Dùng mật hiệu ở đội Việt Nam

Anh Dũng |

Phối hợp tấn công bằng mật hiệu như ở môn bóng chuyền vốn chưa phổ biến với cầu thủ Việt nhưng dưới thời HLV Park Hang Seo, tuyển Việt Nam sẽ dần cải thiện triệt để điểm yếu này.

Với quan điểm trong bất cứ tình huống tấn công cố định nào, đội tuyển Việt Nam cũng phải dùng mật hiệu để gây bất ngờ cho Afghanistan ở vòng loại Asian Cup vào ngày 14-11, HLV Park Hang Seo liên tục yêu cầu học trò cải thiện triệt để thói quen lười dùng mật hiệu khi chơi bóng này. Nhiều người sẽ cho rằng ông Park cẩn thận quá mức cần thiết bởi đôi khi chỉ cần một vài lời liên lạc trên sân, các cầu thủ sẽ dễ dàng hiểu ý đồ từng pha tấn công. "Các HLV nội thường có suy nghĩ như vậy nên chẳng mấy ai yêu cầu cầu thủ dùng cử chỉ như giơ các ngón tay để ra tín hiệu với đồng đội. Chính vì ỷ lại vào lời nói nên rắc rối sẽ đến với các cầu thủ khi chơi bóng ở những trận đấu lớn, khi hàng chục ngàn CĐV la hét ầm ĩ, liên lạc bằng miệng không còn hiệu quả" - chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh phân tích.

Bài học từ trận thua 0-3 trước U23 Thái Lan tại SEA Games 2017, với tình huống Phí Minh Long bất ngờ ôm bóng sau pha chuyền về của trung vệ Bùi Tiến Dũng, người vốn đã hét lên "Long ơi đá lên" nhưng thủ môn U23 Việt Nam không nghe thấy nên mắc lỗi gián tiếp, từ đó dẫn đến bàn thua đầu tiên chính là một ví dụ điển hình của việc liên lạc bằng lời nói. Khi mổ xẻ thất bại, nhiều chuyên gia cũng đồng ý quan điểm HLV Hữu Thắng hầu như không dặn cầu thủ liên lạc bằng ký hiệu khi chơi tấn công, dẫn đến nhiều tình huống đá rối rắm, không hiệu quả.

Dùng mật hiệu ở đội Việt Nam - Ảnh 1.

Không chỉ nhìn bóng, các cầu thủ còn phải nhìn ký hiệu từ đồng đội đá phạt Ảnh: Hải Anh

Trong những ngày tập luyện cùng tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo đặc biệt chú ý đến những chi tiết nhỏ. Trong các bài tập đá phạt, ông và trợ lý Lee Young-jin yêu cầu tỉ mỉ từ người phụ trách đá phạt đến những cầu thủ có mặt trong vòng cấm đội bạn. Cụ thể, các cầu thủ đá phạt sẽ phải giơ những ngón tay với nhiều mật hiệu khác nhau. Những cầu thủ di chuyển trong vòng cấm sẽ căn cứ từ số ngón tay giơ lên của người chuyền bóng để chọn chỗ đứng cũng như hiểu rõ vai trò của mình ra sao trong từng phương án áp sát khung thành đối phương.

Trợ lý Lee Young-jin đã ghi chép và gửi đến từng tuyển thủ những thông điệp và ý nghĩa của các mật hiệu. Đó có thể là một pha di chuyển cực nhanh áp sát khung thành để tạo khoảng trống cho một cầu thủ dứt điểm bên ngoài. Những ám hiệu đưa ra rất nhiều và linh hoạt, những cầu thủ đá phạt của đội tuyển Việt Nam được HLV trưởng người Hàn Quốc chỉ định khá nhiều. Ở tuyển Việt Nam hiện tại, ngoài 5 thành viên CLB HAGL là Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh và Minh Vương, một số cựu tuyển thủ U19 Việt Nam từng được HLV người Pháp G.Graechen dẫn dắt trước đây là Quang Hải, Duy Mạnh (Hà Nội FC), Bùi Tiến Dũng (Viettel) đều không xa lạ với mật hiệu vì liên tục áp dụng ở các giải đấu năm 2014. "Lúc đó, khi Công Phượng hay Xuân Trường đứng trước chấm đá phạt ngoài vòng cấm địa hoặc đá phạt góc, chỉ cần giơ 1, 2 hoặc 3 ngón tay lên vài giây là các cầu thủ trong vòng cấm hiểu họ sẽ chuẩn bị đón bóng bổng hay bóng sệt, hay sẽ có một đồng đội khác ở tuyến dưới băng lên nhận bóng phối hợp..." - Tiến Dũng chia sẻ.

Không phải ngẫu nhiên, thay vì tập trung phổ biến chiến thuật, quãng thời gian ngắn ngủi làm việc cùng tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo lại yêu cầu học trò cải thiện việc liên kết với nhau bằng mật hiệu. Chính điều này có thể khiến cho Afghanistan bất ngờ ở cuộc đối đầu giữa tuần này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại