Thời gian qua, rất nhiều tài xế phản đối và bất bình vì BOT Tiền Giang cho đặt trạm thu phí tuyến đường tránh Cai Lậy trên Quốc lộ 1.
Trong khi, rất nhiều phương tiện khi tham gia giao thông không đi qua đường tránh nhưng vẫn phải đóng phí là điều bất h[ lý.
Để bày tỏ thái độ và phản đối, nhiều tài xế đã sử dụng tiền mệnh giá nhỏ để qua trạm, việc này khiến cho tình hình giao thông tại trạm thu phí Cai Lậy có nhiều bất ổn.
Trước việc ùn tắc và kẹt xe xảy ra liên tục, BOT Cai Lậy đã liên tục xả trạm.
Đặc biệt, từ chiều tối 14/8, trạm thu phí Cai Lậy đã xả cửa hoàn toàn cả 2 làn, các phương tiện có thể tự do qua lại.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) cho biết, Trạm sẽ xả để đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho đến lúc có quyết định từ Bộ GTVT.
Trước đó, trong cuộc họp với Tổng cục đường bộ, BOT Cai Lậy đã trích xuất camera và lập danh sách 19 phương tiện có "hoạt động chống đối" tại trạm thu phí Cai Lậy.
Theo đó, những phương tiện này đã có hoạt động đưa tiền mệnh giá hay gây khó khăn cho công tác thu phí qua Trạm, gửi đến Công an điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến vi phạm pháp luật.
Nói về sự việc trên, Luật sư Trần Bá Học, Công ty luật TNHH Hãng luật Roma nói: "Tôi cho rằng tài xế trả tiền lẻ qua trạm không có tội".
Theo luật sư, tội gây rối trật tự công cộng theo Đ245 BLHS 1999 cần phải phân tích đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm là: Chủ thể của tội phạm, khách thể của tội phạm, hành vi khách quan và mặt chủ quan. Trong đó, cần hiểu rõ bản chất mặt chủ quan đối với tài xế mới có thể kết luận đúng về việc này.
Đầu tiên, về mặt chủ quan như lỗi, động cơ, mục đích của người bị kết tội gây rối trật tự công cộng là gì?
Trong sự việc này, động cơ của các tài xế xuất phát từ việc bất hợp lý trong thu phí, khi phía BOT Tiền Giang lại để Trạm thu phí đường tránh trên 1 tuyến đường khác.
Còn mục đích của tài xế là để phản đối việc thu phí bất hợp lý này, khi mà họ phải nộp một số tiền không nhỏ cho tuyến đường họ không đi qua.
"Chúng ta phải hiểu rằng chủ thể, khách thể, hành vi khách quan, lỗi của người bị quy vào tội gây rối trật tự có thể giống nhau khi định tội, nhưng để cấu thành tội hay không phải đầy đủ 4 yếu tố.
Trong 4 yếu tố đó phải thỏa mãn các dấu hiệu cơ bản của từng yếu tố. Ví dụ, về mặt chủ quan phải thỏa mãn 3 vấn đề đó là lỗi, động cơ, mục đích của người đó là gì", ông Học nói thêm.
Ngoài ra, vì động cơ, mục đích của tài xế là phản đối việc thu phí bất hợp lý để cải thiện việc thu phí chính xác, chứ mục đích chính không phải là cố tình gây rối trật tự công cộng.
Vì vậy, đáng lẽ ra cơ quan chức năng cần phải cầu thị xem xét lại toàn diện việc thu phí đó có sai không, để rà soát lại và điều chỉnh cho chính xác.
Theo quy định của tội gây rối trật tự công cộng, người thực hiện hành vi như tụ tập đông người, đập phá các công trình, đập phá các tài sản nơi đông người,... nhằm mục đích gây rối nơi công cộng, chứ không nhằm bất cứ mục đích nào khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp này các tài xế không hề có những hành vi quá khích như đã nêu ra, vì thế không thể kết luận họ phạm tội gây rối trật tự được.
"Không có quy định nào cấm tài xế trả phí bằng tiền lẻ nên đó là quyền và nhân viên bắt buộc phải kiểm đếm, còn nhanh hay chậm là do trạm", ông Học nói thêm.
Hiện tại, tiền lẻ do tài xế sử dụng tuy có mệnh giá thấp nhưng vẫn có giá trị lưu thông trên thị trường, vẫn là những đồng tiền hợp pháp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.
Vì vậy, việc tốn nhiều thời gian là do nhân viên trạm thu phí kiểm đếm lại số tiền mà tài xế đã trả. Bên BOT Cai Lậy cần phải bố trí nhân viên hay phương tiện để kiểm đếm nhanh chóng, chứ không thể đổ lỗi do tài xế trả tiền lẻ gây ra.