Quá khứ phản chiếu
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần 2 tại Hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào ngày 29/6 vừa qua, về danh nghĩa, hai nước đã tái khởi động đàm phán thương mại. Nhưng hơn 10 ngày trôi qua, người ta chỉ biết ê kíp đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã điện đàm với nhau vào tối 9/7 (theo giờ Mỹ) còn ngày gặp gỡ trực tiếp vẫn chưa thể định rõ.
Muốn đánh giá về khả năng Mỹ-Trung cuối cùng có đạt được thỏa thuận thương mại hay không, điều then chốt là phải hiểu được người tuyên chiến.
Nếu cho rằng bên nào áp dụng biện pháp thuế quan trước, bên đó đóng vai tuyên chiến, Mỹ, đứng đầu là Tổng thống Donald Trump chính là người tuyên chiến trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Để hiểu được ông chủ Nhà Trắng rốt cuộc muốn gì, clip phỏng vấn 31 năm trước có thể hé lộ phần nào câu trả lời.
Năm 1988, ông Trump mới 42 tuổi, xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, biểu thị thái độ vô cùng bất mãn trước việc Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn trong quan hệ với Nhật Bản.
Ông Trump khi trả lời phỏng vấn vào năm 1988. Ảnh: YouTube
Ông Trump cho rằng trong quan hệ thương mại Mỹ-Nhật, Washington đã trao toàn bộ quyền lợi cho người Nhật Bản, mở cửa hoàn toàn thị trường Mỹ cho Nhật Bản, để người Nhật Bản bán phá giá hàng hóa của mình ở Mỹ.
Nhưng người Nhật Bản lại không đối xử bình đẳng với người Mỹ, tuy không đề ra quy định pháp luật rõ ràng để hạn chế hàng hóa Mỹ thâm nhập thị trường Nhật Bản, nhưng trên thực tế Tokyo khiến doanh nghiệp Mỹ không thể bán được sản phẩm của mình ở Nhật Bản. Theo ông Trump, đó không phải là thương mại tự do.
Lần giở lại lịch sử, khi ấy, ông Trump là đảng viên đảng Dân chủ. Lúc được người dẫn chương trình hỏi có ý định tham gia tranh cử tổng thống Mỹ hay không, ông Trump nói hiện tại chưa có dự định đó, bản thân thích tiếp tục con đường kinh doanh, nhưng không loại trừ khả năng sau này sẽ tham gia tranh cử bởi vì bản thân cảm thấy có một số điểm thực sự không thể chấp nhận được đối với hiện trạng của nước Mỹ.
Sau đó, ông Trump nói đầy tự tin: "Nếu làm tổng thống, tôi sẽ đòi lại rất nhiều, rất nhiều tiền từ những người đã lợi dụng chúng ta 25 năm qua. Tình hình sẽ thay đổi, tin tôi đi".
So sánh ông Trump lúc trung tuổi và khi về già có thể thấy đối tượng bị chỉ trích đã thay đổi, từ Nhật Bản chuyển thành Trung Quốc. Tuy nhiên, sau 30 năm, cách nhìn nhận của ông Trump về vấn đề thương mại của nước Mỹ kỳ thực không có nhiều thay đổi.
Nếu nước Mỹ rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại lớn với nước nào thì lỗi thuộc về nước đó và nước đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, bao gồm việc phải giảm mất cân bằng thương mại đối với Mỹ.
Theo một số nhà quan sát, đây có thể là nguyên nhân đằng sau việc Mỹ không ngừng gây sức ép với Trung Quốc, thậm chí yêu cầu Trung Quốc sửa đổi luật pháp, thay đổi kết cấu kinh tế để giải quyết tranh chấp thương mại song phương.
Bốn trở ngại lớn
Để hiện thực hóa cam kết giữa nguyên thủ hai nước, ê kíp đàm phán thương mại Mỹ-Trung rồi sẽ điện đàm, gặp gỡ trực tiếp nhau. Vấn đề ở chỗ nút thắt tranh chấp cũ chưa được cởi bỏ, vấn đề mới đã xuất hiện.
Do đó, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Osaka chỉ là liều "vắc xin tâm lý" và vòng đàm phán mới e rằng sẽ rất khấp khểnh, bập bềnh, chủ yếu do các trở ngại lớn sau:
Thứ nhất, Mỹ có thực sự "phóng sinh" tập đoàn Huawei của Trung Quốc hay không? Đây là yêu cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Trump đã đáp ứng ngay tại cuộc gặp thượng đỉnh hôm 29/6.
Nhưng sau đó Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Rossi đều chỉ rõ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chỉ giới hạn ở phạm vi các sản phẩm bán dẫn hàm lượng công nghệ thấp, không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và hạn mức mỗi năm là dưới 1 tỷ USD.
Ông Trump gặp ông Tập tại Osaka. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các nhân viên thực thi nhiệm vụ giám sát quản lý xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ được lệnh phải tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh quốc gia nghiêm ngặt nhất khi đánh giá các sản phẩm được xem xét cấp phép xuất khẩu cho Huawei bởi Huawei vẫn nằm trong "danh sách đen".
Thứ hai, phía Mỹ có dỡ bỏ biện pháp thuế quan hay không? Tại cuộc họp báo hôm 4/7, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho rằng việc Mỹ đơn phương áp đặt thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc là khởi điểm của va chạm kinh tế thương mại song phương.
Vì vậy, hai bên muốn đạt được thỏa thuận thương mại, biện pháp trừng phạt thuế quan phải được bãi bỏ hoàn toàn. Điều này cho thấy Bắc Kinh rất lưu ý tới ảnh hưởng của biện pháp thuế quan. Nhưng tới nay, ông Trump vẫn kiên định quan điểm "biện pháp thuế quan có lợi cho nước Mỹ" và điều kiện mà phía Trung Quốc nêu ra ở trên rất có thể sẽ khích lệ ông Trump tiếp tục sử dụng biện pháp thuế quan để gây sức ép buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.
Thứ ba, Trung Quốc có tăng cường mua sắm hàng hóa Mỹ hay không? Sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Tập hôm 29/6, ông Trump cho biết Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn thực phẩm và nông sản Mỹ.
Phía Mỹ sẽ đưa cho phía Trung Quốc một bản danh sách hàng hóa Mỹ cần được mua. Tuy nhiên, theo 3 nguồn thạo tin của Reuters, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra cam kết chắc chắn về việc mua nông sản Mỹ để giảm mất thăng bằng thương mại với Mỹ.
Tới nay, ngoài một doanh nghiệp tư nhân mua một lượng nhỏ gạo Mỹ, chưa có bất cứ thỏa thuận mua hàng hóa Mỹ nào được thực hiện. Trong đó, 1 nguồn tin tiết lộ khi gặp ông Tập, ông Trump hai lần nêu vấn đề mua nông sản Mỹ, nhưng ông Tập chỉ đồng ý xem xét vấn đề này khi hai bên đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng.
Nói cách khác, việc mua bao nhiêu nông sản Mỹ trở thành cái "thóp" của ông Trump bị Bắc Kinh nắm lấy để gia tăng sức nặng trong đàm phán. Nguyên nhân là do trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Trump giành chiến thắng ở 8 bang dao động then chốt phần lớn nhờ vào sự ủng hộ của những người nông dân tại đây.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Trump giành chiến thắng ở 8 bang dao động phần lớn nhờ vào sự ủng hộ của những người nông dân tại đây. Ảnh: GETTY IMAGES
Chiến tranh thương mại kéo dài, theo tờ Tin tức Thế giới, nhiều nông dân trồng đậu tương ở những bang này đang phải đối mặt với tình trạng lỗ vốn, thậm chí là phá sản, công khai hối hận vì đã ủng hộ ông Trump, trong tương lai, có thể ảnh hưởng tới khả năng liên nhiệm của ông Trump.
Thứ tư, Mỹ-Trung đồng ý sử dụng văn bản nào để đàm phán. Theo Reuters, tới nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ sử dụng văn bản trước khi đàm phán thương mại song phương đổ vỡ vào đầu tháng 5/2019 để làm cơ sở tiếp tục đàm phán.
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người được ông Trump xác định sẽ tiếp tục tham gia đàm phán với phía Trung Quốc, vẫn kiên trì quan điểm phía Trung Quốc phải sửa đổi pháp luật, đảm bảo tuân thủ cam kết. Nếu phía Trung Quốc không chấp nhận, e rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó có thành quả.
Hồi tiếp của thương chiến
Từ những gì nêu trên có thể dự đoán hiện nay còn quá sớm kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung toàn diện.
Nguy hiểm ở chỗ, ngay cả khi ông Trump thực sự "phóng sinh" Huawei thì đó chưa phải lời kết cho chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung.
Bởi việc Quốc hội Mỹ trừng phạt một số doanh nghiệp công nghệ khác của Trung Quốc, trong đó có Hikvision giờ đây đã như "tên ở trên cung". Ngoài ra, phong tỏa Huawei chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc về công nghệ.
Chiến lược này còn bao gồm việc điều tra các hoạt động gián điệp thương mại và chương trình đào tạo 1.000 chuyên gia của Trung Quốc, hạn chế du học sinh Trung Quốc theo học các lĩnh vực nhạy cảm ở Mỹ…
Để đáp trả, các "ông lớn" của Mỹ như Boeing, Intel, Qualcomm hay Apple có thể sẽ trở thành đối tượng để Trung Quốc nhằm vào, nhưng điều đó cũng chỉ làm tăng nhiệt căng thẳng song phương.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, ấy là nguy cơ thương chiến mở rộng sang lĩnh vực tài chính tiền tệ. Mỹ tạm thời chưa áp thuế trừng phạt đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, nghĩa là "lưỡi dao thuế quan" vẫn còn treo ở đó.
Một khi nó hạ xuống, để tiêu giảm một phần tác động, Trung Quốc có thể phải phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, mang tới cái cớ cho Mỹ quy kết Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Bên cạnh đó, trong trường hợp căng thẳng leo thang, Washington có thể sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Trung Quốc.
Khả năng này phần nào thấy được từ việc mới đây, theo tờ Washington Post, một thẩm phán cho rằng 3 ngân hàng Trung Quốc, gồm Ngân hàng Viễn thông, Ngân hàng Thương mại Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải, đã không thực hiện lệnh của tòa án liên quan đến cuộc điều tra về vi phạm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Cho nên, có chuyên gia cho rằng cùng với khả năng chiến tranh thương mại leo thang, cần phải chuẩn bị cho nguy cơ diễn biến thành chiến tranh tiền tệ và khả năng các tổ chức tài chính Trung Quốc bị đưa vào "danh sách đen", cấm sử dụng một số dịch vụ quốc tế như mã nhận dạng ngân hàng (Swift) hay thanh toán bù trừ liên ngân hàng (Chips)…
Điều không may mắn là khác với chiến tranh thương mại, chiến tranh tài chính tiền tệ rất khó kiểm soát và cơ hội giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này cũng khá mong manh.