Chiều 19/7 vừa qua, một nữ tài xế xe buýt đã bị "ăn" 3 cái bạt tai chỉ vì bấm 2 nhát bấm còi xe.
Chuyện xảy ra trên con phố Kiều Minh, cầu Phổ Khẩu ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Theo những nhân chứng có mặt tại hiện trường, nữ tài xế nói trên bị một người đi xe con đánh.
Ngay sau khi nhận được tin báo, cảnh sát địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Tại đây, người lái xe buýt cho biết mình có bấm 2 nhát còi. Có thể do người lái xe con cảm thấy khó chịu nên anh ta phanh xe gấp. Thấy vậy, nữ tài xế cũng vội phanh xe để tranh va chạm.
Đến ngã tư tiếp theo, cô này mở cửa sổ ra, hỏi với xuống phía người lái xe con tại sao lại đi đứng như vậy, không ngờ bị đối phương cho "ăn" 3 cái bạt tai.
Nữ tài xế xe buýt bị tát vì bấm 2 nhát còi.
Bị đánh, nữ tài xế vội xuống xe, chặn người đàn ông lại và báo cảnh sát. Do đứng dưới lòng đường gây ách tắc giao thông nên người điều khiển chiếc xe con đã đề nghị đối phương cho xe đỗ sát ven đường. Không ngờ, sau khi được đồng ý, người này liền lên xe lái đi mất.
Một lát sau, bạn của người đàn ông lái xe con đến hiện trường "nói điều phải quấy" và muốn bồi thường cho tài xế taxi 500 NDT nhưng cô này không chấp nhận, yêu cầu người gây chuyện phải đích thân ra xin lỗi.
Tuy nhiên, yêu cầu này không được đáp ứng. Không còn cách nào khác, cảnh sát đành phải đưa nữ tài xế về đồn cảnh sát và liên hệ chủ xe con để xử lý vụ việc.
Hành khách trên xe phải xuống tìm xe khác sau vụ xô xát giữa hai tài xế.
Hai mặt của một vấn đề: "Văn hóa còi xe"
Rõ ràng trong vụ việc này, hành vi của người lái xe con là sai. Không một ai có thể cổ súy cho cách hành xử thô thiển, bạo lực như vậy. Thế nhưng từ câu chuyện này, chúng ta cũng nên rút ra bài học cho mình khi tham gia giao thông.
Dù chưa rõ nữ tài xế bấm còi trong tình huống nào, có khẩn cấp hay không nhưng phải thừa nhận là trên thực tế, tiếng còi ô tô buýt không hề nhỏ và nó đủ để khiến những người xung quanh giật mình, thót tim.
Thậm chí, đã từng có không ít những trường hợp người điều khiển mô tô, xe máy vì tiếng còi xe phía sau quá lớn mà giật mình, ngã ra đường và gặp tai nạn thương tâm.
Rõ ràng trong tình huống này, sự việc đã không chỉ dừng lại ở thói quen bấm còi, mà trở thành một vấn đề an toàn giao thông cần được quan tâm, giải quyết.
Bấm còi lâu nay vẫn bị cho là nét văn hóa xấu của người Trung Quốc và cả người Việt.
Bản thân nữ tài xế cũng cảm nhận thấy sự khó chịu của người lái xe con sau khi mình bấm còi. Vì thế, hãy đừng lạm dụng cái còi gắn trên các phương tiện giao thông, đừng bấm còi điên loạn trên đường gây ảnh hưởng đến cảm xúc, tinh thần và sức khỏe của người khác.
Thói quen bấm còi xe lâu nay đã trở thành một điểm trừ trong văn hóa tham gia giao thông ở Trung Quốc và ngay cả ở Việt Nam. Trên thực tế, vấn đề này đã bị phản ánh rất nhiều lần và trở thành "ấn tượng khó phai" với bạn bè quốc tế khi họ có dịp ghé qua.
Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở nước ngoài, xe cộ không phải không được gắn thêm cái còi nhưng khi ra đường, hầu như chẳng bao giờ bạn nghe thấy tiếng còi xe inh ỏi, ngay cả ở những thành phố của châu Á, đông đúc như Đài Bắc, New Dehli...
Nguyên nhân là bởi người sử dụng họ rất ít khi hoặc chẳng bao giờ sử dụng đến thứ công cụ này. Điều đó cũng không có nghĩa là họ rất thong thả, họ không vội mà trên tất cả, nó thể hiện nét văn hóa, lịch sự của họ khi ra đường.
Ảnh minh họa. (Nguồn internet).
Hy vọng rằng, xô xát xảy ra giữa người phụ nữ lái xe buýt và người điều khiển chiếc xe ô tô con ở trên sẽ là bài học chung cho tất cả chúng ta – những người hằng ngày phải di chuyển rất nhiều trên đường.
Hãy hạn chế bấm còi và đồng thời, hãy hành xử lịch sự, đừng thô thiển và nóng nảy như chủ nhân chiếc xe con.
Sự việc mới chỉ dừng lại ở vài cái bạt tai, nếu nóng nảy và thiếu kiểm soát hơn nữa, rất có thể chỉ vì một xô xát nhỏ mà dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều.