Bánh chưng là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Chiếc bánh được làm từ gạo nếp cùng với nhân đậu xanh và thịt lợn.
Trong những ngày Tết Nguyên đán, trong nhà của người dân Việt, đặc biệt là những gia đình miền Bắc đều có món bánh mang hơi thở của mùa xuân này. Công việc gói bánh chưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và thời gian. Tuy nhiên, do sự bận rộn của cuộc sống hiện đại và sự thuận tiện của thị trường, ngày nay, nhiều người dân Việt Nam đã chuyển từ tự gói bánh chưng sang mua bánh đã gói sẵn. Đây cũng là cơ hội tốt cho những người làm kinh doanh mặt hàng đặc biệt này.
Theo thông tin trên báo Thái Nguyên, chị Nông Thị Quỳnh, sinh năm 1995, ở xóm Nà Khao, xã Trung Hội (Định Hóa - Thái Nguyên) đã xây dựng thành công thương hiệu bánh chưng xanh lá riềng và phát triển thành đặc sản của vùng đất ATK Định Hóa.
Trước đây, cô gái 9x này là công nhân. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã có cơ hội tiếp xúc với việc gói bánh chưng. Và sau này lớn lên, dù được đi nhiều nơi, thử qua đủ những món ăn khác nhau, nhưng hương vị bánh chưng của gia đình vẫn khó quên nhất đối với cô.
Đặc biệt, khi cô gái này mang bánh đi tặng cho bạn bè, tất cả mọi người đều khen ngợi và hỏi chỗ mua nên cô đã nung nấu ý định tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu của gia đình.
Nghĩ là làm, năm 2021, Quỳnh bắt tay vào thực hiện ý tưởng phát triển thương hiệu bánh chưng truyền thống. Nguyên liệu làm bánh chưng xanh được cô chọn lựa là gạo Nếp cái hoa vàng và Nếp Vải Định Hóa - gạo đặc sản ngon nhất trong vùng. Sử dụng gạo nếp ngon sẽ giúp cho bánh có độ dẻo cao, và khi bảo quản trong tủ lạnh nhiều ngày vẫn không hề bị cứng.
Điều tạo ra sự khác biệt của chiếc bánh do 9x này làm là gạo nếp trước khi gói được trộn với nước lá riềng. Bánh chưng gói trong lá riềng sẽ mang một màu xanh đậm tự nhiên và mùi thơm đặc trưng. Các nguyên liệu khác như lá dong, lạt giang, đỗ xanh, thịt ba chỉ.... cũng được chọn những loại ngon nhất để sẵn sàng cho công đoạn gói bánh. Vì vậy, khi thưởng thức bánh, thực khách sẽ cảm nhận được sự dẻo, bùi của gạo, đỗ, béo ngậy của thịt.
Sau khi gói thành công, bánh được sắp xếp trong một chiếc nồi lớn, mỗi nồi chứa tới khoảng 40 chiếc. Để không cho bánh bị cháy ở đáy nồi, người ta sẽ lót một lớp cuống lá chuối. Các bánh được xếp đôi một một cách khéo léo để không gian trong nồi được sử dụng triệt để, sau đó đổ nước mưa vào nồi cho tới khi nước ngập hết bánh. Quá trình luộc bánh sẽ diễn ra trên bếp củi, và nhiệt lượng cần được duy trì ổn định từ 6 - 8h để bánh chín đều.
Mỗi tháng, số lượng bánh chưng chị bán ra vượt quá 1.000 chiếc, với mức giá từ 50.000 - 60.000 đồng/chiếc. Với lượng bánh tiêu thụ khổng lồ này, doanh thu hàng năm của thương hiệu bánh do Quỳnh phát triển lên tới hơn 1 tỷ đồng. Khi Tết đến gần, lượng bánh chưng được tiêu thụ tăng mạnh, đôi khi cao gấp đôi hoặc gấp ba so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu này, chị phải tăng cường nhân lực bằng cách thuê thêm từ 10 - 20 người làm công việc thời vụ.
Quỳnh cũng bày tỏ tham vọng, thời gian tới sẽ xây dựng sản phẩm bánh chưng đạt chứng nhận OCOP và đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài.
Việc phát triển các sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông sản, sản phẩm lợi thế của Thái Nguyên. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao.
Sau khi được đánh giá xếp hạng OCOP, giá trị kinh tế của các sản phẩm nâng lên từ 20% trở lên. Doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao tăng từ 20 - 50%, đặc biệt có sản phẩm tăng doanh số từ 70 - 100%.