Đụng độ chết người tại biên giới Trung-Ấn: Ấn Độ có bao nhiêu lựa chọn để trả đũa Trung Quốc?

Hồng Anh |

Những vụ đụng độ tại khu vực biên giới sẽ tiếp tục nổ ra nếu như hai nước Trung Quốc và Ấn Độ chưa tìm ra giải pháp triệt để cho vấn đề này, một học giả nhận định.

Trong những phát biểu, thông cáo chính thức của mình, New Delhi và Bắc Kinh đều thống nhất sẽ không khiến căng thẳng thêm leo thang sau vụ ẩu đả chết người hôm 15/6. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong truyền thông và dư luận vẫn tiếp tục dự đoán về các lựa chọn "trả đũa" trong tay Ấn Độ, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin.

Trong những ngày qua, khi ngày càng có thêm nhiều chi tiết về vụ ẩu đả tay đôi giữa binh sĩ hai nước Trung-Ấn khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng được tiết lộ - cả thông tin chính thức và không chính thức - thì dư luận Ấn Độ càng thêm "sôi sục" và càng mong muốn chính phủ tung ra đòn trả đũa thích đáng.

Một số nguồn tin địa phương của Ấn Độ cho biết các binh sĩ của nước này đã bị tấn công bằng "những cây gậy cắm đầy đinh", trong khi BBC dẫn lời một binh sĩ giấu tên cho biết binh sĩ Trung Quốc đã sử dụng "những cây gậy sắt quấn dây thép gai".

Theo truyền thông địa phương, địa hình của Thung lũng Galwan cũng đã gây ra không ít khó khăn cho việc tìm kiếm thi thể của các binh sĩ và thống kê số thương vong, tuy nhiên phía quân đội Ấn Độ đã khẳng định không có binh sĩ nào mất tích.

Khi thi thể của các binh sĩ được đưa về quê hương, các kênh truyền hình địa phương đã phát hình ảnh rất đông người dân tập trung để bày tỏ lòng tiếc thương hoặc để biểu tình tại nhiều thành phố của Ấn Độ.

Trong số đó, hình ảnh một nhóm người tại Gujarat đập phá một chiếc TV của nhãn hàng Trung Quốc đã được lan truyền rất nhanh chóng trên các trang mạng xã hội. Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Trao quyền Công lý Xã hội Ấn Độ, ông Ramdas Athawale, đã đề nghị chính phủ ban lệnh cấm các nhà hàng bán món ăn Trung Quốc.

Ông Harsh Pant, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại trường Kings College, London, nhận định rằng cuộc khủng hoảng mới này chính là một khúc ngoặt trong mối quan hệ của hai nước Trung-Ấn.

"Toàn bộ chính sách về Trung Quốc của Ấn Độ đều dựa trên giả định rằng New Delhi có thể tiếp tục mở rộng quan hệ trong khi duy trì việc tuân thủ các thỏa thuận về biên giới. Giả định đó đã thay đổi sau vụ việc này", ông Pant nói. "[Ấn Độ] không thể có quan hệ bình thường với Trung Quốc khi tình hình ở biên giới đang sôi sục như vậy".

Các quan chức quân đội cấp cao của hai nước đã tiến hành đối thoại hôm 18/6 vừa qua nhằm giảm căng thẳng, sau khi Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có cuộc điện đàm đổ lỗi qua lại hôm 17/6.

Sau cuộc điện đàm này, Ngoại trưởng Jaishankar đã đăng lên Twitter rằng các binh sĩ Ấn Độ đều được trang bị vũ khí, nhưng đã quyết định không sử dụng vũ khí vì họ tuân thủ những điều khoản được thiết kế nhằm ngăn chặn leo thang xung đột.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 18/6 cũng đã khẳng định rằng quan chức hai nước vẫn tiếp tục duy trì đối thoại ở các cấp.

Trong phát biểu ngắn của mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã tuyên bố rằng Ấn Độ "muốn hòa bình", nhưng nếu nước này "bị khiêu khích, thì chúng tôi hoàn toàn có khả năng tung ra đòn trả đũa tương xứng".

Mặc dù chính phủ Ấn Độ không hề đưa ra bất cứ thông tin nào về kế hoạch trả đũa Trung Quốc, nhưng nhiều hãng tin của Ấn Độ đã đăng tải nhiều bài viết dự đoán về những biện pháp trả đũa tiềm năng, cụ thể là việc hạn chế những quyền lợi kinh doanh của Trung Quốc tại nước này.

Một công ty quốc doanh của Ấn Độ - Tập đoàn Dedicated Freight Corridor - gần đây đã chấm dứt một hợp đồng 62 triệu USD với đối tác Trung Quốc vì lý do các dự án "tiến triển kém".

Đụng độ chết người tại biên giới Trung-Ấn: Ấn Độ có bao nhiêu lựa chọn để trả đũa Trung Quốc? - Ảnh 1.

Vụ đụng độ hôm 15/6 tại biên giới Trung-Ấn được dự đoán là có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách về Trung Quốc của Ấn Độ. Ảnh: Indian Express

Thay đổi về chính sách

Trong vòng 6 năm qua, New Delhi đã tập trung vào một cách tiếp cận mới để đối phó với một Trung Quốc "quyết đoán" dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập đã gặp gỡ 18 lần trong vòng 6 năm qua, trong đó bao gồm 2 cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức tại Vũ Hán năm 2018, và một cuộc gặp khác tại thành phố Chennai trong năm ngoái.

Trong suốt khoảng thời gian này, các nhà ngoại giao của New Delhi đã khẳng định lập trường củng cố quan hệ với Trung Quốc và không cho phép những vấn đề "gai góc" như tranh chấp biên giới trở thành tâm điểm chú ý.

Một số nhà phân tích như ông Madhav Das Nalapat tin rằng chính sách này sắp thay đổi.

"Trong một thời gian rất dài, Ấn Độ luôn quả quyết rằng tranh chấp biên giới sẽ không phủ bóng lên mối quan hệ của hai nước Trung-Ấn trên những lĩnh vực khác. Tuy nhiên ranh giới đó đã biến mất. Phát ngôn của của Thủ tướng Modi cho thấy việc kinh doanh với Trung Quốc sẽ không thể bình thường như trước", nhà phân tích này nhận định.

Học giả Pant tại trường Kings College, London, cho rằng Ấn Độ sẽ chứng kiến một sự thay đổi nhanh chóng về chính sách đối ngoại và tái tổ chức trật tự thế giới.

"Bằng cách nào đó, vụ việc này đã giải phóng cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ấn Độ đã luôn phải đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan về việc giữ khoảng cách phù hợp với cả Trung Quốc và Mỹ. Những giả định đó không còn đúng trong tình hình hiện tại", ông Pant nói.

Học giả này đã liệt kê một số lựa chọn trả đũa nằm trong tay Ấn Độ, bao gồm việc bắt Trung Quốc trả giá về kinh tế, cụ thể là việc hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ, hay ngừng hợp tác với Trung Quốc trong dự án xây dựng mạng 5G.

Ngoài ra, New Delhi cũng sẽ phải cân nhắc tới quan hệ địa chính trị với các quốc gia khác. Khi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Washington đã đề xuất thiết lập một liên minh toàn cầu để đối đầu với Trung Quốc thời hậu COVID-19, bao gồm các thành viên G7 và một số quốc gia khác như Ấn Độ, Australia, Nga và Hàn Quốc.

Vụ đụng độ chết người hôm 15/6 có thể sẽ trở thành động lực để Ấn Độ nhanh chóng tiếp nhận những đề xuất nói trên. Nó cũng có thể trở thành động lực thúc đẩy Ấn Độ tham gia vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu, với mục tiêu kiềm chế sự bành trướng và các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đụng độ chết người tại biên giới Trung-Ấn: Ấn Độ có bao nhiêu lựa chọn để trả đũa Trung Quốc? - Ảnh 4.

Hình chụp thung lũng Galway từ trên cao. Nguồn: AP

Thêm căng thẳng tại khu vực biên giới

Hôm 18/6 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava đã cảnh cáo rằng Trung Quốc không nên đưa ra những "tuyên bố chủ quyền cường điệu và không có cơ sở" tại Thung lũng Galwan.

Theo SCMP, cả hai nước Trung-Ấn đều đã xây dựng các cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ của mình ở hai bên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), và các nhà phân tích dự đoán rằng việc quân sự hóa tại khu vực này sẽ tiếp tục gia tăng.

Một chỉ huy quân đội cấp cao của Ấn Độ từng hoạt động tại khu vực này cũng đồng tình với dự đoán trên, và cho rằng những vụ đụng độ rất có thể sẽ tiếp diễn.

"Sự phẫn nộ trong dư luận ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau khi những chi tiết về vụ đụng độ được công bố. Những phương pháp và vũ khí từ thời Trung cổ như gạch đá và gậy gộc đã được sử dụng trong vụ ẩu đả. Các binh sĩ Ấn Độ sẽ cân nhắc lựa chọn thời gian và thời điểm phù hợp để trả đũa", vị chỉ huy này cho biết.

Thượng tướng về hưu Vinod Bhatia nói rằng Ấn Độ cần nhanh chóng tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội.

"Cả hai nước đều không đủ khả năng gánh chịu một cuộc chiến, và tình hình căng thẳng hiện nay cũng rất khó leo thang thành một cuộc chiến. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét lại những thỏa thuận về vấn đề biên giới của hai nước và cập nhật những điều khoản này", ông Bhatia nói.

Còn theo học giả Pant, thì một cuộc đối đầu quân sự tổng lực giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này là điều rất khó có thể xảy ra. Tiềm lực quân sự của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với Ấn Độ; ví dụ, một báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính rằng Trung Quốc sở hữu 320 đầu đạn hạt nhân, trong khi Ấn Độ chỉ sở hữu 150 đầu đạn hạt nhân.

Điều này có nghĩa là xung đột sẽ tăng cường trên mặt trận ngoại giao của hai nước, và tình hình tại LAC sẽ tiếp tục "sôi sục" trong thời gian tới, học giả này nhận định.

"Trong nhiều tháng và nhiều năm tới, đường LAC sẽ tiếp tục hỗn loạn, trừ khi hai nước tìm được một giải pháp triệt để", ông Pant kết luận.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại