Keo 502 là loại keo có tốc độ đông cứng nhanh (3 đến 10 giây) và thường bám rất dính nên thường được sử dụng trong gia đình, xí nghiệp, văn phòng để dán những vật liệu cần độ bám dính cao.
Trong quá trình sử dụng, chắc chắn không thể tránh khỏi trường hợp bị keo dính vào da, mắt hay quần áo... Với những đặc tính như trên, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, keo 502 có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc nếu dính vào cơ thể.
Khi bị keo 502 dính vào, nếu đó là những nơi như da tay, da chân, nền nhà, vải vóc, kính, xe, bạn có thể tự xử lý ngay tại nhà.
Nhưng đối với bộ phận cơ thể nhạy cảm như mắt, bắt buộc bạn phải đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ lấy keo ra khỏi mắt, hạn chế tình trạng bỏng, gây hậu quả nặng nề về sau.
Đầu tiên, khi keo 502 dính vào, bạn phải ngâm chỗ bị dính keo vào nước xà phòng ấm ngay lập tức để giúp keo mềm ra, dễ tróc khỏi tay. Bạn cũng có thể cho thêm vào nước xà phòng ấm một ít giấm, vừa ngâm vừa kì để gỡ lớp keo 502.
(Ảnh: wikihow)
Ngoài ra, bạn cũng có thể gỡ keo 502 bằng những cách sau:
Dùng acetone - chất hay được sử dụng để lau chùi sơn móng tay. Trong trường hợp này, acetone sẽ làm mềm chất cyanoacrylate trong keo 502.
Bạn chỉ cần độ trực tiếp acetone (một lượng vừa phải) lên khu vực bị dính keo 502, sau đó nhẹ nhàng gỡ bỏ và chùi sạch lớp keo trên cơ thể.
Hoặc bạn cũng có thể trộn hỗn hợp acetone với WD (dầu chống gỉ) theo tỉ lệ 1:1 rồi bôi trực tiếp lên vị trí bị dính keo 502.
Trộn hỗn hợp acetone với WD (dầu chống gỉ) theo tỉ lệ 1:1 rồi bôi trực tiếp lên vị trí bị dính keo 502. (Ảnh: wikihow)
Lưu ý rằng phải đổ trực tiếp keo 502 lên nơi bị dính keo, không được dùng bông thấm vì nó có thể phản ứng mạnh với chất cyanoacrylate trong keo.
Những bộ phận nhạy cảm dính keo 502 như mắt, mũi, miệng hay vết thương hở cũng không được dùng acetone mà phải đến ngay bệnh viện để bác sĩ sơ cứu.
Nếu tại nhà không có acetone, bạn có thể dùng bơ thực vật - nguyên liệu mà tủ lạnh gia đình nào cũng có. Đầu tiên, bạn thoa bơ lên nơi keo 502 dính vào, thoa đến khi lớp keo mềm ra và có thể rửa sạch là được.
Bạn cũng có thể đổ 2 muỗng canh muối vào tay, cho thêm ít nước tạo nên hỗn hợp sền sệt, sau đó chà xát từ 30 đến 60 giây cho đến khi keo tróc ra mới thôi.
(Ảnh: wikihow)
Trong trường hợp keo 502 dính vào môi, bạn ngâm môi ngay vào tô nước ấm.
Sau đó tận dụng nước bọt trong miệng do nước bọt có khả năng làm hở keo, lay nhẹ vùng môi cho thấm nước bọt, môi sẽ bung ra.
Nếu keo dính vào mắt, lấy khăn mềm thấm nước ấm rồi chùi nhẹ lên mắt, sau đó băng nhẹ rồi đến bệnh viện ngay. Tuyệt đối không được cố gắng mở mắt ra.
(Ảnh: wikihow)
Nếu keo 502 dính lên vật dụng như quần áo, giày dép, bạn có thể dùng giấy nhám hoặc giũa móng tay để chà vết keo.
Hoặc đối với vùng da dày trên cơ thể, bạn có thể dùng đá bọt chà lên vị trí dính keo sau khi đã ngâm vào trong nước ấm.
(Ảnh: wikihow)