Trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt vào những ngày mưa nhiều hay thời tiết nồm ẩm, máy sấy quần áo là “cánh tay phải” đắc lực của nhiều gia đình trong việc hỗ trợ sấy khô trang phục. Sở hữu thiết bị này, bạn sẽ tối giản được các công đoạn sau khi giặt quần áo xong, từ phơi cho đến là, ủi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng máy sấy quần áo đúng cách. Những sai lầm khi dùng máy sấy quần áo không những khiến máy hoạt động không hiệu quả, mà vô tình còn gây hao phí điện năng, hay hư hỏng chính trang phục của bạn.
Máy sấy quần áo là thiết bị hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là vào những ngày mưa nhiều, ẩm ướt. (Ảnh minh họa)
Một số nhà sản xuất và phân phối đã chỉ ra những thói quen sai lầm trong việc sử dụng máy sấy quần áo. Cùng tham khảo dưới đây xem gia đình bạn có mắc phải điều nào không nhé.
Quần áo vẫn còn nhiều nước
Nhiều người thường lầm tưởng rằng, quần áo sau khi giặt xong là đã có thể cho vào máy sấy và xử lý ngay. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Việc quần áo còn ướt, bị nhỏ nước không chỉ khiến quá trình sấy lâu khô hơn, mà còn gây nguy hiểm đối với thiết bị. Khi nước còn đọng nhỏ trực tiếp vào bộ phận sấy và dây điện, điều này có thể gây giật điện hoặc chập cháy nguy hiểm.
Công đoạn vắt này thường đã được thực hiện bởi máy giặt trước nên bạn chỉ cần chú ý với một số món đồ giặt tay.
Quần áo trước khi cho vào máy sấy cần được vắt khô, tránh tình trạng còn nhiều nước. (Ảnh minh họa)
Lượng quần áo sấy không phù hợp
Không chỉ với máy sấy quần áo, mà với bất kì loại thiết bị nào tương tự như máy giặt hay máy rửa bát, việc bạn sử dụng lượng đồ không phù hợp sẽ gây ra những bất tiện nhất định. Nếu quá nhiều, sẽ gây quá tải, hiệu quả hoạt động của máy không được tối ưu. Nếu quá ít, sẽ vô tình gây lãng phí điện năng.
Riêng với máy sấy, việc quá ít quần áo trong lồng sấy còn khiến máy có thể gặp phải những sự cố trong khi sấy, đó là quần áo bị vón cục.
Cũng theo hướng dẫn của các nhà sản xuất và phân phối, lượng trang phục lý tưởng để máy sấy quần áo hoạt động đó là khoảng 2/3 lồng sấy.
Lượng trang phục lý tưởng để máy sấy quần áo hoạt động đó là khoảng 2/3 lồng sấy. (Ảnh minh họa)
Nếu nhà bạn đang có quá nhiều đồ cần sấy, hãy chia nhỏ chúng thành nhiều lần, hoặc ưu tiên sấy những loại trang phục cần thiết trước. Quá nhiều đồ bị “nhồi nhét” vào lồng sấy sẽ khiến thời gian sấy của máy lâu hơn, quần áo cũng sẽ bị nhăn và không khô được như ý muốn.
Nếu quá ít, bên cạnh việc gom thêm đồ, bạn có thể cho thêm vài chiếc khăn sạch vào để tránh khỏi những sự cố khi máy hoạt động.
Không phân loại trang phục
Phân loại trang phục là một bước vô cùng quan trọng cần thực hiện trước khi sấy quần áo với máy.
Mỗi loại quần áo khác nhau với những loại vải khác nhau, có độ dày, mỏng khác nhau cũng cần có được những chương trình, chế độ sấy khác nhau. Việc không phân loại sẽ khiến chúng ta chọn 1 chương trình cho tất cả, từ đó, hiệu quả sấy của máy không được tối ưu.
Phân loại trang phục để chọn chế độ sấy phù hợp. (Ảnh minh họa)
Cách phân loại được hướng dẫn có thể kể tới như: Phân loại vải bò, khăn tắm, khăn vải nặng khác; nhóm quần áo làm từ sợi tổng hợp riêng và các món đồ làm từ vải lông mềm hay đồ lót ra riêng.
Ngoài ra, công đoạn phân loại còn giúp ta 1 lần nữa kiểm tra trang phục trước khi cho vào máy sấy, rằng chúng có chứa các vật lạ bên trong như bật lửa, chìa khóa, tiền, kẹo… hay không.
Đặc biệt là các vật nhọn, làm từ kim loại hay vết keo, kẹo cao su. Những trang phục có đặc điểm hoặc dính phải những yếu tố này khi cho máy sấy có thể gây hỏng hóc cho máy cũng như chính quần áo của bạn.
Để quần áo quá lâu trong máy khi đã sấy xong
Sau khi hoàn thành việc sấy khô, bạn nên mang quần áo ra bên ngoài và treo lên để thông thoáng nhiệt độ. Việc này cũng giúp quần áo ít nhăn hơn trước khi mặc.
Sau khi sấy xong, hãy bỏ trang phục ra khỏi máy sấy và treo lên ngay. (Ảnh minh họa)
Nếu quần áo bị để quá lâu trong máy khi đã sấy xong sẽ khiến nếp nhăn có thể hình thành và quần áo thậm chí bị co lại do nhiệt dư trong máy.
Ngoài ra, cũng không nên cất vào tủ hoặc mặc ngay quần áo vừa được sấy xong. Hãy để khoảng 10 - 15 phút để quần áo được nguội hoàn toàn rồi mới thực hiện cất vào tủ hoặc mặc. Một số loại máy sấy có chế độ gió mát, bạn cũng có thể sử dụng chế độ này để giúp quần áo mau nguội hơn.
Không vệ sinh máy sấy
Cũng giống như máy giặt, tủ lạnh hay máy rửa bát, máy sấy quần áo cũng cần được vệ sinh định kỳ để tránh khỏi những vi khuẩn sinh sôi bên trong, gây ảnh hưởng tới hiệu quả của máy cũng như sức khỏe người dùng.
Ngoài ra, việc sử dụng lâu ngày sẽ khiến máy sấy có các xơ vải cũng như cặn bẩn tích tụ bên trong, khiến cho thiết bị dễ gặp phải tình trạng cháy nổ.
Chính vì vậy, tùy vào tần suất sử dụng, hãy vệ sinh máy sấy quần áo bằng xà phòng và nước, ít nhất 1 tháng 1 lần.
Việc sử dụng lâu ngày sẽ khiến máy sấy có các xơ vải cũng như cặn bẩn tích tụ bên trong. (Ảnh minh họa)
Hiện nay trên thị trường, bắt đầu xuất hiện một số dòng máy sấy quần áo hiện đại hơn, có chế độ tự vệ sinh, giúp bạn có thể thao tác nhanh chóng, tiện lợi.
Tránh được những sai lầm cơ bản như trên, máy sấy quần áo nhà bạn hoạt động sẽ vừa hiệu quả, lại bền lâu.