Anh Winston ChurchillSau thất bại ê chề ở Thế chiến I (1914-1918), nước Đức và cụ thể là Hitler vẫn không từ bỏ tham vọng làm bá chủ thế giới. Hơn 20 năm sau, phát xít Đức lại một lần nữa khơi mào nên chiến tranh thế giới lần thứ II vào năm 1939.
Trong khoảng thời gian này, đó thực sự là một thế lực đáng sợ của thế giới lúc bấy giờ với sức mạnh đến từ bộ binh cũng như đội quân tăng thiết giáp khổng lồ.
Dunkirk - Trận đánh, cuộc di tản vĩ đại bậc nhất lịch sử
Đầu năm 1940, Pháp chính thức tham chiến, họ đưa quân đội cùng với Anh tiến vào Bỉ theo lệnh của Tổng tư lệnh tối cao của quân Đồng Minh với kế hoạch giữ chân quân Đức tại phòng tuyến sông Dyle.
Tuy nhiên với hơn 800.000 lính cùng hàng trăm, hàng ngàn phương tiện cơ giới chiến tranh (bao gồm cả xe tăng), thế công của quân Đức vẫn ào ào tiến đến không chút nao núng.
Thậm chí, phe phát xít còn làm tốt đến nỗi, chia cắt hoàn toàn Lực lượng viễn chinh Anh (BEF) và quân đồng minh từ Pháp. Những người lính BEF bị dồn về dải đất hẹp thuộc vùng biển nước Pháp và chỉ cách quê hương khoảng vài chục dăm biển nhưng không thể nào với tới.
Trước mặt họ, tuy là biển rộng nhưng lại luôn trực chờ bởi những chiếc tàu ngầm lớp U, phía sau còn đáng sợ hơn khi có sự hiện diện của hàng chục vạn lính Đức với thế công như chẻ tre. Nếu nghĩ vậy là đủ thì tất cả đã nhầm, "thần chết" có thể đến với quân Anh bất cứ lúc nào khi hàng trăm máy bay chiến đấu đang gào thét, oanh tạc suốt ngày đêm.
Một cảnh trong bộ phim Dunkirk, được lấy cảm hứng từ chiến dịch có thật.
Có đến 400.000 người thật đấy, súng ống đạn dược không quá nhiều, không quá ít nhưng lâm vào tình thế đó, dường như toàn bộ đội quân BEF mất sạch sĩ khí, tuyệt vọng nhìn về quê hương gần ngay trước mắt mà chẳng thể với tay!
Cũng trong lúc đó, những quan chức cao cấp của Anh đang dốc hết sức để có thể giải cứu những người con xa quê. Đích thân thủ tướng lâm thời Winston Churchill yêu cầu chỉ huy cao nhất của BEF phải di tản được nhiều lính nhất có thể.
Tuy nhiên, theo ước tính, chỉ có khoảng 45.000 người được giải cứu trong 48 tiếng đầu tiên, con số đó là quá nhỏ bé so với tổng thể, hơn thế nữa, thời gian không có nhiều đến vậy, quân Đức vẫn đang ào ạt tấn công chưa kể lực lượng tăng thiết giáp chủ lực của Đức cũng đang trên đường tới.
Quyết định bất ngờ và sinh cơ le lói của quân Anh
Đúng trong thời khắc gay cấn nhất, lực lượng xe tăng chủ lực của Đức bỗng dừng lại theo lệnh của Hitler (xuất phát từ yêu cầu của tướng Gerd von Rundstedt và Günther von Kluge), tạm dừng tấn công trong 2 ngày 22-23/5/1940.
Quyết định khó hiểu này được nhiều chuyên gia đánh giá là sai lầm chí mạng của phe phát xít. Nó cho quân Đồng Minh có cơ hội sốc lại tinh thần, hàng ngũ cũng như xây dựng chu đáo hơn cho hệ thống phòng thủ.
Người Anh cũng nhân cơ hội này mở chiến dịch Dynamo nhằm giải cứu lực lượng BEF ở bờ biển Dunkirk. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên 27/5, chỉ có gần 8.000 người (7.669) có thể về đến Anh an toàn, con số này thấp hơn nhiều so với kế hoạch giải cứu 45.000 lính trong 48 tiếng đầu tiên.
Một cảnh trong bộ phim Dunkirk, được lấy cảm hứng từ chiến dịch có thật.
Bên kia chiến tuyến, quân Đức liên tục thả tờ rơi kêu gọi đầu hàng song song với những trận oanh tạc liên miên từ máy bay cũng như trọng pháo. Âm thanh từ tiếng bom, tiếng pháo và cả những loạt đạn súng máy như xé toàn cả không khí.
Tình thế của quân Đồng Minh bây giờ thực sự không tốt, thậm chí quân Bỉ còn đầu hàng vào ngày hôm sau, 28/5. Việc này khiến tình hình tồi tệ hơn rất nhiều, quân Anh hoàn toàn bất ngờ vì quyết định này và buộc họ phải tiến hành nhanh hơn kế hoạch di tản của mình.
Trong hoàn cảnh éo le, chính phủ Anh đã đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ của mình, hàng trăm chiếc thuyền dân sự nhỏ đã đáp lại và lên đường đến Dunkirk.
Hình minh họa. Những con tàu con đáp lại lời kêu gọi từ chính phủ.
Sự dũng cảm và lòng yêu nước của chủ những con tàu dân sự này đã tạo nên thành công bất ngờ cho chiến dịch. Tính tới ngày 31/5, hơn 180.000 quân được giải cứu, an toàn trở về Anh. Vào ngày 4/6/1940, chiến di tản chưa từng có kết thúc và con số cuối cùng lên tới 340.000 người (trong số đó có 140.000 lính Đồng Minh).
Thực tế, thủ tướng Anh Winston Churchill vừa nhận chức vào tháng 5 và cũng chỉ hy vọng có thể cứu được 30.000 lính về Anh an toàn trong khi con số thực tế cao hơn đến 11 lần!
Cũng vì lẽ đó mà cuộc di tản này được giới truyền thông Anh ca ngợi là một kỳ tích, một chiến thắng lịch sử. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào bản chất, đó vẫn là một thất bại cay đắng của quân Anh cùng Đồng Minh trước thế tiến công không thể kìm hãm của phe Đức.
Có 340.000 người an toàn song đối với kẻ ở lại đó là thảm cảnh
Đương nhiên không ai dám nghĩ đến kịch bản cả 400.000 lính đều có thể an toàn sống sót rời khỏi Dunkirk giữa mưa bom bão đạn của quân Đức. Thậm chí, việc đưa hơn 80% lực lượng về đến Anh cũng đã là một thành công lớn.
Song con số 80.000 người bị mắc kẹt lại đây cũng không phải là nhỏ. Bên cạnh đó là là hàng nghìn cơ giới, xe tăng, xe tải cùng vô số vũ khí đạn dược bị bỏ lại trên đất Pháp và cả bờ biển Dunkirk.
Chiến dịch Dynamo. Hình minh họa
Trong số 8 vạn quân đó, kẻ bị chết, người bị thường và phần lớn đều bị bắt sống làm tù binh tại các trại giam lớn. Và chắc chắn rằng, cuộc sống tù tội do quân phát xít tạo ra thì không hề dễ chịu, nó khiến con người ta chết dần chết mòn theo năm tháng. Thậm chí, có người phải uống nước cống, ăn đồ hỏng để sinh tồn.
Đó có thể coi là thiệt hại lớn về người đối với quân đội Anh nhưng thiệt hại về vật chất cũng không hề nhỏ. Số lượng khí tài khổng lồ bị bỏ lại bởi phe Đồng Minh đủ để trang bị cho 8-10 sư đoàn khác trong khi ở ngay tại Anh, họ chỉ còn đủ cho 2 sư đoàn.
Chưa kể đến đạn dược, chỉ tính vũ khí thôi, quân Anh đã mất 1190 khẩu pháo (3/4 là pháo dã chiến, còn lại là cỡ lớn), 500 súng phòng không và 850 súng chống tăng, 11.000 súng máy, gần 700 xe tăng, 20.000 mô tô và 45.000 ô tô, xe tải các loại.
Cảm hứng cho 3 tượng vàng Oscar: Đôi khi chỉ cần sống sót thôi cũng đã là chiến thắng
Như đã nói ở trên, sau thành công bất ngờ của chiến dịch, người ta ca ngợi Dunkirk như một kỳ tích, nó không khác gì biểu tượng cho sự đoàn kết của người Anh trong giờ phút nguy nan. Nhưng đó cũng là sự thất bại của quân Anh và phe Đồng Minh trong việc chặn đứng bước tiến của quân Đức.
Poster của bộ phim Dunkirk. Hình minh họa
Tuy nhiên xét cho cùng, chiến thắng ở mặt này, thất bại ở mặt kia, nó là chuyện thường tình trong chiến tranh. Còn đối với những người lính, chiến thắng vĩ đại nhất, quan trọng nhất chỉ có một:
"Đó là còn sống!"
Mỗi trận đánh qua đi hay khi mỗi cuộc chiến kết thúc, cái giá phải trả luôn là sinh mạng của những người linh và cả dân thường, khi đó cái họ cần không chắc đã phải vinh quang mà đơn thuần chỉ là còn sống. Nhất là trong hoàn cảnh khốc liệt như ở Dunkirk, giữa mưa bom bão đạn của quân Đức, sống và chết chỉ cách nhau một gang tay!
Và đến hiện tại, Christopher Nolan đã chọn chính chiến dịch vĩ đại này để đưa lên màn ảnh. Ông bắt đầu những thước quay đầu tiên bằng một cách trực diện, trần trụi nhất để cho khán giả thấy được sự khốc liệt của cuộc chiến.
Hình minh họa
Kết hợp với đó là âm thanh, nhạc nền xuất sắc nhằm mục đích lột tả chân thực nhất sự mong manh trong cuộc chiến. Khi ở đó "Chiến thắng chỉ đơn giản là còn sống!".
Không cần đi quá sâu vào nội dung hay cách làm phim, chúng ta vẫn có thể mường tượng được đây sẽ là một tác phẩm hùng tráng với vô số cung bậc cảm xúc khác nhau.
Và mới đây nhất, Dunkirk của đạo diễn Christopher Nolan cũng đã tự hào nhận được ba giải Oscar danh giá, lần lượt dành cho các hạng mục: "Dựng phim xuất sắc", "Biên tập âm thanh xuất sắc", "Hòa âm xuất sắc"
Tham khảo nhiều nguồn