Đụng độ Armenia-Azerbaijan: Nga mài sẵn dao sắc, Iran lộ vai trò bất ngờ, Trung Quốc thì sao?

QS |

Theo Kogonuso, các cuộc tập trận gần đây đã truyền đi thông điệp rõ ràng từ Moscow: Nga đang mài giũa lưỡi dao của mình để sẵn sàng cho mọi tình huống, dù là ở Belarus hay Caucasus.

Xung đột Armenia-Azerbaijan

Các cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát từ sáng 27/9 có vẻ lớn hơn bình thường. Sau những cuộc đụng độ tương tự hồi tháng 7, có thể thấy rõ rằng vùng nam Caucasus [Cáp-ca-dơ] đang trở nên ngày càng quan trọng.

Sau nhiều thập kỷ phần lớn bị quốc tế ngó lơ, Caucasus đã trở lại thành điểm nóng. Theo một bài phân tích đăng trên website của công ty truyền thông Kogonuso (trụ sở tại Wellington, New Zealand), xung đột tại Caucasus có thể gây ra những tác động lớn đến Trung Đông, bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đều có vai trò tiềm tàng ở đó.

Caucasus đã trải qua xung đột sau khi Liên Xô sụp đổ. Một loạt các tranh chấp chưa được giải quyết đã bị đóng băng, sau đó đôi khi chúng nổi lên trong các cuộc chiến mới. Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia là một trong số đó.

Đụng độ Armenia-Azerbaijan: Nga mài sẵn dao sắc, Iran lộ vai trò bất ngờ, Trung Quốc thì sao? - Ảnh 1.

Quân đội Azerbaijan pháo kích vị trí Armenia tại Nagorno-Karabakh hôm 28/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan.

Vùng Nagorno-Karabakh là nguồn cơn căng thẳng giữa hai nước, và căng thẳng này đã âm ỉ kéo dài hàng chục năm qua. Nagorno-Karabakh được công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan sau hiệp định ngừng bắn năm 1994 nhưng nước này gần như không thể thực thi quyền quản lý thực tế với vùng lãnh thổ đó.

Cộng đồng người Armenia thiểu số tại đây đã tổ chức trưng dầu dân ý và thành lập "Cộng hòa Artsak", hay còn gọi là "Cộng hòa Nagorno-Karabakh", có xu hướng ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Tuy nhiên, Azerbaijan không công nhận nhà nước này và luôn muốn thu hồi lãnh thổ.

Nga-Thổ-Iran sẽ không ngồi yên, Trung Quốc thì sao?

Theo Kogonuso, cần nhắc lại rằng, vào năm 2008, tại Caucasus từng diễn ra cuộc giao tranh giữa Gruzia và Nga. Cuộc chiến đã khiến Gruzia bẽ mặt bởi họ đã bị đánh bại sau nỗ lực giành quyền kiểm soát Nam Ossetia – một nước cộng hòa tự xưng hình thành năm 1991. Sự can thiệp của Nga đã khiến Gruzia không thể đặt chân vào Abkhazia và Nam Ossetia.

Nước Nga, khi ấy đang trải qua những cải tổ lớn dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, đã nhanh chóng cho Gruzia thấy ai là kẻ mạnh hơn trong cuộc giao tranh năm 2008. Tương tự, Putin đã có thể chấm dứt các cuộc chiến tranh mà Chechnya đã gây ra cho Nga trong những năm 1990. Moscow cũng dập tắt các cuộc nổi dậy của lực lượng hồi giáo ở bắc Caucasus.

Dấu chấm hết của cuộc chiến năm 2008 đã mang lại một khoảng thời gian tương đối yên bình cho Caucasus. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả những xung đột này đều chưa được giải quyết triệt để. Chúng cũng có liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine năm 2014, trong đó bùng nổ giao tranh giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn.

Hiện nay, Nga thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự để thị uy sức mạnh của mình, cả ở miền nam nước Nga, Caucusus, Baltic và gần Belarus. Trong đó, cuộc tập trận ở Caucusus được tiến hành đầu tháng 9 vừa qua với Trung Quốc, Armenia, Iran và Myanmar.

Theo Kogonuso, thông điệp từ Moscow rất rõ ràng: Nga đang mài giũa lưỡi dao của mình để sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào, dù là vấn đề ở Belarus hay Caucasus.

Nga vẫn chưa can thiệp vào cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan nhưng tình hình căng thẳng có vẻ đang lan rộng ra. Moscow không thể nhìn đồng minh của mình bị đánh bại.

Đụng độ Armenia-Azerbaijan: Nga mài sẵn dao sắc, Iran lộ vai trò bất ngờ, Trung Quốc thì sao? - Ảnh 2.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không can thiệp vào cuộc xung đột biên giới với Azerbaijan. Ảnh: CCBS News

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại ở phía đối lập. Nước này đã can thiệp vào bắc Syria, tiến hành chiến dịch ném bom ở Iraq, và bố trí các căn cứ quân sự trên khắp miền bắc Iraq. Ankara còn đưa lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, và quân nổi dậy Syria tới Libya, đồng thời có nhiều động thái được cho là "mang tính đe dọa" đối với Hy Lạp, cũng như một số quốc gia khác.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn giữ một vai trò nhất định bên cạnh Azerbaijan trong cuộc đụng độ với Armenia.

Trong quá khứ, Nga từng tìm cách tạo ra thất bại cho NATO và phương Tây bằng cách ký thỏa thuận quốc phòng với Ankara. Chẳng hạn như, Moscow đã bán cho Ankara hệ thống tên lửa phòng không S-400, và thực hiện các cuộc tuần tra chung với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, Syria.

Nếu Ankara can dự quá sâu vào cuộc giao tranh với Armenia, Moscow có thể sẽ tìm kiếm một thỏa thuận khác với Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo rằng Nga sẽ trở thành trọng tài cho những gì xảy ra tiếp theo. Moscow có lẽ sẽ chủ trương vừa chia sẻ, vừa đối lập với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng mục tiêu chính của họ vẫn là đánh bật sự can thiệp của các cường quốc phương Tây trước tiên.

Một quốc gia có liên quan khác cần nhắc đến là Iran. Nghe có vẻ bất ngờ nhưng từ lâu, Tehran đã để mắt tới Caucasus cho các hoạt động thương mại, thông tin tình báo và một số khía cạnh khác. Iran hiện đang thúc đẩy một dự án đường sắt mới với Azerbaijan.

Mục tiêu thực sự của Tehran là xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường các biện pháp trừng phạt lên quốc gia này. Iran mong muốn tạo ra một thế giới đa cực hơn để thách thức Mỹ.

Mục tiêu của Tehran ở đây có thể liên quan đến cả Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Iran và Thổ có quan hệ tương đối nồng ấm. Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia không nằm trong lợi ích của Iran, do đó, nước này hẳn không muốn tình hình lan rộng hơn.

Điều đó đồng nghĩa cuộc xung đột tiềm năng ở Nagorna-Karabakh, hay một cuộc xung đột quy mô lớn hơn với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sẽ gây ra ảnh hưởng lớn cho mối quan hệ giữa Nga-Iran-Thổ.

Kogonuso cho rằng, Trung Quốc có lẽ cũng sẽ dõi theo cuộc xung đột này vì Sáng kiến Vành đai, Con đường. Trong khi đó, Mỹ dường như không còn quan tâm đến việc thiết lập các thỏa thuận hòa bình và ngừng giao tranh như trong những năm 1990.

Liên minh châu Âu (EU) thì không còn đóng một vai trò nhiều ý nghĩa, và hơn hết, các quốc gia trong khu vực đều thấy rằng phần lớn các nước châu Âu chỉ bàn luận, rồi đưa ra tuyên bố, chứ không mấy khi hành động.

Trong bối cảnh đó, Moscow, Tehran, Ankara và một số quốc gia khác sẽ chính là những phía đóng vai trò thức đẩy hoặc ngăn chặn các cuộc giao tranh ở Caucasus.

Ngoài yếu tố chính trị, xung đột tại Caucasus còn là môi trường để các bên thử nghiệm vũ khí.

Giới quan sát đang dõi theo xem liệu việc Azerbaijan quyết định đầu tư mạnh vào máy bay không người lái (UAV) có giúp họ chiến thắng trong cuộc đụng độ hay không. UAV giúp giảm thương vong cho kíp vận hành nhưng chúng chưa bao giờ được sử dụng thành công về mặt chiến thuật để có thể giành chiến thắng trong một trận chiến lớn.

Trong khi đó, Nga đã triển khai Pantsir và các hệ thống phòng không khác tại Syria, đồng thời cung cấp một số hệ thống cho Libya. Họ chắc hẳn muốn biết những hệ thống này có khả năng hoạt động như thế nào trong thực tế và Caucasus có thể trở thành một "phòng thí nghiệm" mới.

Cuối cùng, cuộc xung đột có thể gây chia rẽ cho Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc các nhóm cực tả người Kurd đã gửi "các phần tử khủng bố" tới hỗ trợ Armenia.

Dường như đây là sản phẩm tưởng tượng của Ankara nhưng họ đã từng sử dụng các tuyên bố tương tự trong quá khứ để sau đó tuyển mộ phiến quân Syria ra nước ngoài chiến đấu.

Theo Kogonuso, Ankara có thể sẽ muốn đưa các tay súng người Syria tới tham chiến tại Armenia để đánh lạc hướng nước này.

Hiện vẫn chưa rõ liệu xung đột giữa Armenia và Azerbaijan có phát triển hay không và điều đó liệu có mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm nhiều cớ để can thiệp vào Syria, Iraq và những nơi khác hay không.

Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn muốn can dự và điều họ mong muốn, không gì khác, là đặt thêm nhiều dấu chân tại Caucasus. Iran và Nga có thể sẽ muốn ngăn chặn điều đó. Thái cực đối lập này dường như càng cho thấy rõ các cường quốc khu vực đang có sự đánh cược khác nhau như thế nào vào Caucasus.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại