Dụng ý của Triều Tiên khi thử vũ khí chiến thuật mới

Bình Giang |

Giới quan sát cho rằng việc Triều Tiên vừa thử loại “vũ khí dẫn đường chiến thuật mới” là nỗ lực nhằm đưa chuyện bế tắc trong đàm phán hạt nhân với Mỹ trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump.

Bài báo nói đến “cơ chế bay dẫn đường riêng” và khả năng mang theo “đầu đạn mạnh” của vũ khí này đã được “thẩm định hoàn hảo trong cuộc bắn thử nhiều chế độ hoạt động, tấn công các mục tiêu khác nhau”.

Ông Kim được KCNA dẫn lời nói rằng việc phát triển hệ thống vũ khí mới “là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp làm tăng năng lực chiến đấu cho quân đội nhân dân”.

Dù đến giờ chưa rõ đó là loại vũ khí gì, một số bài báo dẫn lời các quan chức Mỹ cho rằng đó có thể là tên lửa dẫn đường tầm ngắn , cỡ nhỏ, chứ không phải tên lửa đạn đạo.

Bài báo của KCNA sử dụng từ “chiến thuật”, và nói rằng ông Pak Jong Chon – tư lệnh Bộ chỉ huy pháo binh, cũng tham gia sự kiện, cho thấy đây có thể là cuộc bắn thử pháo.

Các nhà quan sát cho rằng đây khó có thể là một vụ thử tên lửa đạn đạo vì hành động như vậy sẽ phá hỏng tiến trình đối thoại được trông đợi từ lâu với Mỹ. Một vụ thử tên lửa đạn đạo sẽ bị coi là khiêu khích hơn nhiều so với thử tên lửa tầm ngắn hay các loại vũ khí khác.

“Đây dường như là một hành động có tính toán nhằm gia tăng căng thẳng và gây áp lực với Mỹ mà không phá hỏng tiến trình ngoại giao”, sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận nào, báo Japan Times dẫn lời ông Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng phụ trách các vấn đề Triều Tiên.

Sau cuộc gặp lần hai với ông Trump, ông Kim nói rằng sẵn sàng cho cuộc gặp lần ba, nhưng đặt ra thời hạn chót đến cuối năm nay để Mỹ linh hoạt hơn.

Trong khi đó, ông Kim có thể đang tìm con đường khác để có thể làm giảm gánh nặng từ các biện pháp trừng phạt, trong đó có nỗ lực xích lại với Nga.

Tin đồn rộ lên trong những ngày gần đây rằng ông Kim có thể sắp gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Báo Nga Izvestia dẫn một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao nói rằng hoạt động chuẩn bị đang được tiến hành cho sự kiện thượng đỉnh tại tuần tới ở TP Vladivostk thuộc vùng Viễn Đông, Nga. Đài truyền hình Fuji của Nhật Bản chiếu cảnh quan chức phụ trách lễ tân của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đến thăm thành phố này hôm 17/4.

Nhưng vụ thử vũ khí mới của Triều Tiên cũng có thể nhằm gửi tín hiệu đến những người mang quan điểm cứng rắn trong nội bộ chính quyền Bình Nhưỡng.

“Những vụ thử như thế được thiết kế nhằm vào nhiều mục đích. Ông Kim muốn thể hiện với những người cứng rắn rằng quốc phòng vẫn là ưu tiên của nước này. Nhưng ông ấy cũng muốn gửi tín hiệu đến Washington rằng sự kiên nhẫn chỉ có giới hạn, và nhắc nhở rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục duy trì và phát triển vũ khí”, Japan Times dẫn lời bà Jean Lee, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson, Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 thử vào tháng 11/2017 của Triều Tiên có thể tấn công đến tận nội địa của Mỹ.

Trong lúc ông Trump vẫn khẳng định đàm phán Mỹ - Triều đang tiến triển , những thông tin gần đây cho thấy Triều Tiên có vẻ đang tiếp tục chương trình hạt nhân của họ. Gần đây nhất là thông tin có hoạt động mới ở cơ sở hạt nhân Yongbyon.

“Hãy chờ xem Tổng thống Trump sẽ phản ứng ra sao, sau khi ông ấy dựa quá nhiều vào ‘thành công’ của mình từ việc Triều Tiên không thực hiện vụ thử nào từ cuối năm 2017”, bà Lee nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng ông Kim có thể muốn dùng vụ thử lần này để đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên trở thành ưu tiên hàng đầu của ông Trump.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại