Dùng loa di động, loa độ hay loa “zin” - những điều tài xế Việt cần biết

Trần Đức |

Nếu chưa hài lòng với loa "zin" thì loa di động hoặc loa độ là hai giải pháp mà những tài xế Việt thích nghe nhạc có thể nghĩ tới.

Loa di động ngày càng trở nên phổ biến bởi độ tiện dụng và chất lượng âm thanh mà nó mang lại. Những chiếc loa di động phổ biến đến từ các thương hiệu Bang & Olufsen, Harman Kardon, JBL hay Bose có giá từ 3 triệu đồng trở lên với nhiều thiết kế khác nhau.

Chi phí bỏ ra cho một chiếc loa di động phổ thông nhỏ gọn tầm trung khoảng 8-9 triệu đồng, gần tương đương với một gói độ âm thanh giá bình dân cho ô tô phổ thông. Thay vì việc độ loa, việc sử dụng loa di động thay thế loa nguyên bản của xe liệu có cho chất lượng tốt hơn?

Dùng loa di động, loa độ hay loa “zin” - những điều tài xế Việt cần biết - Ảnh 1.

Ý tưởng tích hợp loa di động vào ô tô từng được HARMAN trình bày với sản phẩm Infinity tại triển lãm công nghệ CES 2016.

Tiện lợi, đa dụng và chất lượng âm thanh khá

Trong thử nghiệm lần này, tôi sử dụng loa JBL Charge 2 trị giá 3,9 triệu đồng (tại thời điểm mua) trên chiếc Kia K3 đời 2013 - một mẫu sedan phổ thông trên thị trường. Ưu điểm đầu tiên nhận thấy là tính đa dụng của chiếc loa. Ngoài việc đặt trong xe, khi đi dã ngoại cuối tuần có thể mang ra ngoài để phát nhạc.

So với việc độ loa thông thường, sử dụng loa di động sẽ không cần tác động vào hệ thống điện hay thiết kế nội thất của chiếc xe. Một số xe khi độ loa cao (tweeter) phải khoét nhựa ở cánh cửa hoặc cột A, do đó mất đi sự nguyên bản.

Riêng về chất lượng âm thanh, bộ loa JBL cho tiếng tách biệt hơn loa "zin" theo xe Kia K3, âm ít bị khô hơn và lượng âm trầm cũng dồi dào hơn nếu đặt âm lượng cả hai ở mức vừa phải.

Dùng loa di động, loa độ hay loa “zin” - những điều tài xế Việt cần biết - Ảnh 2.

Độ tách bạch âm thanh trên loa di động JBL Charge 2 khá hơn loa theo xe Kia K3 ở âm lượng vừa phải.

Điểm yếu của chiếc loa di động này là không có hiệu ứng âm thanh vòm rõ rệt. Tiếng chỉ tập trung ở khu vực phía trước loa. Trong khi đó, hệ thống âm thanh trên chiếc K3 tái tạo các âm ở mọi góc tốt hơn, âm trường rộng hơn.

Hơn nữa, lợi thế của loa theo xe là công suất lớn hơn. Mặc dù vậy, nếu mở lớn, tiếng sẽ bị vỡ và rè hơn.

Khó có thể đòi hỏi nhiều hơn ở chiếc loa có giá chưa đến 4 triệu đồng, công suất chỉ 15 W. Một số loại loa di động cao cấp hơn có khả năng giả lập âm vòm, công suất lớn hơn và chất âm cũng khá hơn nhiều. Ví dụ như chiếc Bose SoundLink Revolve+ giá 8 triệu đồng, pin cho thời gian nghe nhạc khoảng 16 tiếng liên tục.

Còn nhiều hạn chế

Bất cập đầu tiên gặp phải khi thử sử dụng loa di động trên xe là vị trí đặt. Với thiết kế dạng trụ ngang, chiếc loa JBL có thể đặt trên bảng điều khiển trước. Tuy nhiên, nếu có tình huống giao thông bất ngờ xảy ra, việc đặt loa như vậy sẽ gây nguy hiểm. Loa có thể văng ra bất cứ hướng nào.

Dùng loa di động, loa độ hay loa “zin” - những điều tài xế Việt cần biết - Ảnh 3.

Vị trí đặt loa chơi vơi có thể gây nguy hiểm trong tình huống phanh gấp.

Hơn nữa, với các loại loa có thiết kế đặc biệt như B&O Beoplay S3 hay Harman Kardon Onyx Studio, tìm vị trí đặt rất khó. Nếu đặt không đúng chỗ, chất lượng âm thanh sẽ không được như ý, lượng âm trầm có thể bị giảm.

Nhược điểm thứ hai là phải sạc pin. Nếu như bộ loa trên xe sử dụng luôn nguồn điện của xe thì loa di động lại dùng pin. Thời gian sạc có thể từ 3-5 tiếng.

Loa độ vẫn là lựa chọn tối ưu cho âm thanh

Nếu chỉ quan tâm đến chất âm, việc bỏ ra gần 10 triệu đồng cho hệ thống loa độ trên xe sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt hơn trên những chiếc xe phổ thông. Một gợi ý trong tầm tiền này là bộ loa Focal Auditor R-165 cho loa trước, sau cho tổng công suất 240 W và loa trầm (subwoofer) điện Nakamichi công suất 150 W.

Dùng loa di động, loa độ hay loa “zin” - những điều tài xế Việt cần biết - Ảnh 4.

Gói độ âm thanh trong tầm tiền dưới 10 triệu đồng.

Việc độ loa sẽ phải can thiệp vào hệ thống điện trên xe. Ngoài vấn đề đó, việc lắp đặt các loa trên xe đều gọn gàng. Nếu nhìn bằng mắt thường khó nhận ra được xe đã được độ loa (tuỳ loại). Subwoofer điện đặt ẩn dưới ghế.

Âm thanh xe hơi là một thú chơi khá công phu. Tuỳ vào nhu cầu của người sử dụng mà có thể độ những bộ loa từ 5-10 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nếu nâng cấp "nhẹ nhàng", có thể chỉ gần gắn thêm subwoofer điện là có thể cải thiện được âm thanh trong xe.

Dùng loa di động, loa độ hay loa “zin” - những điều tài xế Việt cần biết - Ảnh 5.

Chiếc Mazda3 hatchback được độ âm thanh cao cấp với loa Hertz, sub Pioneer và ampli Audison.

Thay thế loa di động cho loa theo xe là ý tưởng thú vị nhưng chỉ là phương án "chống cháy", không mấy hữu dụng trong thực tế. Những chiếc loa này không được thiết kế riêng cho ô tô nên sẽ không phát huy hiệu quả tối đa trong xe.

Trong tương lai, có thể các hãng âm thanh lớn sẽ hiện thực hoá việc lắp đặt loa di động dành riêng cho xe hơi, tương tự hãng HARMAN đã làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại