Tọa đàm liên quan đến nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh (bán phở, bún bò, hủ tiếu, bánh canh, mì Quảng…) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 4-4 có nhiều ý kiến từ thực tiễn.
Lên rồi lại xuống
Luật sư Nguyễn Hưng Quang là người tham gia nghiên cứu nhiều vấn đề xã hội, kinh tế cùng với VCCI. Ông Quang kể nhiều câu chuyện liên quan tới hộ kinh doanh mà thực tế ông đã gặp phải trong quá trình nghiên cứu.
Ở một tỉnh nọ, có một hộ kinh doanh sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề, bán hàng qua một công ty khác chuyên nhận ủy thác mua bán hàng hóa. Công ty ủy thác này lại hợp tác với một tập đoàn nước ngoài để bán hàng thủ công mỹ nghệ.
Tập đoàn nước ngoài tìm đến hộ kinh doanh nói trên để trực tiếp ký kết hợp đồng với nhiều điều kiện tuân thủ như hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, y tế, các loại thuế, giấy phép... Và hộ kinh doanh này buộc phải trở thành doanh nghiệp (DN) mới đáp ứng được những điều kiện do tập đoàn nước ngoài đưa ra.
“Sau hai năm, DN này liên tục bị thua lỗ do chi phí tuân thủ cao nên quyết định giải thể để trở lại làm hộ kinh doanh” - ông Quang kể.
Ở một địa phương khác, Cục Thuế tỉnh hỗ trợ một hộ kinh doanh thành lập DN với hai sáng lập viên chính là vợ chồng với chi phí không đáng kể. Nhưng sau một thời gian, vợ chồng sáng lập viên rất lúng túng khi các công tác kế toán, các loại giấy phép, chứng chỉ… ngày một khắt khe.
“Có khi vợ chồng còn mâu thuẫn nhau. Cuối cùng họ giải thể để trở về với… hộ kinh doanh và nhận gia công cho các DN khác” - ông Quang nói.
Còn ông Nguyễn Hải Hùng, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT TP Hà Nội, cho hay: “Một năm qua, kể từ khi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa ra đời và có hiệu lực thì mới chỉ có chín hộ kinh doanh chuyển thành DN. Thực tiễn là vậy!”.
Ông Hùng kể ông có hai người bạn. Một người là tổng giám đốc một công ty ứng dụng công nghệ 4.0, thủ tục thành lập DN đơn giản, các công đoạn khác đều thuê đơn vị có chức năng làm, giao dịch qua mạng. Một người khác thì có quán cà phê - phở, thuê 10 lao động.
“Cả hai đều rất “happy” (hạnh phúc)” - ông Hùng nói và khẳng định: “Tôi tâm đắc quan niệm rằng DN hay loại hình gì đó cũng chỉ là công cụ kinh doanh. Làm sao để người dân vận dụng công cụ ấy kinh doanh, sinh lợi và đóng thuế là được”.
Việc muốn lên doanh nghiệp hay tiếp tục là hộ kinh doanh hãy để người dân tự quyết định. Ảnh: HTD
Nên hỗ trợ thay vì cứ chăm chăm thu thuế
Ông Nguyễn Hải Hùng nhìn nhận hộ kinh doanh gặp khó khăn về pháp lý là do đối tượng này chưa được ghi nhận trong Luật DN 2014 mà mới chỉ ở cấp nghị định. Mặt khác, quy định về thủ tục chuyển đổi cũng chưa có.
Đó là chưa kể có những rào cản pháp lý như cách tính thuế cũng rắc rối, không đơn giản với hộ kinh doanh.
“Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN không cho thấy sự hấp dẫn hơn về thị trường vốn và quản trị” - ông Hùng nhận xét.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, đưa ra một góc nhìn khác trong thực tiễn hành thu của cơ quan thuế về hộ kinh doanh.
Bà Lan nhận xét rằng các quy định về hộ kinh doanh mới chỉ theo hướng “hộ kinh doanh phải làm cái nọ cái kia chứ chưa hỗ trợ được gì cho họ”.
Thực tế, Nhà nước không đầu tư gì cho hộ kinh doanh mà họ tự bỏ vốn. “Nếu lỗ thì tự chịu, còn nếu có lãi thì cơ quan thuế đến thu thuế” - bà Lan nói và đặt vấn đề: “Phải chăng đã đến lúc có cách nâng đỡ hộ kinh doanh bằng khung khổ pháp lý chứ không phải để quản lý chặt hơn?
Bởi nếu đúng theo Luật DN, rất có thể chúng tôi bị quy là đang thu thuế cả đối tượng vi phạm pháp luật”.
Thêm nữa, Luật DN mặc dù không quy định rõ về hộ kinh doanh nhưng lại có những quy định khiến khu vực này bị ràng buộc đáng kể. Chẳng hạn như quy định buộc hộ kinh doanh chỉ được hoạt động tại địa điểm đăng ký, không được thuê quá 10 lao động và không được dừng hoạt động quá 12 tháng...
Vấn đề đặt ra là nếu một hộ kinh doanh có bốn địa điểm thì sao? Vì quy mô sản xuất, kinh doanh tăng, họ thuê trên 10 lao động thì sao? Việc họ dừng hoạt động bao lâu thì đó là do thị trường chứ sao lại ấn định thời hạn cho họ?
“Dù có nhiều quy định vậy nhưng thực ra là không có chế tài kèm theo. Bởi thế nếu hộ kinh doanh mở thêm cửa hàng, địa điểm kinh doanh thì ngành thuế vẫn phải thu thuế và có biện pháp xử lý. Do vậy, chúng tôi đề nghị sửa Luật DN sao cho ngành thuế không gặp rắc rối về pháp lý như vậy” - bà Lan nói.
Mặt khác, cũng theo bà Lan, ngành thuế còn gặp những vấn đề khi có những khái niệm không rõ ràng, không thống nhất về hộ kinh doanh. Chính vì thế, ngành thuế mỗi khi soạn thảo văn bản liên quan đều phải “đèo” thêm chữ “hộ” để chỉ các đối tượng cần phải thu thuế thành “hộ-cá nhân kinh doanh”.
Để người dân tự lựa chọn mô hình phù hợp
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng Luật DN sửa đổi sẽ nhận trách nhiệm xử lý các vấn đề của hộ kinh doanh. Sứ mệnh của Luật DN sửa đổi lần này sẽ phải thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh, để tối đa hóa nguồn lực đầu tư.
Nguyên tắc là cái gì đang cản trở quyền kinh doanh sẽ phải bãi bỏ, còn việc thiết kế chi tiết, đưa hộ kinh doanh vào hay đưa ra khỏi Luật DN chỉ là kỹ thuật pháp lý.
Vì vậy, lo ngại bắt ép các hộ kinh doanh phải trở thành DN để xử lý tồn tại về sự không rõ ràng trong khái niệm hộ kinh doanh sẽ không diễn ra. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hộ kinh doanh sẽ tiếp tục là nơi trú chân cho những khoảng mờ trong hoạt động kinh doanh hay là nơi rủi ro cho quản lý nhà nước.
"Hộ kinh doanh hay DN, công ty TNHH... là những công cụ để người dân lựa chọn sử dụng cho mục tiêu kinh doanh một cách công bằng; phù hợp với quy mô, tính chất của mỗi loại hình để phát huy tối đa nguồn lực đầu tư" - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
_________________________
Bà Hoàng Thị Lan Anh đến từ Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đồng quan điểm với nhiều chuyên gia rằng hộ kinh doanh là thương nhân, tương tự các thương nhân nổi tiếng từ xưa như Bạch Thái Bưởi.
Bà Lan Anh cũng nói về vấn đề thuế, thì cứ có thu nhập phát sinh là phải nộp thuế và điều này không tùy thuộc vào việc có đăng ký kinh doanh hay không.