"Chúng tôi luôn ghi lòng tạc dạ rằng: Trái Đất không thuộc về con người, con người mới thuộc về Trái Đất. Vạn vật kết nối tất yếu với nhau trong cùng một khối tựa dòng máu nóng chảy trong huyết quản mang đến cho ta nhịp thở. Con người không kiến tạo nên chiếc tổ sống này, con người chỉ là sợi tơ trong đó mà thôi. Một khi chúng ta gây tác động xấu lên chiếc tổ ấy, chúng ta sẽ phải nhận lại trái đắng..."
Trích: Bức thư của thủ lĩnh da đỏ Noah Seattle gửi Tổng thống Mỹ Franklin Pierce năm 1852.
♦♦♦
Những ngày cuối tháng 8/2019, thế giới mới biết đến hiện thực cay nghiệt mà rừng Amazon - "Kho báu" tự nhiên lớn nhất của Trái Đất - đang từng giây, từng giờ bị hủy hoại trong biển lửa hung tàn, vô tình.
Khoan nói về nguyên nhân đằng sau thảm họa địa cầu ấy; Tạm lắng lại việc truy tìm "thủ phạm" khiến những vạt rừng nguyên sinh vốn dĩ đậm màu xanh của sự sống nay héo úa chỉ còn tàn tro ấy lại... Thứ mà chúng ta đang chứng kiến còn mất mát và đau đớn hơn gấp vạn lần.
Amazon đang khóc!
Khu rừng xanh mướt - Ngôi nhà của hàng triệu sinh vật; tổ ấm của hàng trăm bộ tộc người bản địa - đang khóc!
Cách đây gần 400 triệu năm, những cánh rừng nguyên sinh đầu tiên trên Trái Đất xuất hiện, mang đến cho bầu khí quyển những nguồn dưỡng khí đầy sức sống. Đắng cay thay, con người mới chỉ xuất hiện cách đây chưa đầy 300.000 năm nhưng những gì mà chúng ta 'đối xử' với Mẹ Thiên Nhiên thật tồi tệ.
Chỉ riêng Amazon, trong 50 năm qua, 17% diện tích của khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, trải rộng qua 9 quốc gia Nam Mỹ đã vĩnh viễn biến mất.
Và cũng chỉ riêng trong hơn nửa đầu năm 2019, Amazon đã phải chịu hơn 40.000 trận cháy. Điều này có nghĩa là gì? Cứ mỗi một phút qua đi, một phần sự sống của cánh rừng nguyên sinh ấy (rộng 1,5 lần sân bóng đá) lại bị lửa nóng thiêu đốt.
Photo: U.S. Forest Service
Đúng vậy! Sẽ chẳng có ngòi bút nào hay bài diễn văn nào đủ sức diễn tả hết nỗi đau mà Amazon và những sinh mệnh gắn liền mạch máu với rừng già ấy đang phải oằn mình chịu đựng lúc này. Thảm họa tự nhiên, dù là khách quan hay có bàn tay của con người, cũng đều tàn khốc, cùng cực như nhau.
Không chỉ có đại dương gào thét (vì rác thải nhựa ngập tràn khắp nơi), giờ đây cánh rừng nguyên sinh Amazon cũng đang gào thét! Có chuyện gì đang xảy ra với Trái Đất trong một thế giới văn minh công nghệ tiến bộ vượt bậc ấy vậy?
"Điều gì sẽ xảy ra khi từng đàn trâu cứ thế bị tàn sát? Từng đàn ngựa hoang kiêu hãnh bị thuần hóa? Điều gì sẽ xảy ra khi những góc rừng vốn yên ắng bỗng nặng mùi con người? Hay những gò đồi chín vàng thơ mộng lại bị vấy bẩn bởi đường dây vô tuyến? Những cánh rừng sẽ ra sao? Biến mất! Cánh chim đại bàng sẽ bay về đâu? Biến mất! Tất cả rồi sẽ biến mất!"
Những lời cảnh tỉnh từ thủ lĩnh bộ tộc da đỏ Noah Seattle (1786-1866) cách đây hơn 160 năm vẫn văng vẳng đâu đây. Bài học "Con Người không thể tách rời Thiên Nhiên" dường như luôn đúng ở mọi thời đại, mọi giai đoạn lịch sử.
Một khi đi ngược lại lại quy luật ấy, trái đắng sẽ có cơ hội nảy lộc đâm chồi. Đi ngược quy luật ấy phải chăng chính là sự kết thúc của hành trình “sống”, nhưng lại là khởi nguồn của chuỗi ngày tháng “sinh tồn” khốn khổ?
Hỡi con người... đến khi nào ta mới thấm được bài học xương máu này?
Một lần nữa, hãy cùng hiểu về hiện thực nghiệt ngã về thảm họa địa cầu này để ít nhất một lần thấu cảm nỗi đau mà Amazon đang phải chịu đựng.
Rừng Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, bao phủ một vùng diện tích rộng 5,5 triệu km2, trải rộng khắp 9 quốc gia Nam Mỹ: Brazil, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và Guiana thuộc Pháp. Rừng Amazon phân bố chủ yếu tại Brazil (chiếm tới 60% tổng diện tích).
Hiện tại, nhiều phần rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil đang cháy. Khắp miền bắc bang Roraima trải rộng xuống các bang Amazonas, Acre, Rondonia và Mato Grosso do Sul đều chịu những hậu quả nặng nề từ những vụ cháy rừng Amazon.
Hình ảnh từ vệ tinh của Copernicus EU. Nguồn: Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO)
Nhìn từ vệ tinh, vệt cháy khổng lồ dài hàng nghìn km này như xé toạc Brazil và Nam Mỹ thành hai nửa rõ ràng.
Đầu tháng 9/2019, Viện nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) công bố số liệu lấy từ vệ tinh cho thấy, có khoảng 2.000 vụ hỏa hoạn mới tiếp tục bùng phát tại khu vực rừng rậm Amazon. Cho đến tận bây giờ, rừng già Amazon vẫn ngùn ngụt cháy trong biển lửa.
INPE cũng cung cấp số liệu về các vụ cháy xảy ra tại Brazil. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, nước này hứng chịu khoảng 88.816 vụ hỏa hoạn (tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2018). Hơn một nửa trong số đó diễn ra tại rừng Amazon (khoảng hơn 44.000 vụ, chiếm 51,9%).
Chỉ riêng ngày 15/8/2019, rừng Amazon tại Brazil xảy ra 9.500 vụ cháy mới, INPE đưa ra các con số khổng lồ, đáng báo động.
Vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 26/8 chỉ ra: Các trận cháy rừng tại Amazon năm 2019 đang diễn ra với số lượng và cường độ mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây. Riêng bang Amazonas của Brazil cũng đang phải chịu những trận cháy kỷ lục trong năm 2019.
Rừng Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất hành tinh. Cánh rừng này hoạt động như một "bể chứa" khí CO2 khổng lồ cho Trái Đất. Hiện nó đang lưu trữ lượng khí thải CO2 ước tính bằng lượng khí thải cacbonic do con người thải ra trong 100 năm. Do đó, rừng Amazon đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu.
"Amazon là nền tảng ổn định khí hậu quan trọng nhất mà Trái Đất đang có. Nói một cách đơn giản, bảo tồn rừng là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đối với quốc gia sở hữu và thế giới" - Christian Poirier, Giám đốc Chương trình phi lợi nhuận Amazon Watch (tại Brazil) nhận định.
Nhưng chỉ trong nửa thế kỷ qua, gần 20% rừng trên thế giới đã vĩnh viễn biến mất. Các nhà khoa học cảnh báo,
nếu cây rừng ở Amazon biến mất khoảng 25 đến 40% thì Amazon sẽ vượt ngưỡng giới hạn (vượt qua "điểm bùng phát") và bắt đầu lâm vào quá trình tự hủy hoại mình và dẫn đến sự tự tàn phá rừng chỉ trong vài thập kỷ.Photo: USA Online News
Nếu cháy rừng là thảm họa nguy hiểm thì việc Amazon tự hủy hoại chính mình, từ cánh rừng bạt ngàn xanh mướt chỉ còn lại bình nguyên đầy cằn sỏi đá, thì đó mới chính là thảm họa nguy hiểm thực sự cho con người!
Hậu quả của thảm họa này là quá sức tưởng tượng của nhiều người. Đơn giản thôi, tương lai của nền văn minh loài người phụ thuộc vào tính toàn vẹn của nền tảng (rừng) này.
Có hai nguyên nhân được cho là gây nên các vụ cháy rừng Amazon năm 2019:
Thứ nhất, nguyên nhân khách quan: Brazil đang trải qua mùa khô khắc nghiệt, hỏa hoạn là chuyện buộc phải chấp nhận ở khu rừng này.
Thứ hai, nguyên nhân chủ quan: Theo các chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ về môi trường thì, những vụ cháy rừng nghiêm trọng tại Brazil xảy ra là do nông dân đốt rừng để trồng cây lương thực; cũng như chặt phá rừng để lấy gỗ.
Viện nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) cũng loại trừ nguyên nhân khách quan (hiện tượng tự nhiên) chịu trách nhiệm cho sự gia tăng các vụ cháy rừng Amazon tại Brazil năm 2019.
Rừng già Amazon là nơi sinh sống nguyên sinh của người bản địa tính đến nay đã được 11.000 năm. 11 thiên kỷ đã qua đi, Amazon vẫn là nhà của hơn 30 triệu con người sinh sống chan hòa với cỏ cây, rừng thiêng.
Tổ chức Survival International cho biết, có khoảng 1 triệu người bản địa (chia thành 400 bộ tộc) sống cả đời gắn liền với rừng già Amazon. Họ là những người coi những dòng suối nhỏ là mạch máu, xem những tán rừng xanh mướt là nơi trú ẩn hiền hòa mà tổ tiên, cha mẹ và bản thân họ gắn bó ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời.
Photo: Pixabay.com
Không chỉ nuôi dưỡng con người, Amazon còn là nơi hàng triệu sinh vật sinh sống, rất nhiều trong số đó là loài đặc chủng, chỉ Amazon mới có.
Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) cho biết có 2,5 triệu côn trùng, 3000 loài cá, 1.300 loài chim, 430 loài động vật có vú cùng 40.000 loài thực vật hiện đang sống tại đây.
Nhưng rừng Amazon đang cháy. Con người và hàng nghìn sinh mệnh còn lại sẽ đi đâu? Về đâu?
#PrayForAmazonia, #PrayForAmazon (tạm dịch: Hướng về Amazon) là những dòng hashtag xuất hiện rất nhiều trong các dòng trạng thái (status) trên mạng xã hội Twitter toàn cầu.
Từ khi biết đến thảm họa nghìn độ mà Amazon đang hứng chịu, cộng đồng quốc tế dành rất nhiều quan tâm và hành động thiết thực cho Amazon.
Ngày 26/8/2019, các nước thuộc nhóm G7 (7 nước kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới) đã đồng thuận góp 20 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực chống lại các đám cháy nhằm bảo vệ rừng Amazon. Riêng Canada và Anh cam kết hỗ trợ thêm tổng 21 triệu USD, The Guardian (Anh) thông tin.
Số tiền quyên góp này có được sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Chile Sebastian Pinera (người được mời tham dự Hội nghị G7) ra lời kêu gọi cứu lấy rừng Amazon trước khi quá muộn.
Tổ chức phi lợi nhuận Earth Alliance do nam tài tử Leonardo DiCaprio đồng sáng lập cũng chung tay góp khẩn cấp số tiền 5 triệu USD ban đầu để "cộng đồng người bản xứ và các tổ chức địa phương có thể tiếp tục bảo vệ sự đa dạng sinh thái của rừng Amazon".
Viết trên Twitter ngày 26/8, CEO của Apple Tim Cook cũng cảm thấy xót xa trước cảnh rừng Amazon bị đám cháy phá hủy. Ông cũng ngỏ ý Apple nhất định sẽ quyên góp để khôi phục và bảo vệ sự đa dạng của Amazon.
"Chúng ta không được phép để mình rơi vào tuyệt vọng. Điều chúng ta phải làm ngay bây giờ là hành động. Hành động để cứu lấy Amazon. Chúng ta phải có trách nhiệm với chính mình, với các thế hệ tương lai và với những sinh vật sống khác trên hành tinh này!" - Christian Poirier, Giám đốc Chương trình phi lợi nhuận Amazon Watch (tại Brazil) khẳng định.
“Rồi các ông có dạy lũ trẻ của mình (điều mà chúng tôi đã dạy những đứa trẻ của mình) rằng Trái Đất là Mẹ thiêng liêng? Và điều gì xảy đến với Trái Đất, sớm muộn cũng sẽ xảy đến với con người hay không?" - Đâu đây vẫn văng vẳng những tâm tư xúc động của vị thủ lĩnh da đỏ thời của cách đây gần 2 thế kỷ...
Bài viết sử dụng nguồn: The Guardian, Al Jazeera, Sciencealert
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.