Theo thống kê, tỉ lệ mắc ung thư vú ở nam giới vẫn thấp hơn nhiều so với nữ giới nhưng điều đó không có nghĩa là họ miễn nhiễm. Những hiểu lầm và thiếu thông tin về ung thư vú ở nam giới có thể dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đức Nhật Minh, Phó trưởng Khoa Ngoại ngực - bụng, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết ung thư vú ở nam giới chiếm khoảng 1% so với nữ giới. Mỗi năm, tại bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca bệnh nhân đến khám, điều trị vì ung thư vú nam. Dù số lượng ít nhưng các trường hợp đến thăm khám hầu hết đều phát hiện trễ.
Điển hình, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân (72 tuổi, ngụ Sóc Trăng) đến khám vì mắc ung thư vú giai đoạn 3. Bệnh nhân nhập viện sau hơn 1 năm phát hiện có một khối cứng ở vùng ngực. Tuy nhiên, không nghĩ bản thân bị bệnh nên người bệnh không thăm khám. Cho đến khi trên vùng da ngực bị co kéo và xuất hiện hạch ở nách nên mới đến bệnh viện thăm khám. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả, bệnh nhân mắc ung thư vú giai đoạn 3. Các hạch tuy nhỏ nhưng đã di căn, vì vậy bên cạnh việc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ mô tuyến vú, bệnh nhân còn phải nạo hạch nách. Sau phẫu thuật, người bệnh tiếp tục được hóa - xạ trị, điều trị bằng thuốc. Việc phát hiện bệnh trễ khiến quá trình điều trị phức tạp và tốn kém.
Bác sĩ Minh cảnh báo ung thư vú ở nam giới dù hiếm gặp nhưng có một số triệu chứng đáng chú ý, như xuất hiện khối u ở mô tuyến vú. "Mô tuyến vú của nam giới không phát triển như ở nữ nhưng sự xuất hiện của một nốt nhỏ không đau cũng có thể là dấu hiệu nghi ngờ. Ngoài ra, thay đổi da, như sần hoặc co kéo núm vú, cũng là các dấu hiệu cần lưu ý. Một số triệu chứng khác hiếm gặp hơn bao gồm tiết dịch núm vú hoặc chảy máu. Đôi khi bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi có hạch ở vùng nách" - bác sĩ Minh lưu ý.
Theo bác sĩ Minh, đến nay, nguyên nhân gây ung thư vú ở nam giới vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng một số yếu tố có thể liên quan như tuổi tác, đặc biệt là người từ 70 tuổi trở lên. Các yếu tố di truyền và tình trạng sức khỏe như béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ. Những người có tiếp xúc với bức xạ cũng có thể gặp rủi ro cao hơn.
Nên hạn chế thuốc lá, rượu bia
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu - Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM), cho biết mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận 2 - 3 bệnh nhân nam mắc bệnh này, chủ yếu ở độ tuổi trung niên. Bệnh nhân thường đến khám khi ở giai đoạn cuối. Việc điều trị ung thư vú ở nam giới tương tự ở nữ giới, bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, do sự khác biệt về yếu tố nội tiết, bướu vú ở nam giới thường ít hơn và thường được cắt bỏ hoàn toàn, trong khi ở nữ giới thì có xu hướng thực hiện phẫu thuật bảo tồn tuyến vú. "Do số lượng ít gặp nhưng nếu để ý đến các dấu hiệu ban đầu thì nam giới dễ phát hiện ung thư vú hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, hiện còn tâm lý e ngại và cho rằng nam giới không mắc ung thư vú nên dễ bỏ qua các triệu chứng sớm" - bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Trước thắc mắc có cần tầm soát ung thư vú ở nam giới, bác sĩ Vũ cho rằng hiện việc phòng ngừa và tầm soát ung thư vú chủ yếu tập trung ở nữ giới. Nhưng đối với nam giới, vì mô vú mỏng, phẳng nên chỉ cần để ý các dấu hiệu ban đầu. Cụ thể, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan vùng ngực thì cánh "mày râu" không nên loại trừ khả năng mắc bệnh. "Cần đi khám sớm và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu mới có thể đem lại kết quả tốt. Bởi phát hiện trễ có thể khối u di căn vào xương, phổi, gan, não..." - bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Bác sĩ Phạm Đức Nhật Minh lưu ý đa số bệnh nhân nam thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi khối u đã lớn và có thể di căn. Việc phát hiện sớm ung thư vú ở nam giới rất quan trọng, nếu được phát hiện kịp thời thì điều trị có thể đạt hiệu quả tốt như ở nữ giới. Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tự nhận biết triệu chứng là rất cần thiết để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng của ung thư vú ở nam giới.
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa bệnh ung thư vú ở cả nam giới và nữ giới, cần duy trì cân nặng hợp lý, thường xuyên tập luyện, vận động. Bên cạnh đó, hạn chế rượu, bia, không hút thuốc lá... Hãy có một chế độ ăn uống lành mạnh, chủ yếu là thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá, thịt, gia cầm không da... Đặc biệt, thường xuyên tự kiểm tra vú tại nhà để nhận diện các thay đổi bất thường như u hoặc sự thay đổi về hình dạng và kích thước của vú.
Dấu hiệu nhận biết
Các bác sĩ cho biết nam giới có thể phát hiện ung thư vú qua một số dấu hiệu bất thường. Đầu tiên, họ có thể thấy các khối u xuất hiện tại vùng vú, phía sau núm vú hoặc nách. Ngoài ra, hình dáng vú có thể thay đổi, thể hiện qua việc tăng kích thước và bề mặt da quanh vú có dấu hiệu nhăn, trũng. Đôi khi vú xuất hiện các vết lõm hoặc lỗ nhỏ giống như vỏ quả cam (dấu hiệu "da cam"). Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy đau ở vùng vú hoặc dưới cánh tay. Những bất thường ở núm vú, như tụt núm hoặc chảy dịch (dịch có thể trong suốt hoặc lẫn máu), cũng là một dấu hiệu cần chú ý. Cuối cùng, da ở vùng vú có thể nổi mẩn đỏ, bong tróc, có vảy, thậm chí xuất hiện vết loét.