Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 20/7/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 8,8 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Xét theo địa bàn đầu tư, báo cáo cho biết, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 7 tháng đầu năm 2023. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD. Đáng chú ý, nếu trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đầu tư vào Hải Phòng chỉ đạt khoảng 900 triệu USD, thì sang đến 7 tháng 2023, con số này đã tăng lên mức 2,001 tỷ USD, chiếm hơn 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 96,5% so với cùng kỳ. Theo đó, lý do vốn đầu tư của Hải Phòng tăng mạnh trong 7 tháng năm 2023 do có dự án LG Innotek Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hải Phòng, trong số hơn 2 tỷ USD đầu tư vào thành phố trong 7 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng đã cấp mới 53 dự án với số vốn cấp mới là 458,28 triệu USD. Cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 390,17 triệu USD, (chiếm 85,14%); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 68,11 triệu USD (chiếm 14,86%).
Bên cạnh đó, thành phố cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư 29 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 1.568,87 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp, 23 dự án, vốn đầu tư tăng 1.560,38 triệu USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế có 06 dự án, vốn đầu tư tăng là 8,49 triệu USD.
Đối với hình thức thu hút bằng thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, Hải Phòng đã chấp thuận cho 9 lượt, với số vốn đầu tư đăng ký đạt 4,23 triệu USD (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế).
Như vậy, với kết quả này, Hải Phòng đã vượt qua Bình Dương, Bắc Giang và TP HCM để đứng trở thành địa phương có lượng vốn FDI lớn thứ hai cả nước trong 7 tháng đầu năm 2023.
Nguồn: MPI
Tiếp theo lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, với tổng vốn FDI đăng ký lần lượt là 1,6 tỷ USD, 1,4 tỷ USD và 1,07 tỷ USD. Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,5%), số lượt dự án điều chỉnh (24,7%) và góp vốn mua cổ phần (69%).
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư đánh giá, trong 7 tháng đầu năm 2023, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai,…Đặc biệt, với việc mở rộng dự án LG Innotek Hải Phòng thêm 1 tỷ USD, Hải Phòng đã vượt lên đứng thứ hai và thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn trong 7 tháng.
Nhìn chung, sau khi giảm liên tục trong 6 tháng, tổng vốn đầu tư đăng ký lần đầu tiên trong năm 2023 tăng so với cùng kỳ, tăng 4,5%. Tính riêng trong tháng 7 năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 6 năm 2023, tăng 41,9% so với tháng 5/2023 và tăng 85,7% so với cùng kỳ tháng 7 năm 2022.
Lũy kế tới 20/7/2023, báo cáo cho biết, cả nước có 37.839 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 452,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 285,58 tỷ USD, bằng 63,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với gần 57,07 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 40,1 tỷ USD (chiếm gần 8,9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với gần 39,3 tỷ USD (chiếm gần 8,7% tổng vốn đầu tư).