số ở thành phố Morgantown, bang West Virginia.
Sarah Culberson với cha nuôi, Tiến sĩ James Culberson
Mặc dù tuổi thơ Sarah là quãng thời gian hạnh phúc, nhưng cô cũng phải cố gắng rất nhiều để hòa nhập. "Lúc nào tôi cũng phải chứng tỏ rằng tôi là đứa trẻ ngoan nhất từ trước đến nay để cha mẹ nuôi không trả tôi cho trại trẻ", cô nói.
Về phía ông bà Culberson, trong mắt họ, Sarah là một đứa trẻ đáng yêu, đáng quý. "Khi chúng tôi nhận nuôi Sarah, con bé mới 1 tuổi, không hề nhút nhát mà ngược lại rất thích gặp gỡ mọi người", ông James Culberson, giáo sư sinh học thần kinh tại Đại học West Virginia, cho biết. "Con bé luôn là người hướng ngoại, thân thiện với mọi người mà nó gặp".
Năm 1999, trong quá trình học cao học tại Nhà hát Nhạc viện Mỹ ở San Francisco, Sarah vô tình được biết rằng mẹ ruột của cô, người làm việc trong ngành hành chính tại Đại học West Virginia, đã qua đời vì bệnh ung thư hàng chục năm trước đó và cha cô sống tại một ngôi làng ở Sierra Leone. Bất chấp cơ hội biết đến cha mẹ đẻ của mình, cô đã không nỗ lực để tìm cha ruột. Cô tin rằng ông tự muốn tước bỏ quyền làm cha của mình vì lý do nào đó và ông không muốn liên lạc với cô.
Năm 2001, Sarah chuyển đến Los Angeles để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất và có nhiều vai diễn trong các bộ phim điện ảnh, chương trình truyền hình và quảng cáo. Trong một lớp học phát triển kỹ năng cá nhân vào năm 2004, cô nhận ra một điều trong cuộc sống mà cô muốn vượt qua, chính là nỗi sợ hãi bị cha mình từ chối.
Trong vòng vài ngày, cô đã thuê một thám tử tư. Chỉ 3 tiếng sau, anh ta đưa cho cô một địa chỉ ở Maryland.
Sarah đã gửi một bức thư viết tay cho người đó nhưng hóa ra đó là em trai của cha cô. Ông ấy đã giúp chuyển tin tức, bao gồm cả số điện thoại của Sarah, đến người đàn ông tên Joseph Konia Kposowa ở Bumpe, một ngôi làng có khoảng 2.000 người thuộc nước Cộng hòa Sierra Leone, Tây Phi.
Khi đọc được bức thư, ông Kposowa vội vàng nhảy lên chiếc Range Rover màu trắng cũ kỹ để vượt qua những con đường gồ ghề toàn đất đỏ dài hơn 100 cây số để đến Bo, thị trấn gần nhất có tiếp nhận điện thoại di động.
Cùng lúc đó, Sarah đang đi dạo ở vùng ngoại ô Venice của Los Angeles. Sau đó, điện thoại di động của cô đổ chuông. Con số cho thấy mã vùng nước ngoài mách bảo cô điều gì đó. Cô nép mình vào một cửa hàng quần áo cổ điển, trốn giữa những giá áo khoác mốc meo và hồi hộp lắng nghe giọng nói của người cha đã sinh ra cô, lần đầu tiên.
Ở đầu dây bên kia, ông Kposowa xin lỗi vì đã không tìm thấy cô trước. "Tên của con đã thay đổi", ông nói. "Nên cha đã không biết làm thế nào để tìm thấy con".
Sau đó, ông Kposowa kể về lý do tại sao Sarah lại được cho làm con nuôi. Khi ấy, ông là một sinh viên du học ở Mỹ. Ông đã gặp mẹ ruột của Sarah ở West Virginia. Sau khi Sarah chào đời, cả cha và mẹ cô đều thống nhất rằng họ còn quá trẻ và quá nghèo nên không thể cho con cuộc sống tốt đẹp.
Sarah chấp nhận lời xin lỗi của cha và cô cũng xin ông tha thứ vì đã nghi ngờ ông. Vì không tin ông muốn có cô trong cuộc đời.
Ông Kposowa mời con gái đến Châu Phi, nơi cô có thể gặp gia đình và người dân ở quê hương của cô.
Cuộc hội ngộ không tưởng
Sarah không muốn đi một mình, vì vậy cô đã tìm đến người cố vấn và cựu huấn luyện viên diễn xuất của mình, John Woehrle. Người đàn ông 54 tuổi đề nghị quay lại hành trình tìm về với cội nguồn của Sarah. Nhiều tháng sau, vào tháng 12 năm 2004, Sarah và Woehrle hạ cánh xuống sân bay Lungi, Sierra Leone.
Ông Kposowa và một đoàn tùy tùng nhỏ đã chờ sẵn tại sân bay. Khi mô tả cuộc hội ngộ với cha trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, những giọt nước mắt đã lăn dài trên má Sarah. Cô nói rằng khi nhìn thấy hình dáng của cha xuất hiện trước mắt, cô cảm thấy ông rất hiền từ.
Nhưng điều bất ngờ vẫn chưa dừng lại ở đó, Sarah được cha cho biết cô chính là một nàng công chúa trong cộng đồng của mình. Nói chính xác hơn là Sarah có quan hệ họ hàng với hoàng gia châu Phi, bộ tộc Mende ở Bumpe, Cộng hòa Sierra Leone. Cô được coi là mahaloi, con của một tù trưởng tối cao. Người Mende là một trong hai nhóm dân tộc lớn nhất ở Sierra Leone, chiếm 33,2% dân số cả nước. Bộ lạc này thường sống ở phía Đông và phía Nam của đất nước.
Trước khi lên đường đến Bumpe vào sáng hôm sau, Sarah mặc một chiếc váy châu Phi màu ngọc lục bảo có hoa văn giống như kính màu, một món quà từ cha cô. Khi chiếc Range Rover cũ rích tiến vào Bumpe, Sarah nhìn thấy hàng trăm phụ nữ đi đứng dàn hàng ngang ở một ngọn đồi, họ vỗ tay và hát tưng bừng.
Cộng đồng Bumpe chào đón sự xuất hiện của Sarah Culberson với cha mẹ nuôi của cô ở Sierra Leone vào năm 2006 - 2 năm sau lần đầu tiên cô trở về quê nhà
Họ đã viết một bài hát bằng tiếng Mende, ngôn ngữ mẹ đẻ, để tặng cho nàng công chúa bị thất lạc của họ: "Sarah, bạn đã về đến quê hương của mình, chào mừng bạn về nhà". Tất cả đều mặc trang phục màu xanh lá cây giống cô.
Ông Kposowa giải thích rằng những người phụ nữ đã đến Guinea, một quốc gia láng giềng, để lấy 600 thước vải. Theo phong tục, dân làng sẽ ăn mặc đồng phục khi một vị khách danh dự đến để chứng tỏ với người đó rằng cô ấy không phải là khách mà là một thành viên mới trong cộng đồng của họ.
Cô công chúa nhỏ nhắn đi về phía đám người có khuôn mặt tươi cười pha trộn giữa sự run sợ và mê hoặc.
Cộng đồng người dân làng Bumpe chào đón sự xuất hiện của Sarah Culberson và cha mẹ nuôi của cô ở Sierra Leone vào năm 2006
“Tôi vô cùng sợ hãi", Sarah kể. "Tôi không biết phải làm gì, phải nói gì". Sau một vài giây phút im lặng, Sarah phát hiện ra mình không cần phải nói một lời nào. Cô chỉ lắc lư theo điệu nhạc trong bài hát của mọi người. Động tác này của cô khiến những người phụ nữ giật mình, họ vỡ òa trong tiếng hò reo. Họ vây quanh Sarah, thi nhau ôm hôn cô, suốt cả quãng đường đi xuống dưới chân đồi, nơi có sẵn một bữa tiệc nhỏ mừng công chúa trở về.
Cô ngồi vào bàn đầu, bên cạnh chú của cô.
"Công chúa của chúng ta đã trở về", người đứng đầu nói trong bài phát biểu của mình. "Cô ấy đã vắng mặt một thời gian nhưng giờ đã trở lại". Họ đặt tên cho công chúa là Bumpenya, một từ trong tiếng Mende để chỉ "Lady of Bumpe" (Quý cô Bumpe).
Ngày trở về đẫm nước mắt bi thương
Trong vài tuần sau đó, người thân trong gia đình Sarah kể lại quá khứ nghiệt ngã mà dân làng đã phải chịu đựng. Cuộc nội chiến kéo dài 11 năm ở Sierra Leone đã cướp đi sinh mạng của 60.000 người, và Bumpe cũng không ngoại lệ.
Khi cha cô có việc phải sang làng bên, quân nổi dậy ập vào Bumpe, chặt tay đàn ông, phụ nữ và trẻ em để họ không thể cầm súng. Chúng phá hủy các ngôi nhà, bao gồm nhà của tộc trưởng và giết hại dân làng.
Trong 1 tháng, những kẻ xâm lược đã dựng trại ở trường trung học Bumpe, ngôi trường do ông nội của Sarah thành lập vào năm 1963 và được cha cô tiếp quản sau đó. Ngôi trường này giữ một vị trí đặc biệt trong xã hội của Sierra Leone. 500 sinh viên đến từ khắp đất nước và các khu vực khác của Châu Phi đến học tập tại đây. Có những người phải đi bộ hơn 22km một ngày để đi học.
Vào thời điểm quân nổi dậy rời đi, hầu hết các tòa nhà của trường và mọi thứ trong đó đã bị phá hủy. Các học sinh vẫn ở lại, nhưng không có bàn, sách, đồ dùng hay thậm chí không có mái che trên đầu.
Cuộc sống ngày nay vẫn còn nhiều khó khăn ở Bumpe, một ngôi làng chủ yếu là nông dân (trồng lúa, sắn, khoai lang) và những giáo viên sống trong những ngôi nhà nhỏ bằng gạch đất sét. Dân làng kiếm được khoảng 50 USD (hơn 1,1 triệu đồng)/tháng. Tuổi thọ dao động chỉ khoảng 40.
Cùng với anh trai Hindo Kposowa, Sarah Culberson đã thành lập Quỹ Kposowa (nay được gọi là Sierra Leone Rising) vào năm 2006 để xây dựng lại trường trung học Bumpe và thúc đẩy giáo dục trong nước
Đối với Sarah, chuyến đi thật "chóng mặt". Cô đã chứng kiến những điều không tưởng trong chuyến thăm đầu tiên của cô đến Bumpe, Sierra Leone. Những đứa trẻ lang thang, trường học thành đống đổ nát, toàn bộ khu dân cư bị phá hủy hoặc đốt cháy.
Khi trở lại Los Angeles, cô cảm thấy tội lỗi vì đã từng đi ăn ở nhà hàng hoặc vung tiền vào những thứ phù phiếm. Cô đã thức đến 3 giờ sáng và gọi điện cầu cứu sự giúp đỡ cho dân làng. Bạn bè của cô trong ngành điện ảnh khuyên cô nên "bán" câu chuyện hy hữu về cuộc đời của mình cho một công ty sản xuất phim. "Hãy gọi cho bà chúa truyền thông Oprah Winfrey", những người khác nói.
Woehrle, người cố vấn của Sarah, đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên Kposowa Foundation (www.bumpefund.com) để xây dựng lại trường trung học Bumpe.
Mỗi khi có người dân ở quê nhờ vả, Sarah lại lo lắng tự trách mình ích kỷ nếu từ chối. Khi người châu Phi đến Mỹ, họ phải làm mọi thứ có thể để trở về giúp đỡ quê hương.
Sarah vật lộn trong những nghĩa vụ của mình với quê nhà trong nhiều tháng, cho đến một buổi chiều tháng 4.
Cô đã gặp Woehrle để thảo luận về các ý tưởng gây quỹ cho Kposowa Foundation và bắt đầu nói về quân nổi loạn, về cách chúng đốt mọi bàn học trong trường ở Bumpe, về việc chúng dí con dao vào cổ người dân, về việc cha cô đã phải dạy dỗ 2 đứa con của mình bằng ánh nến trong 4 năm khi ở ẩn để tránh bị truy sát.
"Người ta sao có thể ác như vậy?", cô nói, càng lúc càng tức giận.
Kể từ đó, Sarah đã sắp xếp lại cuộc sống và tài chính của mình. Sau đó, mỗi khi dân làng gọi điện cho cô, cô đều biết chính xác mình có thể làm gì cho họ. Và cô đã nỗ lực hết mình đầu tư vào quỹ và tổ chức một lễ hội hóa trang cuối năm tại trường Brentwood ở Los Angeles, nơi cô dạy khiêu vũ. Họ đã quyên góp được 820 USD (18,8 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại), một bước nhỏ hướng tới mục tiêu gây quỹ 200.000 USD (4,6 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Mẹ nuôi của Sarah là một trong những người quản lý quỹ.
Bà Judy Culberson nói về con gái nuôi: “Con bé đã đi tìm sự thật và chúng tôi ủng hộ con. Chúng tôi luôn biết rằng có một câu chuyện, nhưng tôi ngờ rằng câu chuyện đó sẽ đưa chúng tôi đến tận châu Phi".
Những thay đổi ngoạn mục theo cách không ai ngờ
Nhiều năm sau khi gửi bức thư thay đổi cuộc đời mình, Sarah nói rằng cô cuối cùng đã bình yên với vai trò là công chúa của Bumpe - mặc dù cô không bao giờ muốn trở thành người đứng đầu hoặc sinh sống luôn ở Sierra Leone.
Sarah đã tạm gác lại ước mơ trở thành diễn viên và vũ công nổi tiếng để hoàn thành "nhiệm vụ hoàng gia" của mình. Trong những năm gần đây, cô tập trung vào việc cung cấp nước sạch cho đất nước.
Sarah Culberson cho biết cô nhận trách nhiệm to lớn khi phát hiện ra mình có quan hệ họ hàng với hoàng gia châu Phi
Sarah cho biết quỹ đã cung cấp được 9 giếng, phục vụ cho khoảng 12.000 người trên khắp Sierra Leone. Nhóm của cô cũng đang nghiên cứu để cung cấp cho những người phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt những miếng băng vệ sinh có thể tái sử dụng. Giờ đây, thông qua quỹ, cha con Sarah và ông Kposowa đã phát động chiến dịch “Khẩu trang ở châu Phi” để ngăn sự lây lan Covid-19 ở Sierra Leone.
Những ngày này, Sarah thường xuyên đến thăm Sierra Leone nhưng sống ở Mỹ, mặc dù cô và bạn trai đã thảo luận về việc chuyển đến đất nước Tây Phi này để sinh sống. Cô đã xuất bản một cuốn sách về hành trình của mình vào năm 2009 và hiện đang thực hiện một loạt phim hoạt hình để chia sẻ câu chuyện của mình với những người trẻ tuổi.
Đã 17 năm kể từ khi Sarah biết được thân phận công chúa của mình. Cùng với việc điều hành quỹ từ thiện, Sarah cũng là một diễn giả chuyên diễn thuyết về việc các công ty và tổ chức đang tìm cách thúc đẩy môi trường làm việc hòa nhập hơn. Mặc dù rất muốn trở lại diễn xuất và khiêu vũ, nhưng Sarah nói rằng thân phận công chúa của cô đã thay đổi quỹ đạo cuộc đời cô mãi mãi.
“Và nó giúp cuộc đời tôi trở nên tốt đẹp hơn”, cô nói.“Điều đó chắc chắn đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều và trưởng thành nhanh chóng. Tôi thấy tầm quan trọng của bản thân. Tôi thấy mình là một trong những phần nhỏ trong chuỗi hoạt động được thực hiện ở Sierra Leone. Tôi tôn vinh nó và tôi trân trọng nó”.