Đụng phải "bức tường sắt", Thổ Nhĩ Kỳ "đừng mơ" thoát khỏi tay Nga?

Trương Mạnh Kiên |

Thổ Nhĩ Kỳ không thể mạnh hơn EU, Mỹ và Nga nhưng vẫn cố chấp tạo ra những điểm nóng xung đột mới để gặt hái lợi ích.

Đụng phải bức tường sắt, Thổ Nhĩ Kỳ đừng mơ thoát khỏi tay Nga? - Ảnh 1.

Hành động ở Đông Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc.

Mặc dù chính sách ngoại giao pháo hạm của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải kết thúc thất bại, nhưng việc Ankara trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột Nam Caucasus và quyết định thử nghiệm hệ thống tên lửa S-400 cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ tiếp tục kiên định với chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa phiêu lưu, tờ Al-Monitor nhận định.

Bức tường châu Âu

Trong chuyến thăm của ông Erdogan đến Qatar - quốc gia có lẽ là đồng minh Ả Rập duy nhất - vào ngày 8/10, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Aegean và Địa Trung Hải là vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ lùi bước.

Những người nhìn thấy quyết tâm của chúng tôi ở Đông Địa Trung Hải nhận ra rằng họ không thể khiến đất nước chúng tôi lùi bước với những lời đe dọa trống rỗng. Cuối cùng họ đã chú ý đến lời kêu gọi đối thoại”.

Một ngày sau, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu gặp người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias và thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán để giải quyết bế tắc.

Những ai không hiểu rõ tình hình sẽ dễ đi đến kết luận rằng chính sách quyết đoán ở phía Đông Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được mục tiêu chính: Đưa Hy Lạp vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực vẽ bức tranh thành công, trò chơi của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải được đánh giá là đã kết thúc trong thất bại. Ông Erdogan đã lùi bước khi chính sách ngoại giao pháo hạm của mình bị thách thức bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và mối đe dọa về các lệnh trừng phạt của EU.

Chiến lược của EU đã phát huy tác dụng. Thổ Nhĩ Kỳ đã lùi bước trong bế tắc phía Đông Địa Trung Hải khi tuyên bố sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Hy Lạp mà không cần bất kỳ điều kiện nào.

Tổng thống Erdogan thậm chí đã có một cuộc điện đàm dài với người đồng cấp Macron trước cuộc họp của hội đồng châu Âu, chỉ vài ngày sau khi ông công kích tổng thống Pháp.

Truyền thông Pháp đưa tin, ông Erdogan đã yêu cầu ông Macron từ bỏ sự phản đối của Paris đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không Eurosam SAMP/T, nhưng ông Macron đã từ chối yêu cầu.

Không quá lời khi nói rằng quyết tâm của ông Erdogan trong cuộc xung đột phía Đông Địa Trung Hải đã đụng phải “bức tường sắt” của EU và chính sách quyết đoán của Ankara đã không thành công như mong muốn.

Cô đơn

Đụng phải bức tường sắt, Thổ Nhĩ Kỳ đừng mơ thoát khỏi tay Nga? - Ảnh 3.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nắm lấy "lá bài" S-400 để mưu cầu sự hỗ trợ từ Nga.

Tình trạng bế tắc ở phía Đông Địa Trung Hải minh họa rõ ràng giới hạn quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi bị EU đối đầu một cách nghiêm túc, Tổng thống Erdogan đã phải lùi bước do không có sự hỗ trợ cần thiết của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây đã đến thăm Hy Lạp và Síp, nhưng từ chối thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này cho thấy ông Erdogan không thể dựa vào sự hỗ trợ của chính quyền Donald Trump trong mối quan hệ có vấn đề lâu năm với EU. Bên cạnh đó, nếu Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng tới, Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ mất hoàn toàn sự ủng hộ của Mỹ.

Tuy nhiên, thất bại ở Đông Địa Trung Hải đã không ngăn cản ông Erdogan thúc đẩy chính sách đối ngoại quyết đoán ở một khu vực khác, Nam Caucasus. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất tham gia quân sự trong cuộc đụng độ giữa Azerbaijan và Armenia trong khu vực Nagorno-Karabakh.

Theo chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov, sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau thất bại ở Đông Địa Trung Hải là điều khó hiểu.

“Chính Thổ Nhĩ Kỳ là người khơi mào lại cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh. Trong một thời gian dài, khu vực đã yên bình và không có gì thay đổi trong vài năm qua. Ở đây, sự thù địch bắt đầu trở lại. Lần đầu tiên trong lịch sử cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Mỹ, Pháp và Nga, đồng thời tham gia vào một số cuộc xung đột ở các khu vực khác nhau trên thế giới”, Sivkov viết trên Ria Novosti.

Trong bối cảnh như vậy, không ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng quyết định thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trước sự ngạc nhiên của thế giới phương Tây.

Quyết định này đã khiến các thượng nghị sĩ Mỹ phẫn nộ và kích hoạt nỗ lực của lưỡng đảng nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định thử nghiệm S-400 trong lúc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan tiếp tục cho thấy ông Erdogan sẽ cố gắng tìm kiếm sự hợp tác của Nga.

Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không thể mạnh hơn EU, Mỹ và Nga . Nhưng với tư cách là một quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc, Thổ Nhĩ Kỳ cần có những cuộc phiêu lưu ở nước ngoài để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc.

Khi căng thẳng ở phía Đông Địa Trung Hải lắng xuống, Thổ Nhĩ Kỳ đã quay sang Caucasus. Nếu tình hình tại đây leo thang, sự chú ý sẽ chuyển đến miền Bắc Iraq và Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều cơ hội hơn để thỏa sức tung hoành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại