Dựng hiện trường vụ 2 bé chết ở kênh 6A: Nhiều dấu hiệu bất thường

Dương Trang |

Quá trình công an huyện Vĩnh Tường dựng lại hiện trường vụ 2 cháu bé chết dưới kênh 6A (xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường.

Thực nghiệm hiện trường, cán bộ đo lường ôm thiết bị bỏ chạy

Vào lúc 14h ngày 15/7/2016, CQĐT CA tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với CA huyện Vĩnh Tường đã dựng hiện trường vụ 2 cháu Nguyễn Duy Khánh và Lê Văn Nguyên (11 tuổi) chết đuối trên kênh 6A (thôn Phủ Yên 4, xã Yên Lập, Vĩnh Tường) xảy ra ngày 05/5/2016.

Việc thực nghiệm hiện trường kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, bắt đầu bằng việc thả chiếc máy bơm nước của gia đình ông Khổng Văn Thành xuống dòng kênh 6A.

Sau đó CQĐT đã gọi bạn của cháu Nguyên và Khánh (nhân chứng – PV) đến chỉ rõ khúc sông mà ngay thời điểm đó các cháu đưa chân xuống bị điện giật. Đồng thời dùng đồng hồ để đo nguồn điện phát ra từ máy bơm nước.

Tuy nhiên, quá trình thực nghiệm hiện trường bị gián đoạn, bởi theo quan sát của PV, buổi thực nghiệm có nhiều dấu hiệu bất thường và vô số những điều khó hiểu khiến gia đình 2 cháu và người dân xung quanh rất bức xúc.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện gia đình cháu Khánh cho hay: “Gia đình tôi đã rất tin tưởng vào CQĐT, mong CQĐT đưa ra một kết quả chính xác để đòi lại công bằng cho con.

Nhưng chúng tôi vô cùng bức xúc khi phát hiện ra chiếc máy dùng để đo dòng điện, kiểm tra chiếc máy bơm của nhà ông Thành đã hết hạn sử dụng”.

Cụ thể, quá trình thực nghiệm, 3 cán bộ đo lường đã sử dụng máy hết hạn khi đo nguồn điện ở máy bơm nhà ông Thành. Sau đó báo có dòng điện trên cạn nhưng dưới nước thì không có dòng điện.

Nghe 3 cán bộ thông báo vậy, gia đình 2 nạn nhân đã dùng thiết bị đo lường để đo lại nhằm đối chiếu kết quả cho thấy có điện cả trên cạn lẫn dưới nước.

Phát hiện máy đo lường hết hạn sử dụng, không có tem bảo hành, 3 cán bộ đo lường đã ôm thiết bị và tức tốc rời khỏi hiện trường.

Mẹ cháu Duy (Duy là bạn học của 2 cháu Nguyên và Khánh - PV) cho hay: “Hôm 5/5/2016 con trai tôi ra kênh 6A, cháu định xuống tắm, nhưng khi thò chân xuống bị điện giật tê chân.

Thế mà hôm nay CA dựng lại hiện trường thì bảo không hề có dòng điện ở dưới nước”.

Chưa dừng lại, khi gia đình và người dân phát hiện ra, 3 cán bộ đo lường đã tự ý cầm thiết bị bỏ về mà không báo cáo với ai.

“Các anh ấy còn bảo với chúng tôi là gia đình có 4 người mất nên họ phải về ngay”, Mẹ cháu Duy cho biết.

Những dấu hiệu bất thường khác trong buổi thực nghiệm

Để phục vụ buổi thực nghiệm hiện trường, CQĐT còn đưa giấy triệu tập những người có mặt tại hôm phát hiện hai cháu chết để làm chứng.

Tuy nhiên, khi các nhân chứng có mặt, lực lượng công an lại ngăn không cho họ vào khu vực hiện trường.

“CQĐT cho gọi chúng tôi ra để làm chứng, trong khi đó chúng tôi ra thì CA lại không cho chúng tôi đến hiện trường, họ còn đuổi chúng tôi”, nhiều nhân chứng bức xúc nói.

Máy bơm nước của gia đình ông Khổng Văn Thành thu được tại hiện trường 2 bé chết đuối.

Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, lúc thực nghiệm hiện trường phía CQĐT không ghi biên bản làm việc. Hơn nữa, trước khi vào làm việc, CQĐT không giới thiệu cho mọi người biết họ là ai? Gồm những thành phần nào?.

Ngoài những dấu hiệu bất thường nêu trên, khi CQĐT đồng ý cho PV báo chí vào làm việc nhưng lại cử người giám sát để PV không thể tác nghiệp. Lực lượng CA đã cấm PV quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi chép.

CQĐT nói gì vụ thực nghiệm hiện trường 2 bé chết dưới kênh 6A?

Để thông tin khách quan về những bất thường trong quá trình thực nghiệm hiện trường vụ 2 cháu bé Nguyễn Duy Khánh và Lê Văn Nguyên, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Thái Học, Trưởng phòng PA83, CA tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại tá Đỗ Thái Học cho hay, dựng hiện trường là một biện pháp điều tra trong tố tụng. Quá trình dựng hiện trường có biên bản nhưng chỉ có biên bản điều tra, chứ không công bố.

Trả lời PV về việc CQĐT có danh sách mời nhân chứng đến hiện trường nhưng không được vào, ông Học một mặt khẳng định: “Làm gì có, Công an không thể làm ẩu như thế được”.

Mặt khác, ông lại nói “Hôm đó tôi cũng không có ở đó cho nên việc này cần xem xét lại”.

Thắc mắc về thiết bị đo lường hết hạn sử dụng, không có tem bảo hành, không đo được nguồn điện, ông Học nói: “Tôi không bàn luận cái đó đâu.

Tôi không biết được, cái thiết bị đấy của Viện Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an). Còn thiết bị hỏng hay không tôi không biết”.

PV hỏi về việc Tại sao CQĐT không kiểm tra thiết bị trước khi tổ chức thực nghiệm, ông Học trả lời: “Tôi không nắm được đâu.

Việc đó không phải việc của tôi. Nếu ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ đó không phải là chuyện chơi đâu”.

Về danh tính ba cán bộ đo lường ôm thiết bị rời khỏi hiện trường, ông Học cho biết: “Hai ông là giám định viên, còn một ông mặc quần áo dân sự là ông trưởng CA huyện Vĩnh Tường”.

Trước thắc mắc của PV về việc cho PV vào hiện trường nhưng không cho tác nghiệp, ông Học cho hay: “Theo nguyên tắc thì PV không được vào”.

Tuy nhiên khi PV hỏi lại: “Vậy việc cho PV vào là đúng hay sai?” Ông Học chỉ nói: “Tôi không biết vì tôi không ở đó”.

“Dựng hiện trường là một biện pháp điều tra. Ở đây cũng do cơ quan Công an tính toán, triền khai biện pháp điều tra chưa kỹ. Còn vụ án, chúng tôi đã rút về Công an tỉnh điều tra lại.

Chúng tôi cũng xin hứa với gia đình, vì trách nhiệm nên sẽ làm rõ mọi việc đúng theo pháp luật”, Đại tá Đỗ Thái Học chia sẻ.

Báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại