Trước tình hình đó, du kích và nhân dân xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, đã nảy ra sáng kiến: Dùng mảnh chai, mảnh sành, đinh sắt, bi sắt, đá sắc, trộn với thuốc độc, phân, nước tiểu, rồi cho vào một ống sắt dài từ 400mm đến 800mm, đường kính 50mm, một đầu bịt kín hoặc đập dẹt, đặt trên hai chân chống có thể xếp lại để tiện mang vác.
Phần dưới nòng ống nhồi thuốc phóng (thường dùng thuốc đen, lấy từ bom, đạn không nổ của địch), đồng thời khoan một lỗ để lắp cơ cấu cò hay bộ phận phát hỏa đơn giản. Nguyên lý phát hỏa giống như phát hỏa địa lôi hay kiểu cơ cấu như bẫy chuột.
Các "ống súng" này được du kích, nhân dân đặt trên các công sự, trận địa, ngụy trang bằng lá cây. Khi địch đi càn quét, du kích giật cò gây nổ, thuốc phóng mang các loại mảnh chai, mảnh sành, đinh sắt, đá nhọn... chụp vào đội hình địch, làm sát thương binh lính địch.
Ống phóng này có bán kính sát thương trong vòng từ 10m đến 15m, có thể diệt địch tại chỗ hoặc làm quân địch bị thương, nhiễm trùng, đau đớn, dẫn đến mất sức chiến đấu.
Các "ống súng" này đã xuất hiện trong Phong trào Đồng khởi Bến Tre 1960, dùng để chặn đánh quân Mỹ-ngụy ở các ấp An Thạnh, An Hóa (xã Bình Khánh) và phục kích địch ở ấp 6, xã Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre).
Sau này, sáng kiến "ống súng" tiếp tục được các lực lượng vũ trang ở miền Nam sử dụng, với nhiều cải tiến khác nhau, gọi là "Súng ngựa trời", gây nên nỗi khiếp sợ cho quân Mỹ-ngụy Sài Gòn.