Khó có thể chỉ ra chính xác chiếc yếm của người phụ nữ xưa được ra đời như thế nào, do ai sáng tạo ra cũng như những câu chuyện thú vị xung quanh, chỉ biết rằng nó đã có mặt trong cuộc sống của người dân Việt từ rất xa xưa.
Các tài liệu ghi chép lại rằng, trải qua nhiều biến đổi, đến thời nhà Lý thì chiếc yếm mới được định hình về mặt kiểu dáng. Yếm thường được làm bằng một mảnh vải hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét lỗ làm cổ, hai đầu của lỗ đính hai mẩu dây để cột ra sau gáy.
Các bà các cô cũng có vô vàn khái niệm liên quan đến trang phục này, nào là yếm cổ xây, tức là loại cổ hình tròn; yếm cổ xẻ là loại cổ nhọn đầu hình chữ V; rồi yếm cổ cánh nhạn đuôi chữ V mà xẻ sâu xuống... Bước sang thế kỷ 20, yếm càng được ưa chuộng nhưng có sự phân biệt về kiểu dáng, chất liệu và màu sắc.
Hình ảnh phụ nữ xưa. Ảnh minh hoạ
Màu vàng dành riêng cho bậc vua chúa. Người phụ nữ thôn quê hay người lao động ở thị thành thường mặc yếm màu nâu dệt từ vải thô. Phụ nữ lớn tuổi mặc yếm thẫm màu. Con gái đang tuổi xuân thì cũng có vô vàn lựa chọn. Tuy nhiên, một cô gái con nhà gia giáo sẽ chọn cho mình những chiếc yếm màu sắc trang nhã và kín đáo.
Các cô gái làng chơi thường mặc yếm màu hoa đào, cổ khoét sâu, và hễ ai khoác lên người thứ màu sắc, kiểu dáng này này lập tức bị coi là lẳng lơ, không đứng đắn. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chiếc yếm cũng có nhiều biến đổi và vận mệnh thăng trầm riêng.
Hình ảnh chiếc yếm đôi khi vẫn xuất hiện trong các tác phẩm ca nhạc, kịch nói. Hình minh hoạ.
Tuy nhiên, chính vào thời kỳ này, Thăng Long - Kẻ Chợ đã từng có cả một cái chợ dành cho phường bán yếm xưa và cả phường nghề dệt nhuộm truyền thống chỉ riêng phục vụ cho nhu cầu ăn mặc, làm đẹp của người phụ nữ Thăng Long cũng như các vùng lân cận.
Ngay tại số nhà 38 Hàng Đào hiện vẫn còn tấm biển khắc chữ Hán "Đồng Lạc quyến yếm thị". Đây chính là ngôi đình của chợ bán yếm lụa ngày xưa, mang tên Đồng Lạc, cho thấy sự mua bán tấp nập, rộn ràng ở chốn kinh kỳ. Không khó để tìm thấy tư liệu cũng như hình ảnh người phụ nữ trong trang phục yếm lụa ở thời kỳ này là vì vậy.
Vốn là một trang phục phụ, nên khi đi ra ngoài, phụ nữ khoác thêm một chiếc áo cánh để che tâm lưng ong thon thả, nõn nà, kéo tà áo che bớt phần yếm trước, vận thêm chiếc váy lưỡi trai bằng lĩnh, dải lụa đào thắt ngang lưng nữa là đủ bộ.
HÌnh minh hoạ.
Yếm tưởng kín đáo là thế, mà thật ra lại vô cùng gợi tình. Chẳng thế mà ca dao có câu: "Trời mưa lấy yếm mà che - Có anh đứng gác còn e nỗi gì?".
Để đối đáp ẫm ờ, các nam thanh nữ tú đò đưa rằng: "Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em có chồng rồi trả yếm cho anh/ Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em em mặc, yếm chi anh đòi",hay "Gần đây mà chẳng sang chơi/ Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu/ Mồng tơi chẳng bắc được cầu/ Để em trải yếm bắc cầu anh sang".
Hay "Hỡi cô yếm thắm lòa lòa/ Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm/ Ước gì anh được ở gần/ Để anh nhuộm hộ thấm nhuần công anh". Nhiều khi đơn giản chỉ là tấm chân tình của người con gái: "Thương anh chẳng biết để đâu/ Đùm đầy dải yếm lâu lâu lại nhìn"…
Họa tranh "Thiếu nữ ngủ ngày" của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại đặc tả vẻ khêu gợi, huê tình của cô gái đang độ xuân thì:
Sau này, hình ảnh chiếc yếm còn đi vào thơ ca của Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Thế Lữ…, không chỉ là biểu tượng cho vẻ đẹp giản dị, chân chất, mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam, mà còn là hồn quê, hồn dân tộc ẩn chứa trong vẻ đẹp dịu dàng đó.