Đụng độ Ấn - Trung: Ấn Độ hướng về "Bộ tứ kim cương"

Cao Lực |

New Delhi được cho là đang đối mặt sức ép lớn trong việc trả đũa Bắc Kinh sau vụ đụng độ Ấn - Trung tại khu vực biên giới tranh chấp

Giữa lúc quan hệ song phương căng thẳng chưa từng có vì xung đột đẫm máu tại khu vực biên giới tranh chấp, Ấn Độ và Trung Quốc hôm 18-6 bắt đầu vòng đàm phán quân sự cấp cao mới để xoa dịu căng thẳng sau khi cuộc đàm phán một ngày trước đó không đạt được kết quả.

Đài NDTV dẫn nhiều nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết cuộc đàm phán mới nói trên nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc đụng độ giữa binh sĩ hai nước tại thung lũng Galwan, phía Đông khu vực Ladakh, hôm 15-6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Mặc dù Trung Quốc không công bố thương vong, nhiều nguồn tin quân sự khẳng định khoảng 45 binh sĩ nước này thiệt mạng hoặc bị thương.

Trong cuộc điện đàm hôm 17-6 với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar khẳng định đụng độ xảy ra do "hành động đã được lên kế hoạch và tính toán trước" của binh sĩ Trung Quốc.

Cùng ngày, sau khi Bắc Kinh tái khẳng định họ có chủ quyền tại thung lũng Galwan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nhắc lại cam kết giải quyết tình hình "có trách nhiệm" của 2 phía, đồng thời nhấn mạnh việc đưa ra những tuyên bố "phóng đại và không có cơ sở" đi ngược với cam kết này.

Theo ông Jingdong Yuan, một chuyên gia về chính sách quốc phòng và ngoại giao Trung Quốc của Trường ĐH Sydney (Úc), New Delhi đang đối mặt sức ép lớn trong việc trả đũa Bắc Kinh sau vụ đụng độ trên, nhất là sau khi Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố sự hy sinh của các binh sĩ sẽ không vô ích và Ấn Độ sẽ đáp trả thỏa đáng những hành động khiêu khích.

Theo ông Yuan, ngay cả khi khả năng xảy ra chiến tranh không cao, vẫn cần hạ nhiệt đụng độ Ấn - Trung nếu không muốn đối đầu leo thang thành xung đột quân sự quy mô lớn.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác khẳng định quan hệ giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân này luôn phức tạp và xung đột nêu trên có thể là "giọt nước tràn ly", đẩy New Delhi thêm xa Bắc Kinh và đến gần hơn với các quốc gia đối đầu truyền thống của Bắc Kinh, như Mỹ và Nhật Bản.

Ấn Độ sẽ cần những đồng minh này hơn bao giờ hết nếu muốn chống lại điều mà nhiều người dân ở nước này xem là hành vi hung hăng của Trung Quốc.

Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) hôm 17-6 cho rằng New Delhi cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Mỹ, biến "Bộ tứ kim cương" gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ…thành một thỏa thuận bền vững hơn và gia nhập bất cứ tổ chức nào tìm cách kiểm soát quyền lực của Trung Quốc.

Theo chuyên gia James Griffiths của đài CNN, Ấn Độ lâu nay vẫn ngại đến quá gần Mỹ và luôn tìm cách cân bằng giữa quan hệ với Washington và quan hệ với Bắc Kinh, nhất là về kinh tế.

Dù vậy, trước sức ép gia tăng liên quan đến tranh chấp biên giới với Trung Quốc, giờ có thể là thời điểm hoàn hảo để Ấn Độ xoay trục quan hệ, đặc biệt là khi Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang có mối quan hệ cá nhân thân thiết.

Ở chiều hướng ngược lại, theo chuyên gia phân tích ngoại giao người Ấn Độ Amrita Jash, việc New Delhi tham gia sâu rộng hơn vào "Bộ tứ kim cương" và những liên minh quân sự khác của Mỹ cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại