Vào mùa hè hay những ngày nắng nóng cao điểm, điều hoà là thiết bị được các gia đình sử dụng với tần suất cao nhằm phục vụ nhu cầu làm mát của các thành viên trong gia đình. Quen thuộc và sử dụng nhiều là vậy tuy nhiên có vài thao tác với điều hoà vẫn thường bị người dùng "ngó lơ", bỏ quên. Dưới đây là một ví dụ.
Các chuyên gia cho biết, người dùng nên duy trì định kỳ công việc này để điều hoà hoạt động được hiệu quả, tiết kiệm lại thân thiện với sức khoẻ. Công việc đang được nhắc tới chính là vệ sinh tấm lưới lọc của điều hoà.
Tấm lưới lọc là bộ phận thường được lắp đặt ngay trước dàn lạnh điều hoà. Chức năng của nó là để lọc bụi thô, bụi lớn, bụi nhỏ, từ đó cho ra không gian căn phòng luồng khí vừa mát, vừa trong lành. Tuy nhiên cũng bởi cơ chế hoạt động nên sau một thời gian nhất định, tấm lưới lọc này sẽ không còn được sạch sẽ như ban đầu.
Bề mặt lưới sẽ bị bám phải nhiều bụi bẩn, từ đó ảnh hưởng đến luồng khí mát. Khí sẽ không còn sạch, trong lành nữa, điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ hay người có bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, tấm lưới lọc bẩn cũng khiến điều hoà hoạt động kém hiệu quả, gây tốn nhiều điện năng hơn so với thông thường.
Chính vì vậy tốt hơn hết, định kỳ gia đình nên tiến hành vệ sinh tấm lưới lọc của điều hoà. Công việc này có thể thực hiện tại nhà theo các bước đơn giản.
Các bước vệ sinh tấm lưới lọc điều hoà
Bước 1: Người dùng ngắt hoàn toàn nguồn điện vào điều hoà bằng cách rút điện hoặc tắt aptomat. Việc làm này giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dùng trong quá trình vệ sinh thiết bị.
Bước 2: Tháo rời tấm lưới lọc ở khu vực trước dàn lạnh ra. Nên thực hiện tháo từ từ để đảm bảo bộ phận không bị gãy, móp hay hư hỏng.
Bước 3: Đem tấm lưới lọc điều hoà đi rửa với nước sạch. Có thể dùng bàn chải cọ rửa nhẹ nhàng cùng chất tẩy rửa hay xà phòng. Tuy nhiên người dùng chỉ nên sử dụng các loại chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không có mùi hoá học.
Bước 4: Đảm bảo tấm lưới lọc đã được rửa sạch bụi bẩn, đặc biệt là ở khu vực các mắt lưới hay khe kẽ. Lúc này, người dùng đem tấm lưới lọc để ở nơi thoáng mát, khô ráo để tấm lưới được ráo nước hoàn toàn. Cũng có thể sử dụng ngăn mềm, khô, thấm qua 2 mặt của lưới lọc để bộ phận này được làm sạch tối ưu.
Bước 5: Cuối cùng, khi tấm lưới lọc đã khô, sạch hoàn toàn, đem lắp lại vào vị trí ban đầu.
Tranh thủ thời gian đợi tấm lưới lọc khô, người dùng cũng có thể dùng khăn vải mềm, ẩm, sạch, lau qua bề mặt dàn lạnh hay các bộ phận xung quanh.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, tuỳ vào tần suất sử dụng điều hoà mà gia đình nên duy trì thói quen vệ sinh tấm lưới lọc điều hoà định kỳ. Ví dụ với gia đình sử dụng thường xuyên, nhiều, trung bình ngày nào cũng sử dụng, tốt nhất nên vệ sinh 1 tháng/lần. Còn với những gia đình sử dụng ít hơn như chỉ bật vào buổi đêm khi đi ngủ hay chỉ bật vào những ngày cao điểm nắng nóng, có thể kéo dài chu kỳ vệ sinh, lên 2-4 tháng/lần.
Khi thấy điều hoà nhà mình vẫn được bật nhưng khí lạnh toả ra không đều, hoặc không được mát như thông thường, đây cũng có thể là dấu hiệu báo cho người dùng biết đã đến lúc cần vệ sinh tấm lưới lọc.
Bên cạnh tấm lưới lọc nói riêng hay khu vực dàn lạnh điều hoà nói chung, cục nóng điều hoà cũng là một bộ phận quan trọng cần được vệ sinh định kỳ. Do đặc thù được lắp đặt ngoài trời, cục nóng sau thời gian dài sẽ không tránh khỏi tình trạng bám nhiều bụi bẩn hay thậm chí là có các vật thể lạ như các loại rác lớn hay thậm chí là côn trùng bên trong.
Nếu gia đình có một vòi nước với áp lực nước mạnh, có thể tiến hành tự phun nước để vệ sinh tại nhà. Tuy nhiên, cách tốt, đem lại hiệu quả và an toàn nhất đó là nhờ tới sự giúp đỡ của các đơn vị thợ sửa chữa, vệ sinh điều hoà chuyên nghiệp.
Cũng bởi cơ chế hoạt động, cục nóng điều hoà thường được lắp đặt ở những vị trí trên cao hoặc khó tiếp cận, những người thợ chuyên nghiệp sẽ có các công cụ chuyên dụng để thực hiện tốt công việc kiểm tra và vệ sinh bộ phận này. Các gia đình nên tiến hành vệ sinh cục nóng điều hoà khoảng 4-6/tháng lần, tuỳ theo tần suất sử dụng và điều kiện môi trường.