Công an Hà Nội ngày 31/7 cho biết, hành vi lừa đảo giả danh cán bộ Công an rồi gọi điện thoại thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây tội phạm nào đó rồi yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt không phải là thủ đoạn mới. Công an thành phố đã rất nhiều lần cảnh báo tuy nhiên nhiều người dân vẫn mất cảnh giác, rơi vào "bẫy" của tội phạm gây thiệt hại không nhỏ về tài sản.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 3,4 tỷ đồng với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào ngày 14/3/2024, bà L (SN 1960, thường trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) có nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là Cảnh sát hình sự thông báo một số điện thoại đăng ký tên bà đang nợ cước. Người này nói sẽ lập hồ sơ và báo cáo Viện kiểm sát để hỗ trợ điều tra.
Sau đó, bà L vào zalo thì thấy có yêu cầu kết bạn, gọi video call thấy một người mặc trang phục của Viện kiểm sát yêu cầu bà gửi tiền để điều tra. Do sợ hãi nên bà L đã ra ngân hàng rút tiền và gửi vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Quá trình rút tiền chuyển tiền tại ngân hàng, mặc dù đã được nhân viên ngân hàng cảnh báo nhưng bà L. không nghe và vẫn chuyển tiền cho đối tượng. Sau đó, bà nói cho gia đình thì mới biết mình bị lừa đảo.
Khi bà L ra cơ quan Công an trình báo sự việc. Tổng số tiền mà bà L đã chuyển là hơn 3,4 tỷ đồng.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng lừa đảo. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra.
Công an đề nghị khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Dấu hiệu nhận biết các đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đối tượng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện hăm dọa và lừa đảo thường sử dụng các chiêu trò và phương pháp nhằm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Cục An toàn thông tin đã chỉ ra một số dấu hiệu nhận diện để người dân cảnh giác:
Sử dụng số điện thoại giả mạo: Đối tượng sẽ sử dụng số điện thoại giả mạo, có thể hiển thị số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc tòa án trên màn hình điện thoại của bạn. Hãy lưu ý rằng cơ quan chính thức sẽ không sử dụng số điện thoại giả mạo hoặc giả danh.
Đe dọa và áp lực tâm lý: Đối tượng sẽ sử dụng các cách thức đe dọa, áp lực tâm lý như khống chế, hăm dọa, nói dối về việc có liên quan đến các vụ án đang điều tra để tạo áp lực và đánh vào sợ hãi của nạn nhân.
Yêu cầu chuyển tiền hoặc thông tin cá nhân: Đối tượng sẽ yêu cầu bạn chuyển tiền vào một tài khoản cụ thể hoặc cung cấp thông tin cá nhân như số thẻ tín dụng, số căn cước công dân, mã số bảo mật và các thông tin nhạy cảm khác. Điều này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bạn.
Tạo áp lực thời gian: Đối tượng thường tạo áp lực thời gian cho bạn, tuyên bố rằng hành động phải được thực hiện ngay lập tức để tránh hậu quả nghiêm trọng. Họ sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng không có thời gian để suy nghĩ hay tham khảo người khác.
Để phòng chống và bảo vệ mình khỏi các hình thức lừa đảo như trên, theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, người dân cần bình tĩnh, không cung cấp thông tin cá nhân hay tiền bạc qua điện thoại, email hoặc các phương tiện truyền thông khác.
Đặc biệt nếu nhận được cuộc gọi đe dọa hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn.
Ngoài ra, người dân có thể sử dụng Phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust mà Bộ Công an mới ra mắt để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR.