Lãnh đạo quốc hội Ấn Độ Rahul Gandhi đã lên tiếng ngay sau khi chỉ trích thủ tướng Ấn Độ vì đưa ra ý kiến khi được tờ The Japan Times phỏng vấn về "chính sách xoa dịu của chính phủ Ấn Độ đối với Trung Quốc".
Hình ảnh vệ tinh cho thấy không có phương tiện nào hôm 9-6 và 79 phương tiện của Trung Quốc hôm 16-6 ở Galwan Ảnh: Planet Labs
Thông qua mạng Twitter hôm 21-6, ông Gandhi cho hay hình ảnh vệ tinh "rõ ràng" mâu thuẫn với Thủ tướng Modi khi nói rằng không có ai xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ và không binh sĩ nào bị bắt giữ tại cuộc họp hôm 19-6 về căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc.
Lãnh đạo quốc hội này trích dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã chiếm phần lãnh thổ Ấn Độ gần hồ Pangong.
Hồ Pangong, cũng ở phía Đông vùng Ladakh, là nơi diễn ra các cuộc giao tranh giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 5 và 6-5, sau đó căng thẳng giữa hai bên leo thang nhanh chóng.
Các cuộc đàm phán quân sự cấp cao đã được tổ chức nhằm xoa dịu tình hình trước khi vụ đụng độ biên giới bạo lực diễn ra đêm 15-6 (giờ địa phương) khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Hình ảnh vệ tinh được kênh NDTV thu được cho thấy lực lượng quân đội Trung Quốc đã di chuyển hơn 200 xe tải, xe 4 bánh, máy ủi và thiết bị đào đất vào khu vực Galwan dẫn đến bạo lực hôm 15-6.
Đến nay, Trung Quốc vẫn không cho biết về số thương vong trong cuộc đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và ít nhất 76 người bị thương. Tuy nhiên, ông V.K.Singh, bộ trưởng phụ trách đường bộ và vận tải Ấn Độ, trả lời phỏng vấn kênh TV News24:
"Nếu phía Ấn Độ có 20 binh sĩ thiệt mạng thì con số này ở phía Trung Quốc ít nhất phải gấp đôi".
Ông V.K.Singh, bộ trưởng phụ trách đường bộ và vận tải Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times
Ông Singh, người từng chỉ huy lục quân Ấn Độ, không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố trên.
Quan chức này nói rằng Trung Quốc không bao giờ chấp nhận thương vong trong chiến tranh, kể cả cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962.
Ông Singh còn cho rằng phía Ấn Độ đã trao trả những binh sĩ Trung Quốc đi lạc trong lãnh thổ Ấn Độ sau cuộc đụng độ.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ Bharat Bhushan Babu từ chối bình luận về cuộc phỏng vấn của ông Singh.