Theo Live Science, ngôi mộ cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đã được tìm thấy ở quảng trường Roman Forum (Công Trường La Mã) – một cụm di tích cổ nổi tiếng tại trung tâm thủ đô Rome.
Một số nhà khảo cổ học tại Italy nhận định, đây nhiều khả năng chính là mộ phần được xây cho Romulus, vị vua huyền thoại trong truyền thuyết La Mã đã sáng lập nên thành Rome.
Sau khi tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ học xác định ngôi mộ có niên đại lên tới 2.600 năm, bên trong có một chiếc quách bằng đá núi lửa có kích thước 1,4 m cùng một bàn thờ hình tròn đi kèm. Đáng chú ý, khi mở nắp chiếc quách, các chuyên gia không thấy bất cứ bộ hài cốt nào bên trong.
Nhờ công nghệ quét laser 3D, đường dẫn vào ngôi mộ cổ này được phát hiện nằm ngay bên dưới bậc tam cấp của Tòa nhà thượng viện Curia Julia thuộc quảng trường Roman Forum.
Đây từng là nơi các thượng nghị sĩ La Mã gặp gỡ để bỏ phiếu cách đây hàng nghìn năm. Bản thân ngôi mộ cũng nằm rất gần với Lapis Niger, theo tiếng Latin là "Đá Đen" – một phiến đá cẩm thạch cổ được cho là nơi hoàng đế Romulus bị ám sát bởi Viện nguyên lão La Mã.
Đường dẫn vào khu vực khai quật ngôi mộ được cho là của hoàng đế Romulus, được phát hiện nằm ngay bên dưới bậc tam cấp của Tòa nhà thượng viện Curia Julia thuộc quảng trường Roman Forum tại thủ đô Rome
Theo nhận định của một số chuyên gia khảo cổ học, ngôi mộ vừa được tìm thấy có thể là nơi hoàng đế Romulus được chôn cất, dựa trên một số tài liệu cổ đề cập về nơi an nghỉ của hoàng đế sáng lập đế chế La Mã được tìm thấy trước đó.
Tuy nhiên theo BBC, giới khảo cổ học đang bị chia rẽ về việc ngôi mộ này có thật sự liên quan tới vua Romulus hay không. Trên thực tế, trong suốt nhiều thập kỷ, một số người hoài nghi những câu chuyện về Romulus khi cho rằng ông không phải là hoàng đế có thật trong lịch sử mà chỉ tồn tại trong truyền thuyết.
Romulus và hình ảnh con sói cái cho hai anh em sinh đôi bú sữa có từ thời La Mã trở thành biểu tượng của thành Rome và La Mã.
Một số nhà sử học cho rằng, ngôi mộ cổ giống như một biểu tượng chứ không phải là một ngôi mộ thực sự. Theo đó, nếu Romulus thực sự tồn tại, sẽ không có bất kỳ hài cốt nào của vị hoàng đế này tồn tại trong ngôi mộ.
Sau khi bị ám sát bởi các thượng nghị sĩ La Mã vốn bất mãn với quyền lực của hoàng đế, xác của Romulus có thể đã bị ‘băm nát’ thành các mảnh nhỏ và bị vứt bỏ xung quanh thành phố - một giả thuyết được nhiều nhà sử học đưa ra nhằm giải thích cho việc tại sao ngôi mộ không có hài cốt bên trong.
Chiếc quách bằng đá và một bàn thờ hình tròn bên trong ngôi mộ. Khi mở nắp chiếc quách, các chuyên gia không thấy bất cứ bộ hài cốt nào bên trong
"Đây không phải là nơi hoàng đế Romulus được mai táng. Nó giống như một đài tưởng niệm, nơi Romulus được tôn thờ", nhà khảo cổ Afonsina Russo, Giám đốc Công viên khảo cổ Colosseum (đơn vị giám sát các tàn tích cổ của Rome) cho biết.
Mặc dù phủ nhận đây là ngôi mộ của Romulus, bà Russo vẫn cho rằng vị vua huyền thoại này thật sự từng xuất hiện trong lịch sử.
"Tất cả các huyền thoại và truyền thuyết đều có một phần sự thật", bà Russo nói thêm. "Tôi tin chắc rằng vị hoàng đế lập quốc thực sự có thật.
Hiện tại, công việc nghiên cứu ngôi mộ cổ trên vẫn đang được thực hiện. Dự kiến, khu di tích sẽ được mở cửa công khai sau 2 năm tới.
Theo truyền thuyết của người La Mã, hai anh em sinh đôi Romulus (sống trong khoảng thời gian từ 771-716 trước công nguyên) và Remus (771-753 trước công nguyên) là những người đã xây nên thành Rome.
Họ là con trai của thần chiến tranh Mars (hay Ares trong thần thoại Hy Lạp) và Rhea Silvia, một nữ tư tế của thần Vesta, đồng thời cũng là con gái của vua Numitor thành Alba Longa. Numitor bị lật đổ và cướp ngôi vua bởi người em trai Amulius. Sợ rằng hai đứa cháu trai sau này sẽ tiếm ngôi, Amulius ra lệnh giết chúng bằng cách thả trôi trên dòng sông Tiber.
Được thần sông Tiber giúp đỡ, 2 đứa trẻ trôi dạt vào bờ (nơi được gọi là Palationo Hill ngày nay) và được 1 con sói nuôi dưỡng. Sau đó vợ chồng người chăn cừu đã đem 2 đứa trẻ về chăm sóc.
Khi lớn lên, biết được cội nguồn của mình, Romulus và Remus đã đánh đổ Amulius, giành lại ngôi vua cho Numitor và giải phóng cho mẹ, còn hai anh em quay trở lại vùng đất nơi được con sói nuôi dưỡng để lập xây dựng thành riêng của mình.
Tuy nhiên, một loạt những mâu thuẫn của hai anh em đã xảy ra. Trong cơn tức giận, Romulus giết chết Remus và lên ngôi hoàng đế, đồng thời đặt tên thành là Rome theo tên mình vào năm 753 trước Công nguyên.