LTS: Việc tái sử dụng vỏ chai nhựa là điều rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới. Cùng với sự gia tăng về số lượng ca mắc ung thư, thói quen này cũng được cho là gây ra một số mối nguy hại tiềm ẩn. Tuy nhiên, không phải tin tức về đồ nhựa nào cũng đúng. Ở bài này, chúng tôi tập trung vào các tin đồn về đồ nhựa khi gặp nhiệt độ rất lạnh hoặc rất nóng.
Có những tin đồn phổ biến như sau:
Tin đồn thứ nhất: Đổ nước vào chai nhựa và cho đông đá sẽ sinh dioxin gây ung thư
Các chai nhựa, nhất là những chai đựng nước, thường được làm bằng nhựa PET (PolyEthylene Terephthalate). DEHA (di-ethylexyl adipate) và DEHP (di-ethylhexyl phthalate).
Hai hóa chất này được dùng trong quy trình làm nhựa PET, bị đồn thổi là gây ung thư, nhưng thực tế là khả năng gây ung thư của chúng đều mới chỉ được thử nghiệm trên động vật và cũng chỉ có khi chúng được cho ăn DEHA hay DEHP ở nồng độ cao trong thời gian dài. Trong khi thực tế chưa hề có bằng chứng nào cho thấy DEHA thôi nhiễm ra từ vỏ chai PET.
Năm 2002, trong một chương trình truyền hình của Nhật Bản, một nhà khoa học lên tiếng rằng để nước đông đá trong chai nhựa sẽ sinh ra dioxin và DEHA, và những chất này gây ung thư.
Thông tin này về sau bị gán cho các viện nghiên cứu có tên tuổi lớn như Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) để tạo uy tín. Các nhà khoa học và chính các viện nghiên cứu này sau đó đã lên tiếng phủ nhận việc đưa ra thông tin này và nội dung của thông tin. Thực tế đến nay cũng không có bằng chứng khoa học nào về việc này.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, IARC (Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu ung thư, một thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới WHO) cũng đã lên tiếng xác nhận, chưa đủ bằng chứng để phân loại DEHA và các dioxin vào nhóm các chất gây ung thư trên người, ngoại trừ TCDD (2,3,7,8-Tetrachlorodibenzo-para-dioxin).
Hơn nữa, các dioxin chỉ sinh ra ở trên 370 độ C (700 độ F). Đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy có dioxin được sinh ra ở nhiệt độ thường hay trong tủ đông. Ngoài ra, cũng chưa hề có báo cáo nào cho thấy dioxin tồn tại trong đồ nhựa ngay từ đầu, trước khi được đem vào tủ đông.
Tóm lại, nói dùng chai nhựa trữ nước đông đá sinh ra DEHA và các dioxin gây ung thư là thiếu căn cứ, cả vế sinh ra các dioxin lẫn vế dioxin gây ung thư. Điều này cũng cho thấy không phải điều gì người Nhật nói cũng đúng.
Tin đồn thứ hai: Đồ nhựa gặp nhiệt sinh chất gây ung thư
Trong tin đồn này có hai tin đồn nhỏ:
– Không được để nước trong chai nhựa rồi bỏ quên trong xe hơi, vì nó sẽ bị nóng lên và sinh chất gây ung thư.
– Hâm bằng lò vi sóng những thức ăn đựng trong hộp nhựa hoặc bao bằng miếng nilon (wrap) sẽ sinh chất gây ung thư.
Về vấn đề chai nhựa (PET), như đã nói ở phần trên, các chất gây ung thư không có sẵn trong vỏ chai và cũng không sinh ra khi ở nhiệt độ thường hoặc đông lạnh. Nhưng ở nhiệt độ cao thì có thể, về mặt lý thuyết. Mặc dù chưa có báo cáo nào đề cập đến vấn đề này nhưng cần cẩn trọng.
Các loại wrap mà mọi người hay gọi là bao kiếng để bọc thực phẩm và các loại nhựa có tính dẻo, hầu hết được làm bằng nhựa PVC (polyvinyl chloride). Các nghiên cứu cho thấy rằng DEHA (chất được cho vào để tăng độ dẻo của nhựa PVC) có thể bị thôi nhiễm ra thực phẩm chứa chất béo, như thịt, đồ chiên… khi bao gói thực phẩm và đun nấu, kể cả hâm bằng lò vi sóng.
Ảnh minh họa
Như đã nói ở trên, DEHA được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm 3, nhóm các chất "chưa thể phân loại" là chất gây ung thư. Nhưng khác với trường hợp đông lạnh, khả năng thôi nhiễm DEHA ở nhiệt độ cao là có thực. Đó là chưa kể những chất khác chưa rõ tác hại.
Mặc dù các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức độ thôi nhiễm này là rất thấp so với ngưỡng có thể gây hại, nhưng không rõ tốc độ đào thải khỏi cơ thể của nó là nhanh hay chậm, từ đó dẫn đến khả năng tích lũy trong cơ thể nếu sử dụng thường xuyên cũng không rõ là bao nhiêu.
Cho dù vậy, việc có khả năng thôi nhiễm các chất trong nhựa ở nhiệt độ cao cũng đủ để chúng ta cần phải thay đổi thói quen để giảm thiểu sự phơi nhiễm không đáng có, bằng cách:
– Không dùng nilon bọc thức ăn để bọc thức ăn để đun nấu, trừ khi trên hộp của sản phẩm có ghi là an toàn khi ở nhiệt độ cao (hoặc với lò vi sóng).
– Không đun/hâm nóng các thực phẩm được chứa trong những loại đồ nhựa không được thiết kế để đựng thực phẩm nóng (như lọ/hũ kem).
– Không chứa thực phẩm trong những loại đồ nhựa không được thiết kế để đựng thực phẩm nói chung (như chai nước rửa chén, lọ/hũ mỹ phẩm).
Hai điều bạn cần nhớ rõ để khỏi quá hoang mang
1. Tin đồn về việc bỏ nước trong chai nhựa và đem đi đông đá sẽ sinh chất gây ung thư là vô căn cứ. Các tổ chức nghiên cứu ung thư lớn đều bác bỏ tin này.
2. Tin đồn về việc đồ nhựa khi gặp nóng sẽ sinh chất gây ung thư vẫn chưa có bằng chứng xác thực, nhưng dấu hiệu sinh ra sản phẩm phụ thì đã có.
Do đó, mặc dù chưa tìm thấy bằng chứng về việc sinh chất gây ung thư, nhưng về mặt khoa học, đều này là có thể. Tốt nhất nên hạn chế tối đa việc đựng thực phẩm trong đồ nhựa để hâm/đun nóng, đồng thời không chứa thực phẩm trong các đồ nhựa không được thiết kế để đựng thực phẩm ngay từ đầu.
* Còn tiếp...
Th.s Nguyễn Cao Luân (Đại học Hiroshima, Nhật Bản, Ruy Băng Tím)
Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước.
Ruy Băng Tím nhằm xây dựng một website khoa học đáng tin cậy, chuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về ung thư. Các bài viết đều được các tác giả tra cứu kỹ lưỡng trước khi viết, có dẫn nguồn đầy đủ để người đọc có thể tham khảo. Website: ruybangtim.com
Nguồn tham khảo:
1. Plastics and Cancer Risk. 2012 (cited 2016 January 10th); Available from: https://cancernz.org.nz/assets/Nutrition-and-physical-activity/Information-sheets/1146-CSNAT-IS-plastics-and-cancer-risk-07112012.pdf.
2. DI(2-ETHYLHEXYL) ADIPATE, 1987.
3. Tamie Nakajima, N.B.H., and Paul A. Schulte, Di(2-ethylhexyl) phthalate (DEHP) 2000. p. 183-196.
4. Toxic Substances Portal – Di(2-ethylhexyl)phthalate (DEHP). (cited 2016 January 10th); Available from: http://www.atsdr.cdc.gov/toxfaqs/tf.asp?id=377&tid=65.
5. FAQs: The Safety of Plastic Beverage Bottles. (cited 2016 January 10th); Available from: http://www.plasticsinfo.org/beveragebottles/apc_faqs.html.
6. Reused PET plastic drink bottles are not a cancer risk. (cited 2016 January 10th); Available from: http://www.cancercouncil.com.au/86097/cancer-information/general-information-cancer-information/cancer-questions-myths/environmental-and-occupational-carcinogens/reused-pet-plastic-drink-bottles-are-not-a-cancer-risk/.
7. Email Hoax Regarding Freezing Water Bottles and Microwave Cooking. 2008 January 15, 2008 (cited 2016 January 10th); Available from: http://www.jhsph.edu/dioxins.
8. McGregor, D.B., et al., An IARC evaluation of polychlorinated dibenzo-p-dioxins and polychlorinated dibenzofurans as risk factors in human carcinogenesis. Environ Health Perspect, 1998. 106 Suppl 2: p. 755-60.
9. Plastic wrap and plastic food containers: are they safe? 2011 (cited 2016 January 10th); Available from: http://center4research.org/healthy-living-prevention/products-with-health-risks/plastic-wrap-and-plastic-food-containers-are-they-safe/.
10. Plastic food containers and cling wraps designed to be used in microwaves do not cause cancer. (cited 2016 January 10th); Available from: http://www.cancercouncil.com.au/86099/cancer-information/general-information-cancer-information/cancer-questions-myths/environmental-and-occupational-carcinogens/plastic-food-containers-and-cling-wraps-designed-to
*Theo Cancernz, Atsdr, Plasticsinfo, Ancercouncil, Jhsph, Center4research