Phim bãi
Sau này sang Mỹ mới biết họ dùng cái phông to tướng 500-600 inches, dùng máy chiếu LCD đưa lên, thường là một khu sân cỏ to tướng. Thế mà cứ tưởng là gì ghê lắm.
Tuy nhiên, ngồi xe mui trần, xe hơi, ôm eo người đẹp cũng không sướng bằng xem chớp bóng (chiếu phim) ở quê Ninh Bình của tôi. Dân quê gọi là chớp bóng vì có chớp và có bóng người, toàn phim đen trắng.
Bãi chiếu bóng ở quê là cái chợ, áp phích là cái bảng viết nguệc ngoạc tên phim, ngày giờ chiếu. Thế mà nhanh hơn internet bây giờ. Cả xã râm ran, mấy tháng trời "chớp bóng" mới về một lần, cái xe bò chở đoàn phim được đón chào như vua.
Những phim nổi tiếng như "Tiễu phỉ trên sa mạc", "Truy Ngư" có tiên đẹp tắm truồng, rồi "Hầm bí mật trên sông Elber" hay "Chung một dòng sông", người viết bài này nhớ được là do xem phim bãi.
Các cụ trong làng bảo, thằng Chén, con nhà ông cả Vại, biết điều khiển cái máy gì mà có hai vòng tròn, cứ bật lên là người từ trong đó chạy lên màn ảnh. Có múa hát, có ngoi sông, có cảnh thuyền bè, có người tắm, có ngựa phi và cả bắn nhau mà màn ảnh không thủng. Lạ lắm. Nó chả học hành gì mà giỏi thế.
Làm vài chén rượu, các cụ mơ, hôm nào thử chui vào cái máy đó, rồi theo ánh sáng lên màn ảnh, cho cả làng biết tay. Nhưng xong lại nghĩ, nhỡ dọc đường nó mất điện thì mình rơi xuống, gãy cẳng, chả dại.
Buổi chiếu thường bắt đầu bằng phim thời sự 20 phút. Có lần chiếu về cảnh sông Hoàng Long chống lụt. Cả làng reo lên, ôi nhà bà Khải ngập nhút mái nhà kia, nhà bà Ba nữa. Ông Noãn mù mà cũng lên phim. Ôi con gà trống nhà tớ này, nó đang gáy. Con trâu nhà mình kia kìa, rõ ràng mà, tao thấy cái chim nó lủng lẳng.
Cũng phim thời sự ấy mang sang huyện khác chiếu thì chẳng ai trầm trồ vì cảnh không phải làng mình. Phim truyện tình cảm ít khi bọn trẻ nhớ nhưng nếu có vài đứa lên màn ảnh thì nhớ đến tận già "tớ từng được đóng phim".
Vương quốc khỉ
Hồi năm ngoái đọc tin đoàn phim nước ngoài về đúng cái làng ở Ninh Bình có chiếu bóng bãi năm xưa để làm phim "Kong" (Kong: Skull Island – Đảo đầu lâu"), kỷ niệm xưa chợt ùa về.
Nghe nói, phim có nhiều cảnh lấy ở khu du lịch Tràng An, Bích Động, và sau đó ra Hạ Long quay tiếp. Với kỹ xảo điện ảnh thời kỹ thuật số và phong cảnh đẹp bên ngoài, quê Ninh Bình hiện lên như xứ sở thần tiên.
Vùng quê này xưa núi non và rừng um tùm. Máy bay Mỹ bị bắn rơi mà không ai hay, có người đi kiếm củi phát hiện ra thì bìm bìm đã leo kín.
Có hổ báo gầm, trăn núi mấy chục kg, dê núi be be, sông luồn qua các núi tựa chốn Thiên Thai.
Một cảnh trong phim Kong
Đạo diễn chọn khu này cho phim Kong rất hợp vì nơi đây là nơi sinh sống của khỉ, từng có những đàn hàng ngàn con.
Các bà các cô đi làm trong núi bị khỉ trêu, ném đá, hò hét, nhưng gặp bóng các ông là chạy hết.
Thực tế khu Tràng An rất hợp với cảnh thám hiểm trong trong phim Đảo Đầu Lâu, nơi này từng rất hoang dã, chưa có dấu chân, chỉ có chim kêu vượn hót.
Thế mà bây giờ khu núi Trường Yên tịnh không còn chú khỉ nào, cây cối trên núi thưa vắng, núi đá bị nổ mìn nham nhở, không còn cảnh rừng già xưa.
Tuy nhiên, khu núi này vẫn đẹp mê hồn nhất là sau khi du lịch Tràng An ra đời, bơi thuyền giữa các hang động, mỗi ngọn núi, mỗi cái hang là một câu chuyện cổ tích tới mức khó tin.
Nhiều người tò mò mua vé đi xem vì cảnh đẹp, còn câu chuyện chú khỉ (Kong) đánh nhau và mục đích là gì lại không quan trọng.
Không biết thế giới phản ứng với phim Kong ra sao, chắc họ cũng đến rạp xem một lần cho biết. Loại phim về con khỉ xuất hiện cả thế kỷ nay, hầu hết nhằm mục đích giải trí, những pha gay cấn hồi hộp, có cả tình yêu người và khỉ (phim King Kong) rồi bạo loạn phá thành phố tìm người tình.
Với góc ống kính quay gần, tiểu xảo điện ảnh, người xem vui là chính vì mục đích phim là giải trí cuối tuần, nhiều khi chẳng có thông điệp nào.
Tuy nhiên nơi nào được chọn làm cảnh quay sẽ tự hào vì cảnh đẹp lên phim, quảng cáo không mất tiền. Dân Việt Nam mê mẩn cảnh xứ mình trên phim Kong. Rồi mơ mộng, thế nào du lịch mấy khu này sẽ tăng vọt.
Trong thực tế, đến rạp thấy phim hay, cảnh đẹp, nhạc du dương, diễn viên như tiên thì người xem nhớ phim. Ít ai nghĩ cảnh kia quay ở đâu để tới xem có thực như thế. Phim ảnh và thực tại bao giờ cũng khác nhau, một bên do kỹ xảo ánh sáng và góc quay, một bên do mắt nhìn của từng người.
Người đi xem phim chưa chắc đã máu du lịch, người thích du lịch chưa chắc đã máu xem phim. Một người có cả hai tố chất ít khi chọn cảnh trên phim để đi du lịch hoặc du lịch rồi về tìm cách chọn các phim có nơi mình đi qua để xem.
Phải đẹp cả dịch vụ, môi trường
Sau phim Kong, giấc mơ của những người làm văn hóa và du lịch cao tới mức họ muốn dựng tượng Kong ở bờ Hồ vì nhờ có phim mà cảnh đẹp Việt nổi tiếng.
Một cảnh hậu trường phim Kong ở Hạ Long.
Trong thực tế, những khu du lịch được cả thế giới trầm trồ không phải do phim ảnh mà có. Bản thân các khu này phải đẹp, đặc biệt, không nơi nào có được, từ cảnh đẹp đến dịch vụ, môi trường, giá cả hợp lý, đường đi lối lại thuận tiện.
Ngày nay rạp phim hiện đại hơn rất nhiều so với bãi chiếu bóng năm xưa. Ngồi trong rạp 3D, với hình tiếng như thật ngoài đời, cảnh trên màn ảnh đã được số hóa thêm sống động, người xem không nghĩ đến bước vào máy chiếu để bay lên màn hình như các cụ nông dân thuở nào.
Phim Kong đã trình chiếu, người xem láng máng biết được Tràng An hay Hạ Long của Việt Nam xuất hiện trên phim là một điều đáng mừng cho ngành du lịch. Việc còn lại là tiếp tục hoàn thiện dịch vụ, bảo vệ môi trường, tạo ra sự khác biệt cùng với thần tượng Kong, thì du lịch Việt Nam sẽ sang một thương hiệu mới.
Nếu đàn khỉ Tràng An được khôi phục cho chúng sống hoang dã, du khách trên thuyền được vui với khỉ trêu chọc, cây được trồng mới, môi sinh được bảo vệ, thú hoang dã sẽ về như xưa. Khi đó cảnh trên phim Kong với đảo đầu lâu được tái hiện như thực tại ngoài đời sẽ là thông điệp tuyệt vời cho ngành du lịch.
Nếu chỉ nhăm nhe xây tượng, dựng cáp treo nhưng môi trường vẫn bị phá hoại, nhà hàng thú hoang làm cho đàn khỉ biến mất cùng với những ngọn núi bị nổ mìn, du lịch kiểu tận diệt tận thu, thì vài cảnh đẹp trên phim Kong chỉ để lại ấn tượng cho mấy cậu bé nhà quê xem chớp bóng bãi từ thế kỷ trước.