Trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin chữa ung thư tủy xương, ung thư máu bằng việc uống một lít nước mía vắt chanh. Theo đó nguyên văn bài đăng trên facebook của chủ tài khoản có tên T.Đ.C. nói rằng: “Ung thư máu, ung thư tủy xương, uống viên thuốc đặc trị cả chục ngàn đô la không ăn thua. Mỗi ngày uống 1 lít nước mía vắt chanh, nạp béo lipid và đạm protein, lăn cho ra mồ hôi là khỏi ghép tủy”.
Trong phần bài đăng của mình, T.Đ.C còn để lại hướng dẫn cụ thể về cách pha chế “thuốc” để chữa bệnh ung thư. Tài khoản này cho biết nếu không có nước mía thì có thể dùng đường mía thô thay thế.
"Không có nước mía thì pha 30- 80 thìa cà phê đường mía thô vào nước vắt chanh uống như nước giải khát. Uống hết trong ngày. Nhớ là không được lười. Phải tập thể dục, phải lăn như em bé cho máu trải đều ra là khỏi bệnh thôi", T.Đ.C. viết.
Bài đăng này đã thu hút hơn hàng ngàn lượt thích và rất nhiều người để lại bình luận xem đây là phương pháp hữu ích sẽ áp dụng làm theo.
Trước thông tin này, PGS.TS. BS Lê Đình Roanh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát hiện sớm ung thư cho biết hiện nay có vô vàn thông tin về các cách chữa ung thư chưa được nghiên cứu lan truyền khắp cõi mạng, như việc ăn kiêng, thực dưỡng…
Theo PGS.TS. BS Lê Đình Roanh, về điều trị ung thư cần phải theo y học hiện đại, điều trị theo thuốc và cập nhật phác đồ điều trị của tổ chức ung thư quốc tế đưa ra.
“Khi xác định đúng ung thư máu, ung thư tủy xương, các bác sĩ chuyên môn sẽ phân loại ra các thể bệnh và tùy từng loại sẽ điều trị theo phác đồ của quốc tế như hóa chất, ghép tủy…”, ông Roanh nói.
Dưới góc độ Đông y, bà Bùi Thị Phương Hoa, Hội đông y Hà Nội cho biết, cho đến giờ phút này mọi phương thuốc cho một số bệnh nan y chưa được công bố một cách chính thống.
“Đến nay chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh nước chanh hay các sản phẩm từ chanh có thể diệt được tế bào ung thư. Do đó tôi khuyên mọi người không nên áp dụng”, bà Hoa nói.
Cũng theo bà Hoa nếu như người bệnh tự áp dụng theo các bài thuốc chữa bệnh lan truyền trên mạng xã hội thì bản thân họ là người phải gánh chịu hậu quả trực tiếp, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến tính mạng.
Khi nhắc đến ung thư, nhiều người thường nghĩ ngay đến "án tử", người bệnh thường có xu hướng “vái tứ phương” để tìm kiếm phương pháp điều trị hữu hiệu cho sức khỏe của chính mình. Thế nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh không nên tin theo lời lan truyền kẻo rước họa vào thân.
Đồng thời khuyên những bệnh nhân mắc bệnh lý mãn tính, khi thực hiện chế độ ăn uống đều cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị cũng như bác sĩ dinh dưỡng, đánh giá mức độ bệnh, thể trạng, nhu cầu để lên thực đơn. Bệnh ung thư lại càng cần một chế độ ăn khoa học, hợp lý để nâng cao thể trạng.