Nguyên nhân của việc đánh giá sai bệnh viêm xoang bởi viêm mũi dị ứng và viêm xoang gây ra các triệu chứng tương tự như nhau. Theo một cuộc khảo sát trực tuyến trên 600 bệnh nhân hen suyễn và dị ứng, hơn 50% người tham gia không biết về tình trạng viêm xoang mới chớm của họ, mà chỉ nghĩ là một trường hợp dị ứng nghiêm trọng và kéo dài.
Làm thế nào để biết viêm mũi dị ứng hay viêm xoang?
Viêm mũi dị ứng và viêm xoang có thể thực sự khó phân biệt vì các dấu hiệu và triệu chứng gần giống nhau của chúng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm khác biệt về triệu chứng có thể giúp bạn phân biệt chúng.
Cảm thấy nặng và đau ở mặt, các khu vực mũi, má, trán... thường là dấu hiệu của viêm xoang
Đau nhức vùng mặt: Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp phân biệt. Trong bệnh dị ứng, cảm giác nặng và đau trên mặt hầu như không đáng kể khi so sánh với viêm xoang. Khi bị viêm xoang, người bệnh cảm thấy nặng và đau ở mặt, các khu vực mũi, má, trán và hàm trên, đôi khi lan đến tai trong. Hơi thở có mùi hôi. Cảm giác nhức ở mặt và đau đầu do viêm xoang sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Sốt, đau nhức cơ thể, buồn nôn: Chỉ có viêm xoang mới gây ra sốt và đau nhức cơ thể kèm theo cảm giác chán ăn hoặc buồn nôn. Bệnh nhân có xu hướng cảm thấy mệt mỏi và ốm yếu hơn khi bị viêm xoang so với viêm mũi dị ứng.
Ngứa: Ngứa mũi và nghẹt mũi thường là dấu hiệu viêm mũi dị ứng hơn là viêm xoang.
Người bệnh viêm mũi dị ứng thường xuyên hắt hơi liên tục không kiểm soát được; chảy nước mũi loãng, trong suốt, không mùi; ngứa họng gây ho; ngứa mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt, ngứa tai. Còn người bệnh viêm xoang sẽ có triệu chứng chảy dịch mũi màu vàng xanh, đặc và tràn xuống họng; giảm khứu giác gây ngửi kém.
Thời gian khởi phát và tiến triển bệnh:
Viêm mũi dị ứng khởi phát gần như đột ngột khi tiếp xúc với chất gây dị ứng và các triệu chứng có thể làm phiền người bệnh vài tháng nếu dị ứng theo mùa. Nếu dị nguyên ở trong nhà, các triệu chứng sẽ kéo dài hàng năm. Thời gian viêm mũi dị ứng hoàn toàn phụ thuộc vào loại dị ứng của người bệnh, cách điều trị hoặc sự tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tuy viêm mũi dị ứng là bệnh lành tính, không đe dọa đến tính mạng, nhưng nếu kéo dài và nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến viêm xoang mũi dị ứng, viêm xoang mãn tính…
Viêm xoang: Viêm xoang cấp tính khởi phát rất nhanh và thường diễn ra trong một thời gian ngắn, thường đáp ứng tốt với thuốc điều trị. Nếu điều trị và chăm sóc tốt viêm xoang cấp sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu tình trạng viêm mũi xoang cấp không được điều trị khỏi, có ít nhất 4 đợt cấp tái phát gây tắc lỗ thông xoang, các xoang chứa dịch hay mủ sẽ trở thành viêm xoang mạn. Để điều trị viêm mũi xoang mạn cần điều trị thuốc kết hợp với thủ thuật. Một số trường hợp do bất thường giải phẫu cần phẫu thuật điều trị nguyên nhân. Viêm xoang mạn có nguy cơ dẫn đến các biến chứng viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm não, áp xe hậu nhãn…
Viêm xoang thường gây chảy dịch mũi có mầu vàng xanh
Lời khuyên của thầy thuốc
Trước hết đừng vội vàng tự ý dùng kháng sinh, trừ khi đã đi khám và có chỉ định của bác sĩ. Tại nhà, người bệnh viêm xoang có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ điều trị sau đây:
Nghỉ ngơi đầy đủ. Uống nhiều nước/chất lỏng ấm giúp làm lỏng dịch mũi họng, dễ dàng hơn trong việc làm sạch tắc nghẽn mũi. Tạo môi trường ấm hơn, ẩm hơn giúp làm dịu chứng viêm. Súc miệng nhiều lần với nước ấm pha muối để làm sạch hầu họng.
Có thể sử dụng dụng cụ xông hơi hoặc rửa mũi hàng ngày trong vài tuần để làm sạch khoang mũi. Ngoài ra, để thoát khỏi tình trạng nghẹt mũi, có thể dùng thuốc xịt mũi chứa oxymetazoline là tốt nhất với ít tác dụng phụ. Điều quan trọng, dù là dị ứng hay viêm xoang, người bệnh phải luôn dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.