Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một cơ quan tư vấn chính sách uy tín có trụ sở ở Mỹ thì Iran hiện nay đang sở hữu trong tay hàng nghìn tên lửa với hơn một chục loại khác nhau.
Năm ngoái, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã sử dụng chính tên lửa đất đối không do nước này tự chế tạo để bắn hạ một máy bay trinh sát không người Global Hawk tiên tiến của Hải quân Mỹ, khi đó đang hoạt động ở trần bay lớn.
Năm 2019, Iran công bố hệ thống phòng không tầm xa Bavar-373 được phát triển trong nước, loại vũ khí được đánh giá là có khả năng ngang ngửa hoặc thậm chí còn tốt hơn cả S-300 của Nga hoặc Patriot của Mỹ. Bên cạnh đó, Tehran cũng sở hữu hệ thống phòng không S-300 thông qua hợp đồng mua bán với Nga vào năm 2015.
Một vụ phóng thử tên lửa hành trình của Iran. Ảnh: AP
“Military Balance”, báo cáo thường niên của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho thấy, Iran hiện có tới 32 tổ hợp S-300 được Moscow chuyển giao từ năm 2016.
Ngoài ra, Iran cũng đang sở hữu một mạng lưới phòng không rộng lớn rất đáng tin cậy, được thiết lập dựa trên các hệ thống tên lửa phòng thủ tự chế tạo nội địa và cả thông qua các hợp đồng vũ khí với Nga và Trung Quốc. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, lực lượng tên lửa của Iran thuộc hạng lớn nhất Trung Đông.
S-300 từng có một thời gian dài là hệ thống phòng thủ đầu bảng của Nga nhưng sau đó được thay thế bằng phiên bản S-400 tiến tiến hơn. S-300 có thể tấn công 36 mục tiêu bay cùng một lúc ở khoảng cách 120 dặm (193 km) bằng cách kết hợp cả tên lửa tầm trung và tầm xa.
Hệ thống tên lửa phòng không Khordad-15 do Iran tự chế tạo nội địa
Việc UAV Global Hawk tối tân của Mỹ bị bắn rơi bởi một tên lửa của Iran, được cho là Sayyad-2C từ hệ thống phòng không Khordad-15, cho thấy ưu thế về không quân của Mỹ đang bị các khả năng phòng không của Iran đe dọa.
Theo Eurasian Times, với tất cả những khả năng này, phòng không Iran đang đặt ra những thách thức vô cùng to lớn với các máy bay chiến đấu tối tân của Mỹ như F-22, B-2 và thậm chí là cả F-35 mặc dù chiến đấu cơ của Mỹ và S-300 Nga chưa bao giờ đối mặt chính thức.
Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ sớm thay đổi nếu Nga tiếp tục bán S-400 cho Iran, thương vụ từng được đồn đoán bấy lâu nay.
Mới đây, ông Levan Dzhagaryan - Đại sứ Nga tại Iran cho biết, Moscow sẽ không gặp vấn đề gì khi bán cho Tehran một hệ thống phòng không tiên tiến khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc với Iran hết hiệu lực.
Trong bài phát biểu với một tờ báo địa phương Iran, Đại sứ Levan Dzhagaryan đã phủ nhận mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và cho biết Nga sẵn sàng xem xét bất kỳ yêu cầu vũ khí nào từ Tehran.
“Như bạn đã biết, chúng tôi đã cung cấp cho Iran hệ thống S-300. Nga không gặp vấn đề gì khi chuyển giao S-400”, Times of Israel dẫn lời ông Dzhagaryan cho biết.
Viễn cảnh đó có thể thay đổi toàn bộ cuộc chơi đối với các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là Israel, bởi S-400 là hệ thống răn đe đáng tin cậy đối với hàng loạt máy bay Mỹ.
Iran lần đầu tiên phóng tên lửa hành trình từ dưới lòng đất