Bất ngờ khả năng phòng thủ bờ biển của pháo phản lực Katyusha
Trong những năm qua trong các đợt diễn tập bắn đạn thật của Binh chủng Pháo binh, luôn có các tình huống giả định lực lượng pháo binh hỗ trợ phòng ngự ngăn không cho địch đổ bộ đường biển. Hầu hết các loại khí tài có trong biên chế của Pháo binh Việt Nam đều có thể đảm nhận nhiệm vụ này.
Ngay từ trong Kháng chiến chống Mỹ, Pháo binh Việt Nam từng lập nhiều chiến công hiển hách khi dùng các loại pháo kéo bắn cháy tàu chiến Mỹ trước sự ngỡ ngàng của các chuyên gia quân sự thế giới. Điều này đã cho thấy vai trò quan trọng của Pháo binh Việt Nam trong các lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ bờ biển hiện tại.
Bên cạnh các loại pháo kéo cỡ nòng lớn như M-46 (130mm), D-20 (152mm) thì Binh chủng Pháo binh còn sử dụng các các loại pháo phản lực Katyusha cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển.
Pháo phản lực BM-14 của Lữ đoàn pháo binh 16 thực hành bắn mục tiêu vận động trên biển. Ảnh: QĐND.
Điều này được thấy rõ thông qua phóng sự "Rèn luyện bộ đội sát thực tế chiến đấu" trên báo Quân đội Nhân dân, khi các tổ hợp pháo phản lực BM-14 được sử dụng để tấn công, chế áp các mục tiêu giả định là tàu chiến trên biển.
Theo đó trong đợt diễn tập bắn đạn thật gần đây, pháo phản lực BM-14 của Lữ đoàn pháo binh 16 thuộc Quân khu 4 đã thực hiện tốt nội dung bắn các mục tiêu vận động trên biển.
Bắn mục tiêu trên biển là một trong những nội dung khó nhưng do được huấn luyện chu đáo, chặt chẽ và xác định tốt nhiệm vụ. Nên các pháo thủ của Lữ đoàn 16 luôn bình tĩnh tự tin vượt qua khó khăn để đạt kết quả cao nhất.
Điểm khó nhất trong nội dung bắn mục tiêu vận động trên biển là mục tiêu ở xa, khó quan sát, đặc biệt yếu tố khí hậu, thời tiết tác động rất lớn đến kết quả bắn.
So với các mẫu pháo kéo thông thường, pháo phản lực thường có tầm bắn và độ chính xác thấp hơn nhưng bù lại chúng lại có mật độ hỏa lực dày đặc hơn và khả năng sát thương trên diện rộng, điều này giúp bù đắp lại các hạn chế vốn có của pháo phản lực.
Mặt khác thế mạnh khi sử dụng pháo phản lực phòng thủ bờ biển là địa hình tác chiến thường có phạm vi rộng cùng địa hình bằng phẳng giúp pháo phản lực phát huy tối đa sức mạnh hỏa lực của mình bằng cách dội "bão lửa" vào khu vực bờ biển mà địch định đổ bộ.
Ở một điểm khác so với các mẫu pháo kéo, pháo phản lực có khả năng cơ động cao hơn hẳn, chúng chỉ mất vài giây để dội "bão lửa" vào kẻ thù sau đó nhanh chóng rút đi và tái triển khai ở một vị trí khác nhằm tránh hỏa lực bắn trả của đối phương.
Pháo phản lực BM-14 vũ khí phòng thủ bờ biển đáng gờm của Pháo binh Việt Nam. Ảnh: QĐND.
Với các loại đạn rocket cỡ nòng lớn như của BM-14 (140mm) hoặc BM-21 (122mm) chúng hoàn toàn có thể tiêu diệt các các phương tiện đổ bộ cỡ lớn hoặc tàu chiến hoạt động ven bờ của đối phương, cũng như lực lượng bộ binh cùng cơ giới khi chúng đã đặt được chân lên bãi biển.
Tựu chung lại dù không mạnh mẽ như các loại vũ khí sử dụng công nghệ cao, thế nhưng pháo kéo và pháo phản lực vẫn được xem là các loại vũ khí phù hợp trong môi trường chiến tranh hiện đại, trong đó có phòng ngự và chống đổ bộ đường biển. Từ đó có thể khả năng sử dụng khí tài linh hoạt của Pháo binh Việt Nam đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới.
Khẩu pháo phản lực cỡ nòng to nhất của Việt Nam
Mặc dù không hiện đại hay được trang bị nhiều nòng như pháo phản lực BM-21 Grad thế nhưng BM-14 lại là mẫu pháo phản lực có cỡ nòng lớn nhất của Pháo binh Việt Nam. Theo đó BM-14 với cỡ nòng lên đến 140mm, trong khi đó BM-21 "Grad" chỉ 122mm còn BM-13 "Katyusha" chỉ 132mm.
Về pháo BM-14, nó được phát triển ngay sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc sau sự thành công của BM-13 "Katyusha", trong giai đoạn này quân đội Liên Xô cũng nhận thức được sức mạnh của các loại rocket phóng loạt không chỉ trong lục quân mà còn cả hải quân và không quân.
BM-14 pháo phản lực cỡ nòng to nhất của Việt Nam. Ảnh: Quân khu 7.
Quân đội Liên Xô bắt đầu đưa vào trang bị BM-14 từ đầu những năm 1950 và loại vũ khí này cũng dẫn trở nên phổ biến trong quân đội các nước XHCN sau đó. Bản thân BM-14 xuất hiện ở Việt Nam trong những năm 1960 – 1970 trong giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ đang ác liệt nhất.
Sau gần 50 năm phục vụ, ở thời điểm hiện tại BM-14 vẫn được biên rộng rãi trong các đơn vị pháo binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam với hai biến thể BM-14 gồm BM-14MM (2B2R) trên khung gầm xe tải bánh lốp đặc chủng ZIL-131, và một biến thể khác là BM-14-17M (8U35M) trên khung gầm xe tải bánh lốp đặc chủng GAZ-66.
Về cơ bản các biến thể này chỉ khác nhau ở khung gầm đặc chủng, trong khi đó ở cụm ống phóng rocket chúng vẫn được trang bị giàn phóng 16 nòng, cỡ đạn 140mm. Mỗi quả đạn rocket BM-14 nặng khoảng 40 kg, với tầm bắn tối thiểu khoảng 1.000 mét còn tối đa là 9.800 mét.
BM-14 cho phép bắn liên tiếp 16-17 phát trong vòng 8 giây với nhiều dòng đạn rocket khác nhau kể cả đạn hóa học. BM-14 có thể trang bị cho lực lượng đổ bộ đường không (với cơ cấu phóng được tháo rời).
Để vận hành một tổ hợp pháo phản lực BM-14 cần tới tổ đội lên đến 6 người và quá trình nạp đạn và dẫn bắn đều được thực hiện thủ công. Bản thân tổ hợp này cũng có khả năng được tự động hóa như BM-21 hoặc tích hợp các công nghệ dẫn bắn hiện đại hơn, tuy nhiên đạn rocket 140mm của BM-14 rất khó có thể nâng cấp mang theo đầu dẫn tự động.
Trong thời gian gần đây pháo binh Việt Nam đã từng bước nội địa hóa và nâng cấp các tổ hợp BM-14 có trong biên chế, giúp nó tác chiến hiệu quả hơn trong môi trường chiến tranh hiện đại. Chúng ta không chỉ tự chủ trong sản xuất đạn dược và còn cả các giàn phóng trên BM-14.
Rèn luyện bộ đội sát thực tế chiến đấu