Đụng độ Nga-Ukraine: "Đòn hiểm" với TT Putin trước G20 hay Nga đang thử phương Tây?

Thi Anh |

Chuyên gia cho rằng, ông Putin sẽ không để lỡ thời cơ tận dụng cuộc khủng hoảng, dù nó vô tình diễn ra hay được lên kế hoạch trước.

Ưu thế cho Ukraine hay canh bạc của Putin?

Xung đột mới nhất trong căng thẳng Nga - Ukraine đã tạo điều kiện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin có cơ hội để kiểm chứng cam kết bảo vệ của phương Tây đối với Kiev, trong thời điểm Mỹ và phương Tây đứng trước nhiều chia rẽ do mâu thuẫn nội bộ.

Ukraine đã bước đầu giành được những lợi thế ngoại giao mặc dù cả 2 bên đều cáo buộc bên kia đạo diễn cuộc đụng độ hôm 25/11 vì những lý do chính trị.

Các nước châu Âu lên án Nga mạnh mẽ. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Nikki Haley đã đổ lỗi cho việc gia tăng "những hành động ngoài vòng pháp luật" của Moscow. Dù vậy, Washington sẽ để các đồng minh của mình giữ vị trí dẫn dắt trong việc đưa ra phản ứng, bà Haley cho biết.

Đụng độ Nga-Ukraine: Đòn hiểm với TT Putin trước G20 hay Nga đang thử phương Tây? - Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Ảnh: Reuters

Thời điểm xảy ra sự việc khó có thể tạo lợi thế cho Kremlin trước chính phủ phương Tây khi mà hội nghị G20 sắp diễn ra ở Buenos Aires. Tuy nhiên, chuyên gia của trung tâm Moscow Carnegie, Alexander Baunov, cho rằng, ông Putin sẽ không để lỡ thời cơ tận dụng cuộc khủng hoảng, dù khủng hoảng vô tình diễn ra hay được lên kế hoạch trước.

"Một mặt, kiểu leo thang chính sách ngoại giao này là mạo hiểm và sẽ không giúp sức cho quan hệ với phương Tây", ông Baunov nói, "Thế nhưng, nếu họ chịu đựng được thì trông sẽ giống như một chiến thắng ngoại giao".

"Canh bạc" kiểu này đã trở nên khá quen thuộc đối với ông Putin, người luôn tìm cách tận dụng sự chú ý của quốc tế vào xung đột Ukraine để từ từ gia tăng áp lực lên người đồng cấp ở Kiev.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang phải đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 3 tới trong khi khảo sát cho thấy ông không chắc có thể giành phần thắng. Ông Poroshenko đã kêu gọi Quốc hội Ukraine thông qua quyết định áp đặt thiết quân luật, một bước đi mà các nghị sĩ đối lập coi là mánh khóe để tăng khả năng tái đắc cử.

Mỹ, châu Âu có thể làm gì?

Trước khi xảy ra vụ đụng độ, giới chức Kremlin nhìn chung khá lạc quan về cuộc gặp sắp tới giữa ông Putin và ông Trump, dự kiến diễn ra tại G20.

Điện Kremlin đã hy vọng rằng cuộc gặp của ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại G20 ở Argentina trong tuần này sẽ dẫn tới những bước đi vững chắc tiến tới phá băng mối quan hệ. Họ cho rằng, sau sự ủng hộ nhiệt thành mà ông Trump thể hiện trong cuộc gặp ở Helsinki hồi tháng 7, động lực thúc đẩy kêu gọi gia tăng cấm vận có vẻ đã dần phai nhạt.

Theo cây viết Ilya Arkhipov của Bloomberg, cuộc đụng độ cuối tuần qua - với diễn biến hải quân Nga sử dụng vũ khí và bắt giữ 3 tàu của Ukraine ở khu vực eo Kerch, giữa biển Đen và biển Azov - có thể gây khó khăn cho nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ của ông Putin.

Tuy nhiên, Eurasia Group nhận định: Kể cả khi cuộc đụng độ diễn ra, khiến đồng rúp và chứng khoán Nga sụt giảm ở các thị trường mới nổi vào 26/11 thì nhiều khả năng phản ứng của phương Tây vẫn sẽ hờ hững, Eurasia Group nhận định.

"Mức cao nhất mà Washington và Brussels có thể áp đặt ở giai đoạn này là cấm vận bổ sung nhằm vào các cá nhân và tổ chức", nhà phân tích Alex Brideau của Eurasia Group cho biết, "Cấm vận mạnh hơn nhằm vào các khu vực kinh tế mới hoặc các nhân vật đầu sỏ của Nga không chắc sẽ được áp dụng trừ khi tình hình tiếp tục leo thang".

Về phản ứng của Mỹ, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho biết, Mỹ sẽ duy trì mức cấm vận liên quan tới Crimea hiện tại nhằm vào Nga. Bà Haley không đe dọa tăng cường cấm vận mà chỉ nói rằng: "Nga leo thang kiểu như vậy sẽ chỉ khiến tình hình tệ hơn".

Vụ đụng độ xảy ra sau vài tháng gia tăng căng thẳng ở khu vực khi Nga tăng cường kiểm soát việc tiếp cận biển Azov của Ukraine, tuyến đường thủy trọng yếu phục vụ xuất khẩu kim loại và các sản phẩm nông nghiệp từ các cảng ở phía Nam các khu vực ly khai Luhansk và Donetsk.

Cây cầu mà Nga hoàn thành trong năm nay nối đất liền Nga với bán đảo Crimea bắc qua eo biển Kerch, nơi biển Azov tách khỏi biển Đen. Cầu Kerch hạn chế mật độ lưu thông vận tải tàu biển. Nga đã bắt đầu kiểm tra các tàu bè đi và đến Ukraine suốt mùa hè, khiến Bộ Ngoại giao Mỹ phải lên tiếng. Cơ quan này cho đó là động thái "quấy rối vận tải quốc tế".

Trong vụ việc xảy ra hôm 25/11, Ukraine cho rằng các tàu của mình đã bị chặn lại trong vùng biển quốc tế, còn phía Nga thì cáo buộc Kiev xâm phạm lãnh thổ, phớt lờ cảnh báo đổi lộ trình mà Moscow đã đưa ra. Kết quả là Nga đã sử dụng vũ khí và bắt giữ 3 tàu của Ukraine, đồng thời triệu đại biện Ukraine tới để trao công hàm phản đối.

Alexei Chesnakov, cựu quan chức Kremlin khẳng định Nga không thể hành xử theo cách nào khác trước những gì Ukraine làm dọc theo biên giới hàng hải với Nga. Ông Chesnakov nhấn mạnh: "Nếu một đất nước thể hiện sức mạnh thì cấm vận là có thể. Nhưng nếu một đất nước thể hiện sự yếu đuối thì lúc đó, cấm vận là điều chắc chắn".

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của cây viết Ilya Arkhipov trong bài phân tích đăng trên Bloomberg.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại