Nộp 3/4 tài sản tham ô mới là điều kiện cần
Theo báo điện tử Infonet, ngày 2/5, trong phần tranh luận ở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn cho hay, có một doanh nhân sẵn sàng bỏ ra 32 tỷ đồng để mong "cứu" bị cáo này thoát án tử hình, trong trường hợp cựu Tổng giám đốc Oceanbank vẫn bị kết tội "Tham ô tài sản".
Luật sư nói thêm, gia đình bị cáo Sơn sẽ tự lo 5 tỉ đồng, người bạn thân là doanh nhân cho vay 32 tỷ đồng. Với 2 khoản tiền này, luật sư nói là vừa đủ để Sơn nộp khắc phục hậu quả bằng 3/4 số tiền 49 tỉ đồng mà ông bị cáo buộc Tham ô.
Trao đổi với PV về diễn biến này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, tại Điều 40 BLHS năm 2015 nêu rõ:
"Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác".
Khoản 3 điều này nêu rõ, sẽ không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Trong các trường hợp này, hình phạt tử hình sẽ được chuyển thành tù chung thân.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Luật sư Thơm nhìn nhận, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước. Do vậy, quy định tại Điều 40 BLHS nhằm khuyến khích người phạm tội ăn năn hối cải, có các biện pháp giúp Nhà nước thu hồi được tài sản một cách thuận lợi.
Đối với trường hợp của Nguyễn Xuân Sơn, nếu bị cáo hoặc thông qua gia đình bị cáo nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ thì sẽ là căn cứ, điều kiện cần để tòa án không xem xét thi hành án tử hình.
Tuy nhiên, ngoài việc nộp lại tài sản, bị cáo cần có điều kiện đủ là thái độ tích cực, hợp tác với cơ quan chức năng.
Trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, cựu Tổng giám đốc Oceanbank luôn kêu oan, không nhận tội Tham ô tài sản và tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn…, nên khi quyết định hình phạt, yếu tố ý thức và nhận thức về hành vi phạm tội của bị cáo cũng sẽ được tòa xem xét.
Theo luật sư Thơm, cần hiểu rõ, việc nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ để không phải thi hành án tử hình không đồng nghĩa với việc 1/4 tài sản còn lại sẽ không bị thu hồi. Trong quá trình chấp hành án bị cáo vẫn phải tiếp tục thực hiện bồi thường nốt số tiền còn lại.
Quy định giúp thu hồi tối đa tài sản đã thất thoát
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, theo quy định của Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng Hình sự, nếu Nguyễn Xuân Sơn và gia đình chủ động, tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ là một căn cứ để tòa xem xét không thi hành án tử hình.
Về trình tự, gia đình cần đến cơ quan thi hành án để nộp số tiền bồi thường này và lấy biên lai về trình lên HĐXX xem xét trong quá trình xử.
Theo luật sư Quynh, việc cho người phạm tội tham ô, nhận hối lộ được chủ động nộp lại tiền để tránh hình phạt tử hình là một quy định tiến bộ, phù hợp với quan điểm pháp lý của các nước tiến bộ trên thế giới và công ước giảm áp dụng hình phạt tử hình mà Việt Nam tham gia.
Quy định này cũng giúp thu hồi tối đa tài sản đã thất thoát, hạn chế tình trạng tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình tẩu tán tối đa tài sản khi không còn lựa chọn khác.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Công Thành (Hà Nội), cho rằng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn ngoài bị cáo buộc tham ô 49 tỉ đồng, còn đang bị xem xét hành vi chiếm đoạt tổng cộng 246 tỉ đồng.
Do đó, trong việc khắc phục hậu quả cần phải được tính toán, chia theo phần tương ứng với từng hành vi phạm tội mới bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và công bằng trong xét xử.
Điều 40 Bộ luật hình sự 2015: Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân"
Điểm nhấn cuộc đời, sự nghiệp của ông Nguyễn Xuân Sơn