Theo The Guardian, với số cửa hàng cà phê có thương hiệu tăng gần 60% trong một năm lên 49.691 cửa hàng, Trung Quốc hiện đã trở thành “cường quốc tiêu thụ cà phê toàn cầu”.
Cơn sốt chuỗi cà phê có thương hiệu có thể bắt nguồn từ một quán Starbucks duy nhất ở chợ Pike Place, Seattle (bang Washington, Mỹ) vào năm 1971, nhưng giờ đây Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có nhiều cửa hàng cà phê có thương hiệu nhất.
Số lượng quán cà phê có thương hiệu ở Trung Quốc tăng 58% trong 12 tháng qua lên mức kỷ lục 49.691 cửa hàng, theo nghiên cứu của World Coffee Portal. Con số này cao hơn 9.000 cửa hàng so với 40.062 ở Mỹ, nơi thị trường chỉ tăng trưởng 4%.
Mỹ đã nắm giữ “ngôi vương” này trong 20 năm kể từ khi World Coffee Portal tiến hành khảo sát và giờ đây vương miện đã được trao cho Trung Quốc.
Ông Jeffrey Young, người sáng lập và giám đốc điều hành của World Coffee Portal, cho biết: “Thị trường cửa hàng cà phê Đông Á rõ ràng đang có sự tăng trưởng nhanh chóng nhờ việc mở rộng các mạng lưới thần tốc ở Trung Quốc, quốc gia đã nhanh chóng trở thành cường quốc trong ngành cà phê toàn cầu”.
Hai chuỗi cửa hàng cà phê nội địa Trung Quốc là Luckin Coffee và Cotti Coffee đã nhanh chóng mở rộng trong năm qua, lần lượt có thêm 5.059 và 6.004 cửa hàng tại Trung Quốc. Luckin, mới thành lập cách đây sáu năm, hiện có 13.273 cửa hàng ở Trung Quốc, trở thành chuỗi cửa hàng lớn nhất tại đại lục cho đến nay.
Cotti Coffee đã vào Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Hồng Kông kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2022, trong khi Luckin Coffee, Kopi Kenangan và Compose Coffee cũng đã lấn sân sang nước ngoài trong năm qua.
Starbucks, thương hiệu cà phê nổi tiếng của Mỹ xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 1999, đã mở 785 cửa hàng tại nước này vào năm 2023, nâng tổng số cửa hàng tại đây lên 6.806. Trung Quốc vẫn là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Starbucks nhưng Cotti Coffee, được thành lập bởi hai cựu giám đốc điều hành của Luckin vào tháng 8/2022, đang nhanh chóng bắt kịp với 6.061 cửa hàng.
Starbucks vẫn là chuỗi cửa hàng cà phê có thương hiệu lớn nhất ở Đông Á, đã mở 1.223 cửa hàng trong năm qua, nâng tổng số cửa hàng lên 13.524 tại 15 thị trường. Tuy nhiên, các nhà khai thác nội địa như Mega Coffee của Hàn Quốc, Tomoro Coffee của Indonesia và Zus Coffee của Malaysia cũng đang gia tăng thị phần của họ một cách mạnh mẽ.
Trước đây, Trung Quốc là một xã hội uống trà truyền thống, ít tiêu thụ cà phê so với nhiều quốc gia khác, nhưng các công ty cho biết nhu cầu của người Trung Quốc đang tăng do đời sống xã hội phát triển, lối sống thay đổi và sự tiếp nhận các xu hướng văn hóa mới của người tiêu dùng trẻ. Nghiên cứu của Hiệp hội Cà phê Trung Quốc Bắc Kinh (CCAB) cho thấy tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm, theo Globaltimes.
Các nhà phân tích dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới trong vài năm tới. Các thương hiệu lớn từ phương Tây bán hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các thương hiệu địa phương, khi người tiêu dùng bắt đầu thể hiện sự ưa thích đối với chúng.
Đáng chú ý, thương hiệu Trung Nguyên Legend của Việt Nam cũng đã gia nhập thị trường Trung Quốc kể từ năm ngoái. Đầu năm 2023, cửa hàng Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại Thượng Hải, Trung Quốc đã lọt Top 1 quán cà phê toàn Thượng Hải hạng mục “Must Try” – Nhất định phải thử; Top 1 cửa hàng cà phê hot nhất tại đường Tây Nam Kinh trên ứng dụng Dazhongdianpin (ứng dụng số 1 tại Trung Quốc đánh giá dịch vụ, địa điểm ăn uống).
Tính từ đầu năm 2022 đến tháng 10/2022, đã có 800 triệu ly cà phê Trung Nguyên Legend được bán ra tại Trung Quốc, trung bình cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra trên toàn Trung Quốc thì có 1 ly cà phê đến từ Trung Nguyên Legend. Có thể thấy, nước tỷ dân đang trở thành 'miền đất hứa'với thương hiệu cà phê Việt Nam.