Không ít người cho rằng việc có nhà ở thành phố được xem như “tấm phiếu thông hành” giúp bạn dễ dàng tiếp cận được với môi trường học tập, làm việc chất lượng cao, thậm chí dễ dàng xin việc làm hay trường học cho con … “Đôi khi có nhà ở thành phố, đặc biệt là thành phố lớn là thứ đáng để flex đấy chứ. Những người ở tỉnh như mình cũng nhìn các bạn ở thành phố bằng một ánh mắt khác” , một cư dân mạng chia sẻ.
Bắc Kinh (Trung Quốc) từng lọt top thành phố có giá bất động sản đắt nhất thế giới. Theo thống kê của nhà cung cấp dữ liệu bất động sản creprice.cn, tính đến tháng 11/2024, giá nhà ở Bắc Kinh rơi vào khoảng 63.829 NDT/m2 (hơn 220 triệu đồng). Giá cụ thể sẽ thay đổi tùy theo khu vực, tài sản, loại nhà ở và thời gian. Thế nên, với hầu hết mọi người, việc có hộ khẩu, nhà ở Bắc Kinh được ví von như “Sinh ra ở vạch đích” hay “Sinh ra đã ngậm thìa vàng”.
Với sinh viên thì việc có nhà ở thành phố cũng đồng nghĩa với việc hàng tháng được đỡ một khoản tiền thuê trọ. Cô bạn Triệu An (25 tuổi) là một ví dụ. Gen Z được nhiều bạn học chung lớp đại học ngưỡng mộ, gọi là “cô gái thành thị”, "tiểu thư" bởi có hộ khẩu tại một quận ở trung tâm thành phố Bắc Kinh.
Theo chia sẻ, Triệu An đang sống cùng bố mẹ, vợ chồng anh chị và một đứa cháu trai 4 tuổi. Ngoài việc không phải trả chi phí sinh hoạt hằng tháng thì cô bạn cũng được gia đình đầu tư cho đi học nhiều bộ môn nghệ thuật, nổi tiếng xinh đẹp,... Song, có một bí ẩn ở Triệu An khiến nhiều người bạn trong lớp luôn thắc mắc đó là cô bạn chưa từng mời các bạn về nhà chơi.
“Những đứa bạn thân nhất của Triệu An khi đưa cô về nhà sau những buổi đi chơi cũng chỉ dừng xe ở đầu ngõ, chưa từng được bạn mời vào uống nước. Ban đầu, bọn tớ chỉ nghĩ do bố mẹ bạn khó tính hoặc con gái thành phố lớn như vậy sẽ có những quy tắc riêng”, một người bạn của Triệu An chia sẻ.
Mãi cho đến sau này, nhiều người mới biết chuyện căn nhà nơi Triệu An đang sinh sống. Nó là một gian nhà ẩm thấp, đã cũ kỳ chỉ chừng khoảng 19m2 và chỉ có một chiếc giường duy nhất cho 6 người cùng chung sống. Ai nấy đều như vỡ mộng, đó cũng là điều khiến Triệu An cảm thấy xấu hổ, bẽ mặt nếu đưa bạn đến nhà chơi.
“Mình cũng không biết cho bạn ngồi ở đâu trong nhà mình. Bố mẹ mình ở đây từ xưa, cũng không thể về quê sống vì còn công việc ở trên này. Mà cũng chẳng thể mua thêm nhà mới, vì như bạn biết đó giá nhà ở đây siêu đắt đỏ. Thế nên, đành chấp nhận”, cô rơm rớm nước mắt chia sẻ.
Theo đó, căn nhà (căn phòng thì đúng hơn) nằm trong một khu tập thể đã cũ. Theo miêu tả, ngay khi vừa bước vào nhà, bạn dễ dàng nhìn thấy gần như toàn bộ thiết kế bên trong bất động sản này. Hơn nữa, vì để quá nhiều đồ đạc nên mọi người cũng gặp khó khăn trong việc di chuyển, đơn cử như việc muốn mở cửa sổ phải bước lên giường rồi bước lên bàn mới đến được cửa sổ.
Vì trong nhà chỉ có một chiếc giường đôi nên Triệu An cùng mẹ và cháu trai được ưu tiên nằm trên chiếc giường đó. Bố của cô bạn ngủ sofa, còn vợ chồng anh trai trải thảm ngủ dưới nền nhà.
Triệu An hiện tại đã tốt nghiệp Đại học được 1 năm và đã đi làm, cô chia sẻ sẽ cố gắng tích cóp để có được một căn nhà riêng không xa.
Sau khi câu chuyện của cô bạn này được chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều người vội “quay xe”, cho rằng không phải lúc nào có nhà ở thành phố cũng là “sinh ra ở vạch đích” hay khá giả như nhiều người vẫn thường mặc định. Hơn nữa, dù có nhà ở thành phố hay từ tỉnh lẻ đến sinh sống và làm việc thì ai cũng cần cố gắng, nỗ lực để có một “chốn về” cho riêng mình. Mỗi người có một xuất phát điểm và hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai nên chẳng thể đánh đồng.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người chia sẻ câu chuyện tương tự Triệu An. Hầu hết các bạn trẻ cho hay họ khá xấu hổ nếu bạn bè về chơi và chứng kiến về sự thật ngôi nhà ở thành phố của mình, không giống như tưởng tượng. Song, cũng chính vì thế mà nhiều bạn trẻ cho hay họ có động lực hơn, cố gắng kiếm tiền để sau này có được bất động sản của riêng mình.