Đừng để bệnh lành tính thành ung thư dạ dày

NGỌC DUNG |

Bệnh lý u mô đệm đường tiêu hóa (GIST) thường gặp ở người trẻ tuổi, là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không tầm soát và xử lý sớm, bệnh sẽ tiến triển thành ung thư

Ông N.V.N (47 tuổi, ngụ Hà Nội) bị viêm dạ dày nhiều năm nhưng điều trị không thường xuyên và cũng không đi khám. Sáu tháng trước, ông thấy đau tức vùng thượng vị, đầy bụng, ăn uống kém. Ông N. tự mua thuốc về uống nhưng không bớt, dạ dày vẫn đau, khi sờ thấy khối ở vùng thượng vị ông mới đến Bệnh viện Bạch Mai khám.

Viêm dạ dày nhiều năm tiến triển thành u ác tính

Tại Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy của Bệnh viện Bạch Mai, sau khi soi dạ dày, làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán "u mô đệm dạ dày ruột" (GIST dạ dày). Khối u lớn, ở giai đoạn muộn nên đã xâm lấn vào thân đuôi tụy. Bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, cắt cả khối gồm toàn bộ dạ dày, thân đuôi tụy và lách. Theo bác sĩ điều trị, đây là ca mổ phức tạp, dù phẫu thuật thành công nhưng bệnh có nguy cơ tái phát hoặc di căn dạ dày.

Một bệnh nhân khác là ông N.Q.T (62 tuổi, ngụ tỉnh Sơn La) có tiền sử viêm dạ dày hơn 10 năm, điều trị không thường xuyên. Khoảng 4 năm nay, ông T. thấy đau tức âm ỉ ở vùng thượng vị. Nghĩ mình vẫn bị viêm dạ dày nên ông tự mua thuốc uống. Sau khi sử dụng thuốc, triệu chứng có chút thuyên giảm nhưng không khỏi.

Một năm sau, ông T. thấy bụng to lên nhưng nghĩ rằng béo bụng do tích mỡ. Gần đây, ông T. có cảm giác đầy bụng, khó chịu sau khi ăn, sờ bụng có khối cứng kể cả lúc đói nên đi khám.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ xác định bệnh nhân bị GIST dạ dày và chỉ định phẫu thuật bóc tách khối u. Sau 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt được khối u khổng lồ đường kính hơn 30 cm, nặng 5 kg cùng gần như toàn bộ dạ dày của bệnh nhân.

Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cũng tiếp nhận nam bệnh nhân 72 tuổi, bị đau tức hạ sườn trái khoảng 1 tháng trước khi nhập viện. Tình trạng đau tăng khi nằm nghiêng kèm ợ hơi chua, sụt cân. Bệnh nhân được chụp CT ổ bụng phát hiện khối u bất thường kích thước 12 x 9 cm. Bệnh nhân được chẩn đoán GIST dạ dày xâm lấn tụy - lách và phải phẫu thuật mổ cắt u.

Đừng để bệnh lành tính thành ung thư dạ dày - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị khối u dạ dày được điều trị ở Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: MẠC THẢO

Người có nguy cơ nên tầm soát sớm

Theo PGS-TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), u mô đệm đường tiêu hóa chiếm tỉ lệ 1%-3% các u ác tính của dạ dày. Vị trí u hay gặp nhất là dạ dày, sau đó là ruột non và đại trực tràng. Bệnh thường xuất phát từ niêm mạc dạ dày hoặc ruột và có xu hướng phát triển ra ngoài ống tiêu hóa.

Giới chuyên môn cho biết bệnh xuất hiện với các u nhỏ. Người bệnh thường gặp các triệu chứng như đau bụng, xuất huyết tiêu hóa nhưng cũng có thể không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe hoặc phẫu thuật các bệnh khác. Với khối u kích thước lớn có thể gây ra các triệu chứng như đầy bụng, đau bụng thượng vị, sờ thấy u bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, thiếu máu, sụt cân... Bệnh phát triển ác tính có thể xâm lấn di căn trong ổ bụng, gan... đe dọa đến tính mạng.

Thống kê cho thấy GIST đường tiêu hóa thường gặp ở người trẻ tuổi và ở dạ dày nhưng một số ít trường hợp u có thể ở ruột hoặc thực quản. Giới chuyên môn lưu ý bệnh GIST dạ dày có nguy cơ tăng dần theo kích thước khối u. Với u nhỏ dưới 2 cm có nguy cơ thấp, u kích thước từ 2 - 5 cm có nguy cơ trung bình và u kích thước trên 5 cm có nguy cơ tiến triển ác tính cao. "Phát hiện u càng sớm khi kích thước u còn nhỏ sẽ giúp cho bệnh nhân có cơ hội điều trị ít xâm lấn và triệt để, không cần cắt đoạn dạ dày, nhiều trường hợp không cần điều trị hóa chất bổ trợ sau mổ" - bác sĩ Phương lưu ý.

PGS-TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K trung ương, cho biết với các bệnh ung thư đường tiêu hóa như: dạ dày, đại trực tràng, thực quản thì việc phát hiện ở giai đoạn sớm luôn có vai trò quyết định hiệu quả điều trị. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đi khám tiêu hóa khi có dấu hiệu bất thường như: chán ăn, đầy bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đại tiện phân nhỏ dẹt, phân máu, táo bón hoặc tiêu chảy... Tầm soát ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng) định kỳ ngay cả khi cơ thể không xuất hiện các dấu hiệu nói trên.

Đặc biệt, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao như người trên 45 tuổi; người có lối sống ăn uống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia; người viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn... cần tầm soát bệnh thường xuyên hơn.

Khám định kỳ 6 tháng/lần

Thống kê của GLOBOCAN cho biết ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây là loại ung thư đứng hàng thứ tư ở nước ta với hơn 17.900 người được chẩn đoán và hơn 14.600 người tử vong. Tuy nhiên, tỉ lệ phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm chưa cao.

Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân cảm thấy đau vùng thượng vị một cách mơ hồ, đau có thể lan ra sau lưng kèm theo cảm giác nóng rát, mệt mỏi, chán ăn. Hiện phương pháp sàng lọc vẫn là nội soi dạ dày. Người dân nên đi thăm khám sớm khi có dấu hiệu bất thường, khám định kỳ 6 tháng/lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại