CTCP Chăn nuôi Gia Lai thành lập năm 2014, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. HAGL đang nắm 85% vốn tại Chăn nuôi Gia Lai.
Năm qua, Chăn nuôi Gia Lai đã giảm vốn điều lệ từ 6.663 tỷ xuống còn 1.000 tỷ. Nguyên nhân xuất phát từ việc Chăn nuôi Gia Lai đã tách và chuyển một phần tài sản để thành lập công ty mới có tên là Nông nghiệp Kon Thụp. Công ty Kon Thụp đã là công ty con của HAGL kể từ ngày 28/12/2023.
Theo BCTC riêng năm 2023, khoản đầu tư của HAGL tại Chăn nuôi Gia Lai có giá gốc 1.814 tỷ đồng. HAGL còn có khoản phải thu về cho vay 627 tỷ đồng, khoản phải trả ngắn hạn 4,7 tỷ đồng, chi trả hộ 386,5 tỷ đồng.
HAGL cũng đang cho vay Chăn nuôi Gia Lai 28 tỷ đồng, chi hộ 712 triệu đồng và các giao dịch mua bán hàng hoá với nhau. Cuối năm 2023, Chăn nuôi Gia Lai đã hoàn tất việc chia tách công ty Nông nghiệp Kon Thụp.
Trước đó, vào ngày 12/12/2023, HAGL công bố Chăn nuôi Gia Lai đã thanh toán đủ số tiền 750 tỷ đồng cho Eximbank. Số tiền này bao gồm toàn bộ khoản nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trong hạn hơn 163 tỷ đồng.
Giao dịch này nhằm tất toán khoản vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký với Eximbank AMC trong tháng 8-9/2014. Theo đó, tổng số tiền lãi được miễn giảm là gần 1.425 tỷ đồng (bao gồm một phần lãi trong hạn, toàn bộ lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi).
Với thương vụ trên, bầu Đức nhận định Chăn nuôi Gia Lai từ công ty "vứt đi" đang "rất đẹp", sẽ đưa niêm yết lên sàn để cạnh tranh với Dabaco, Nông nghiệp BaF.
"Theo tôi đánh giá, Chăn nuôi Gia Lai so với các công ty niêm yết hiện tại như Dabaco, BAF… thì không hề thua kém về giá trị, tài sản. Chăn nuôi Gia Lai từng là công ty "vứt đi" do không vay nợ được vì vướng nợ xấu với Eximbank. Tuy nhiên, năm rồi HAGL đã xử lý rất tốt khoản nợ với Eximbank", bầu Đức nói.
Theo chia sẻ, tổng diện tích đất Chăn nuôi Gia Lai sở hữu lên đến 2.000 ha. Chăn nuôi Gia Lai cũng đang chăn nuôi, có nhà máy thức ăn, có vườn cây thu hoạch… Và với nguồn lực từ Chứng khoán LPBank, HAGL đã và đang tính đến kế hoạch IPO Chăn nuôi Gia Lai.
Kế hoạch IPO của HAGL được quan tâm, liên quan đến những nỗ lực để thu hồi tiền trả nợ cũng như xoá lỗ luỹ kế của Công ty. Bởi, lỗ luỹ kế theo bầu Đức đang là "rào cản" của HAGL để thu hút vốn ngoại trở lại, đồng thời là nỗi ám ảnh của người đứng đầu.
Năm qua, HAGL đã bán đi nhiều tài sản để trả nợ, giảm lỗ luỹ kế như khách sạn HAGL, bệnh viện… Tuy nhiên, 2024 bầu Đức cho biết sẽ không bán thêm tài sản nào. Mà bằng nhiều cách khác nhau (chưa tiện tiết lộ) cùng với khoản lợi nhuận dự kiến 2024 vào mức 1.300 tỷ đồng, HAGL muốn xoá sạch lỗ luỹ kế ngay năm nay.