Nâng cao nhận thức về ung thư cổ tử cung
Ít ai biết rằng ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư phụ khoa phổ biến thứ hai ở phụ nữ, với 95% trường hợp có liên quan đến vi rút gây u nhú ở người HPV (Human Papilloma Virus).
Mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 2.500-2.700 phụ nữ tử vong do căn bệnh này (số liệu trong bảng kế hoạch Dự phòng và Kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế).
Một kết quả thăm dò đăng tải tháng 6/2017 trên Jounal of Infection and Public Health bằng cách sử dụng một bảng câu hỏi có khoảng 34 câu được các chuyên gia Đại học Utah, Đại học Y khoa Texas, Đại học Quốc gia TP.HCM gửi đến 932 sinh viên Việt Nam và Mỹ vào tháng 10/2016 đã cho thấy 495 sinh viên Việt Nam trả lời ít câu hỏi đúng về bệnh HPV hơn 437 sinh viên Mỹ.
Điều đó cho thấy, không chỉ trang bị ít kiến thức về vi rút HPV, nữ sinh Việt Nam vẫn còn khá chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2012, trên thế giới mỗi năm có khoảng 445.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới, trong đó khoảng 270.000 phụ nữ tử vong do căn bệnh này.
Riêng ở Mỹ, mỗi năm vẫn có gần 13.000 ca mắc mới và 4.000 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung dù đã có vắc xin phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Do đó, để nâng cao nhận thức về việc phòng ngừa căn bệnh này, chính phủ Hoa Kỳ đã chọn tháng 1 là tháng nâng cao nhận thức về ung thư cổ tử cung.
Theo đó, nhiều hoạt động tuyên truyền đã được Hiệp hội Y tế Tình dục (ASHA) và Hiệp hội Ung thư cổ tử cung Hoa Kỳ tổ chức hàng năm nhằm giúp phụ nữ hiểu hơn về mức độ nguy hiểm và cách phòng chống căn bệnh này hiệu quả nhất.
Ung thử cổ tử cung - Nguy hiểm nhưng dễ phòng ngừa
Không chỉ trên thế giới, ung thư cổ tử cung đang đe dọa tính mạng của nhiều phụ nữ Việt Nam. Bệnh không có triệu chứng điển hình, ngay cả giai đoạn tiền ung thư và rất khó nhận biết.
Tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV là biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung đơn giản và hiệu quả nhất (Ảnh minh họa)
Hiện chưa có thuốc đặc trị khi đã nhiễm vi rút HPV, do đó, cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV - vốn đóng góp 99,7 % nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung.
Báo cáo mới nhất được cập nhật vào tháng 6/2017 của Tổ chức Ý tế Thế giới (WHO) đã cho thấy tín hiệu tích cực khi các quốc gia đưa vắc xin phòng HPV vào chương trình tiêm chủng đã ghi nhận giảm một nửa tỷ lệ mắc tổn thương tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ so với thời điểm chưa có vắc xin sau gần 1 thập niên triển khai.
Ngược lại, tỷ lệ tử vong do bệnh này ở Nhật Bản, nơi việc tiêm vắc xin ngừa HPV ngừng được khuyến cáo đã lên 5,9% từ 2005-2015.
Tại Việt Nam, 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm vi rút HPV ít nhất 1 lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất khoảng 20-25% xảy ra ở độ tuổi 20-30 (theo kế hoạch dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung từ 2016-2025 của Bộ Y tế).
Điều lo ngại là nhiễm HPV lại có liên quan chặt chẽ đến mắc ung thư cổ tử cung sau này. Do đó, việc tiêm vắc xin ngừa HPV luôn được nhiều chuyên gia y tế khuyến khích. Các bằng chứng lâm sàng cho thấy, vắc xin ngừa HPV có thể giảm tới 90% các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung.
Độ tuổi tiêm vắc xin là 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, bất kể có quan hệ tình dục hay chưa. Tuy nhiên, thuốc đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên.
Do vắc xin không ngừa được tất cả các chủng HPV nên dù đã tiêm ngừa, phụ nữ vẫn cần phải tầm soát định kỳ ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm PAP. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống đến 5 năm chỉ đạt khoảng 16%.
Đối với người phụ nữ, việc làm mẹ là một điều ý nghĩa và thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Do đó, đừng để một phút lơ là với sức khỏe sinh sản bản thân mà đánh mất điều quý giá ấy. Bằng việc chủ động tiêm vắc xin ngừa HPV, bạn đã có thể làm chủ tương lai.