Thành tựu
Nhận định trên Defense News, chuyên gia Dmitri Trenin từ Trung tâm Carnegie Moscow đánh giá chương trình tái vũ trang quân đội của Nga kể từ khi Liên Xô tan rã có thể coi là một thành tựu lớn.
Trên thực tế, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã suy yếu vào những năm 1990 do sự sụp đổ của Liên Xô và chỉ được hồi phục ở mức độ cơ bản vào những năm 2000.
Do đó, những năm 2010 trở đi là giai đoạn tăng trưởng đầu tiên kể từ những năm 1980. Mặc dù năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Nga ngày nay kém hơn nhiều so với Liên Xô, nhưng mức độ đó vẫn cung cấp cho giới lãnh đạo Nga một công cụ mạnh mẽ về chính sách đối ngoại và an ninh.
Sự hồi sinh của ngành công nghiệp quốc phòng đã được dẫn dắt bởi mong muốn được công nhận vị thế cường quốc một lần nữa của Moscow, trong cuộc đối đầu với Mỹ cũng như nhiều thách thức an ninh ở lục địa Á-Âu.
Đứng đầu danh sách các ưu tiên công nghiệp quốc phòng của Điện Kremlin trong thập kỷ qua là lực lượng hạt nhân. Đây là lĩnh vực được hiện đại hóa triệt để hơn bất kỳ bộ phận nào khác của quân đội.
Khả năng răn đe của Nga trước Mỹ đã được đảm bảo.
Với kế hoạch loại bỏ hoàn toàn các tên lửa của Liên Xô vào năm 2024, Nga đã triển khai các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới như Yars và Avangard. Nước này cũng có tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Borey-A trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Bulava.
Lực lượng không quân của bộ ba chiến lược vẫn sử dụng các máy bay ném bom loại cũ như Tu-160 và Tu-95MS, nhưng đang được hiện đại hóa tốt hơn. Nga cũng đang hồi sinh hệ thống vệ tinh quân sự.
Nỗ lực tổng hợp này đã tăng cường khả năng răn đe của Nga, đặc biệt là khi đối mặt với Mỹ. Mối lo ngại khá lớn vào đầu những năm 2000 về các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ có khả năng làm suy yếu hoặc thậm chí vô hiệu hóa khả năng răn đe của Moscow nay đã không còn.
Tham vọng quyền lực lớn thúc đẩy nhu cầu hiện đại hóa không quân và hải quân của Nga Kể từ năm 2015, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự thành công ở Syria, lần đầu tiên trong lịch sử không dựa vào lực lượng mặt đất.
Sau khi đảm bảo hợp đồng thuê dài hạn căn cứ không quân và căn cứ hải quân ở Syria, Nga gần đây đã đạt được thỏa thuận với Sudan về một cơ sở hải quân trên Biển Đỏ. Lần đầu tiên kể từ thời Liên Xô, Nga bắt đầu thiết lập một lực lượng hải quân nước xanh, bao gồm cả tàu sân bay trực thăng.
Ngoài ra, Nga cũng đã bắt đầu thử nghiệm tên lửa chống hạm siêu thanh Circon mới. Không quân Nga sắp triển khai máy bay thế hệ thứ 5 đầu tiên Su-57. Hệ thống phòng không đang được tăng cường với các tổ hợp S-400 Triumf được đánh giá cao.
Ngoài những vũ khí đang sản xuất và đang được triển khai, Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công nghệ quốc phòng, đặc biệt là trong các hệ thống siêu thanh, laser cũng như chế tạo robot.
Hạn chế
Nga đang đi sau trong lĩnh vực máy bay không người lái.
Mặc dù có những thành công và tiến bộ nói trên, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga vẫn tồn tại một số vấn đề nghiêm trọng.
Nguồn tài chính của Nga có hạn. Chương trình tái vũ trang kéo dài 10 năm được giới hạn ở mức 19 nghìn tỷ rúp, tương đương khoảng 700 tỷ USD khi nó được khởi động và chỉ còn chưa bằng một nửa giá trị vào thời điểm hoàn thành, do sự mất giá của đồng rúp.
Thậm chí, mức ngân sách này cũng đang được điều chỉnh giảm xuống. Trong hai năm gần đây, ngân sách mua sắm của Nga chỉ ở mức 20 tỷ USD. Những gì Nga làm được với ngân sách như vậy có thể rất ấn tượng nhưng không tránh khỏi những giới hạn.
Lực lượng lao động đang già đi và trong một số lĩnh vực, năng lực công nghệ từ thời Liên Xô đã bị mai một, được đánh giá là không thể cứu vãn. Một số chương trình quan trọng và được công bố rộng rãi như ICBM hạng nặng Sarmat, hệ thống phòng không S-500 Prometey hay tên lửa tầm toàn cầu Burevestnik, đã bị đình trệ.
Cuộc chiến thứ hai ở Nagorno-Karabakh vào năm 2020 đã làm nổi bật kiểu tác chiến sử dụng máy bay không người lái, điều đã góp phần quyết định vào "chiến thắng" của Azerbaijan trước Armenia.
Bất chấp nỗ lực bắt kịp, Nga đang đi sau công nghệ máy bay không người lái, không chỉ với Mỹ và Trung Quốc mà còn thua xa các quốc gia như Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia đã trang bị sản phẩm cho quân đội Azeri.
Sự yếu kém trong lịch sử của Nga trong lĩnh vực vi điện tử vẫn tồn tại. Đây là một vấn đề lớn, cũng hạn chế sự độc lập tổng thể của ngành công nghiệp quốc phòng Nga - một mục tiêu chiến lược quan trọng của Điện Kremlin.
Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Moscow có thể bù đắp cho sự mất mát của một danh sách dài các nhà cung cấp Ukraine, nhưng trong lĩnh vực vi điện tử, khoảng cách vẫn còn rộng.
Sắp tới, phát triển hơn nữa ngành công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ tiếp tục là ưu tiên của Điện Kremlin. Đối đầu với Mỹ cùng với những bế tắc quân sự ở phía Đông châu Âu, các hoạt động ở nước ngoài và các lực lượng quân sự phòng bị dọc theo biên giới xa xôi của Nga ở Á-Âu, sẽ thúc đẩy việc phát triển và triển khai vũ khí mới.
Kết quả là, Nga sẽ có thể duy trì một thế trận răn đe hạt nhân vững chắc trước Mỹ và NATO; xây dựng khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập để bảo vệ các sườn dễ bị tổn thương như ở Kaliningrad và Crimea; giữ ưu thế so với các nước láng giềng trực tiếp, ngoại trừ Trung Quốc; tiến hành các hoạt động hạn chế nhưng hiệu quả ở nước ngoài; tăng mức độ tự túc trong sản xuất quân sự; và vẫn là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn của thế giới.