Ngoài những điểm đến đã quá nổi tiếng như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt,… thì các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng "gây bão" trên bản đồ du lịch dạo gần đây, điển hình như Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu,… đặc biệt là "vùng đất 7 núi" An Giang.
Nơi đây luôn cuốn hút hội mê xê dịch bởi hàng loạt cảnh quan thiên nhiên đẹp, những địa điểm sống ảo "xịn sò" thường xuất hiện trên mạng xã hội cùng những món ăn độc đáo, không nơi nào có.
Ảnh: Nguyen Thanh Phong, Nguyễn Hoàn Hảo
Chính nhờ nét văn hoá - ẩm thực thú vị, An Giang đã trở thành 1 trong những điểm đến ở mùa thứ 2 của "2 ngày 1 đêm" - một chương trình truyền hình thực tế được Việt hóa nhằm quảng bá du lịch Việt Nam.
Ảnh minh hoạ, nguồn: Chương trình 2 ngày 1 đêm
Cùng khám phá xem "viên ngọc" du lịch miền Tây này có những điểm check-in ăn khách và những món ăn có 1-0-2 nào nhé!
"Cháy máy" với nhiều địa điểm "sống ảo" đẹp mê ly
Nổi tiếng là nơi có vô vàn cảnh thiên nhiên đẹp, khi đến An Giang bạn nhất định phải chuẩn bị bộ nhớ thật đầy vì góc nào lên hình cũng rất xinh.
Cánh cổng chùa Tual Prasat
Nằm đơn lẻ giữa trời với vẻ ngoài nhuốm màu thời gian, cánh cổng chùa Tual Prasat thu hút hội mê "sống ảo" bởi lối thiết kế đặc trưng của văn hóa Khmer với 3 chóp tháp nhọn và hoa văn được đắp nổi tinh xảo. Bước qua cánh cổng này, hiện ra trước mắt bạn là con đường "tơ lụa" uốn cong dẫn vào ngôi chùa Tual Prasat yên ả cùng đồng lúa bạt ngàn 2 bên.
Ảnh: @chau_vl, @michelleminmin
*Địa chỉ: Ấp An Hoà, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn
Hàng thốt nốt "huyền thoại" ở Tịnh Biên
Được biết đến như vùng đất của những cây thốt nốt, đã đến An Giang thì không thể nào thiếu những bức ảnh check-in mang vẻ đẹp đặc trưng của "vùng đất 7 núi" với hàng thốt nốt cao chót vót, cùng những cánh đồng lúa bao quanh.
Ảnh: Lâm Nguyễn, Bí Ngô
Đặc biệt hơn, nếu đến đây vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng 1 hằng năm thì lúa sẽ bắt đầu chín vàng, làm cho bức ảnh của bạn trông "xịn xò" hơn gấp mấy lần.
Ảnh: Dương Việt Anh
*Địa chỉ: Dãy núi Phú Cường, xã An Nông, huyện Tịnh Biên
Hồ Ô Thum
Tuy không nổi tiếng như hồ Tà Pạ hay hồ Ô Tà Sóc nhưng hồ Ô Thum lại được mệnh danh là "ốc đảo nổi" của An Giang vì sở hữu khung cảnh thiên nhiên tuyệt sắc, xung quanh là núi đồi trùng điệp và những hàng cây thốt nốt xanh rì. Do vị trí nằm sâu dưới triền núi, ít người đến nên rất thích hợp cho những ai thích sự yên tĩnh. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc đi lại, người dân đã xây dựng thêm 1 cây cầu gỗ nối liền 2 bờ, điều này vô tình tạo nên background chụp ảnh cực thơ.
Ảnh: Miền Tây có gì
*Địa chỉ: Xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn (dưới chân núi Cô Tô)
Thánh đường Hồi Giáo Masjid Jamiul Azhar
Mới nổi lên trong bản đồ check-in trong thời gian gần đây, thánh đường Hồi giáo Masjid Jamiul Azhar là 1 trong những thánh đường lâu đời và đẹp nhất ở An Giang. Thánh đường này sở hữu lối kiến trúc Hồi giáo ấn tượng với 2 gam màu xanh ngọc và trắng, gợi nhiều liên tưởng đến những tòa nhà Hồi giáo ở Trung Đông xa xôi. Điểm nhấn của thánh đường là những mái vòm cao rộng, khung cửa in viền cách điệu và biểu tượng trăng lưỡi liềm được chạm trổ khắp mọi nơi.
Ảnh: Phi Thông
Đến đây, bạn không chỉ mang về thật nhiều bức ảnh nghệ thuật mà còn có cơ hội tìm hiểu, khám phá các giá trị lịch sử, văn hóa và cuộc sống của đồng bào người Chăm. Tận mắt nhìn thấy người dân bản địa mặc xà rông, abaja và quấn khăn hijab.
Ảnh: Thái Hà
*Địa chỉ: Tổ 8, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu
"Ô cửa sổ máy bay" trên núi Cô Tô
"Ô cửa sổ máy bay" thật ra là 1 chữ cái trong dòng chữ "Tri Tôn" nằm trên núi Cô Tô. Công trình biểu tượng này gồm 6 chữ cái, có độ cao 7m và đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Trong đó, chữ "Ô" được các bạn trẻ check-in nhiều nhất do trông như ô cửa máy bay khổng lồ với sau lưng là toàn cảnh cánh đồng Tà Pạ chín vàng và những cây cối xanh mướt. Ngoài vị trí ngắm cảnh lý tưởng, núi Cô Tô cũng là nơi ngắm bình minh và hoàng hôn nổi tiếng nhất của An Giang.
Ảnh: Tăng Chấn Vĩ, @myxhoa
*Địa chỉ: Xã Cô Tô, huyện Tri Tôn
Thưởng thức loạt đặc sản độc đáo, trong đó có món nghe tên chưa chắc đã biết
"Vùng đất 7 núi" nằm giáp ranh với Campuchia, cũng là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, đặc biệt là người Chăm. Thế nên, những món ăn nơi đây đa số sẽ giao thoa với ẩm thực Chăm.
Cơm nị - cà púa
Cơm nị - cà púa là sự kết hợp giữa 2 hương vị đặc sắc nhất của người Chăm ở An Giang: cơm nị và cà púa. Phần cơm nị được chế biến rất tỉ mỉ, gạo sau khi vo xong phải xào cùng bơ, đinh hương và quế đến khi săn lại, sau đó trộn ngay với dầu hạt điều để tạo màu vàng. Khi nấu cơm, nước phải pha với muối, đường và cà ri. Cuối cùng, đợi đến lúc ráo hạt thì rưới đều nước cốt dừa vào.
Ảnh Khói lam chiều
Phần cà púa ăn kèm cũng không kém cạnh về độ chỉn chu. Người Chăm luôn chọn thịt bò là hương vị chính cho món ăn. Phần thịt bò sẽ được xào trước cùng cà ri, hành, muối, ớt,... cho thật thấm vị. Tiếp đến là ninh thịt trong nước cốt dừa đến khi mềm và phủ thêm hành tím, đậu phộng rang, cơm dừa nạo lên khắp bề mặt. Cơm nị - cà púa khi ăn sẽ có vị ngậy béo, thơm mùi dừa và chút cay the đặc trưng.
Ảnh: @djdi.asiaaaa
*Địa chỉ gợi ý: Quán A-li (20 Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Châu Đốc), làng Chăm Châu Giang (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu), chợ Châu Đốc (phường Châu Phú A),…
Cơm tấm Long Xuyên
Cũng được gọi là cơm tấm nhưng cách chế biến, trình bày và hương vị của cơm tấm đặc sản Long Xuyên lại có phần khác biệt hơn hẳn. Loại gạo dùng để nấu cơm tấm này thường rất nhuyễn, chỉ bằng 1 nửa hạt cơm tấm ở TP.HCM. Thay vì ăn kèm với sườn nướng, trứng ốp la, cơm tấm Long Xuyên lại ăn cùng thịt ram, trứng kho, bì, chả. Tất cả topping đều được cắt thật nhỏ và khi ăn sẽ chan thêm nước mắm thắng sánh đặc rồi trộn đều.
Ảnh: @homnay_tuiangi, @litihaman, @foodtoursaigon
*Địa chỉ gợi ý: Quán Cây Điệp (67 Lý Tự Trọng, thành phố Long Xuyên), quán Tùng (32 Phan Đình Phùng, thành phố Long Xuyên), quán Tư Ẩn (2 Thoại Ngọc Hầu, thành phố Long Xuyên), quán 8 Diệu (200/4 Đặng Dung, thành phố Long Xuyên),…
Tung lò mò
Đến An Giang, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những dây tung lò mò đang phơi ngoài nắng. Từ lâu, tung lò mò đã trở thành món ăn không thể thiếu trong văn hoá ẩm thực An Giang nói chung và người Chăm nói riêng. Món ăn này tương tự như lạp xưởng nhưng được làm từ thịt bò và mỡ dồn vào ruột bò, thường có 2 vị chua và không chua. Ở An Giang, tung lò mò thường được mang đi chiên hoặc nướng, ăn cùng gỏi đu đủ ba khía, cơm,…
Ảnh: Chang chấm ruốc, Quế Hạnh
*Địa chỉ gợi ý: Làng Chăm Châu Giang (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) hoặc dọc đường quốc lộ ở xã Châu Lăng, huyện Tri (hướng đi Tịnh Biên),…
Gà đốt lá chúc
Bất kì ai khi đến An Giang, nhất là khu vực hồ Ô Thum đều muốn thưởng thức gà đốt lá chúc trứ danh. Ở món ăn này, gà sẽ được đốt nguyên con đến khi da chuyển sang màu vàng và các nguyên liệu thấm đều vào thịt. Điều tạo nên vị ngon của món gà đốt nằm ở phần lá chúc. Loại lá này được xem như gia vị đặc sản của huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, khi đốt cùng gà sẽ cho ra hương thơm ngào ngạt và làm dậy độ ngọt của thịt gà. Ngoài ra, phần nước chấm gà cũng được làm từ lá chúc nên khi ăn có vị the the, cay cay rất riêng.
Ảnh: @vivianzh4ng
*Địa chỉ: Quán Thành Đạt (khu vực hồ Ô Thum), quán Trí Hải (69 đường 3/2, khóm 5, huyện tri Tôn), quán ĐaLin (hang Tuyên Tuấn, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn),…
Bánh ha-cô
Bánh ha-cô còn được gọi với cái tên khác là bánh bò thốt nốt nướng. Loại bánh này được làm từ lúa trồng ở chân núi Sóc Sơn. Sau khi làm thành bột gạo lại được ủ cùng đường thốt nốt - loại đường đặc sản của An Giang để cho ra vị ngọt bùi. Bánh ha-cô thường nướng bằng bếp củi, người ta sẽ cho phần bột đã ủ vào chiếc chảo nhỏ và đậy nắp chờ đến khi bánh căng phồng. Khi xé bánh ra, bên trong sẽ có nhiều rễ tre đẹp mắt.
Ảnh: @tuilanguoimientay, @nhipsongquehuong
*Địa chỉ gợi ý: Sạp bánh cô Rofiah (làng Chăm Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu), khu chợ ẩm thực phường Mỹ Long,…
Nếu có cơ hội đi du lịch miền Tây mà vẫn còn lăn tăn nên ghé thăm tỉnh nào đầu tiên thì An Giang đích thị là cái tên "vàng" đấy!