Bệnh trầm cảm cần phải được quan tâm, phát hiện và điều trị sớm. Cha mẹ trước tiên nên chú ý đến những thay đổi về cảm xúc của con, đặc biệt là biểu hiện khác thường của bệnh trầm cảm ở thanh, thiếu niên.
Nếu phát hiện con có một số biểu hiện sau, người nhà phải hết sức để ý, sớm đưa đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
1. Đòi chuyển lớp, chuyển trường
Có thể do một số mâu thuẫn của con với bạn của chúng tại trường, hoặc căn bản là không có nguyên nhân gì, nhưng trẻ vẫn cảm thấy có nhiều áp lực từ nơi mình đang học.
Trẻ thường có thái độ khó chịu, tức giận vô cớ, không thể yên tâm học tập, nằng nặc đòi bố mẹ xin chuyển trường, chuyển lớp với những lý do trên.
Khi đến nơi học mới, trạng thái của trẻ vẫn không có chuyển biến tốt, tìm kiếm những lý do khác, hoặc với lý do không thích môi trường mới, để tiếp tục đòi chuyển trường.
2. Phản kháng lại cha mẹ
Khi nghe lời dạy dỗ, chỉ bảo của bố mẹ, chúng không hợp tác mà luôn có thái độ phản kháng.
- Biểu hiện nhẹ: Không dọn dẹp phòng ngủ của mình, đồ đạc để bừa bộn, rửa mặt, ăn cơm, chải đầu đều chậm, không làm bài tập thầy, cô giáo cho về nhà…
- Biểu hiện nghiêm trọng: Trốn học, tối không về nhà, bỏ nhà đi, luôn bị ám ảnh bởi những ký ức trước đây, chẳng hạn như bị cha mẹ đánh đập, mắng chửi, cha mẹ ly hôn, tái hôn…, muốn "đoạn tuyệt" tình cảm với gia đình.
3. Lo lắng, buồn chán
Mục tiêu, lý tưởng hoặc một sự việc lớn lao nào đó đạt được mục đích, nhưng chúng không bày tỏ biểu hiện vui thích, trái lại còn cảm thấy lo lắng, chán nản.
Chẳng hạn con bạn thi đỗ đại học, nhưng lại luôn buồn phiền, nhiều tâm sự, không muốn đến giảng đường. Trong thời gian học tập tại trường, thường hay vô cớ về nhà, muốn nghỉ học.
4. Tư duy và hành động không đồng nhất
Đối với trường hợp trẻ còn bé, sẽ không biết cách diễn tả cảm xúc về một vấn đề nào đó, mà chỉ sử dụng một số hành động cơ thể nhưng không trùng khớp với việc mà chúng muốn diễn tả.
Chẳng hạn có đứa trẻ thường đưa tay lên đầu để diễn tả việc đau đầu, chóng mặt; có đứa lấy tay ôm ngực để diễn tả việc khó thở;
Có đứa trẻ thì chỉ tay vào trong miệng như muốn nói rằng có thứ gì đó trong cổ họng, lúc đó có thể trẻ muốn nói rằng mình khó nuốt thức ăn. Nhưng thực tế thì chúng chẳng phải đau đầu, khó thở hay khó nuốt.
"Bệnh" của những đứa trẻ dường như đã "rất nghiêm trọng", giống như là mãn tính, thường xuyên tái phát, đi khám nhiều lần nhưng vẫn không phát hiện ra bệnh, uống nhiều thuốc nhưng bệnh không chuyển biến.
5. Có biểu hiện tiêu cực
- Tiềm thức ảnh hưởng đến tâm lý
Chẳng hạn, con bạn vừa mới đến cổng trường, vào phòng học hoặc một nơi nào đó, chúng liền cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, rã rời chân tay.
Tuy nhiên, khi chúng rời khỏi những khu vực nói trên, vừa về đến nhà, tất cả mọi thứ đều trở lại bình thường.
- Từ trong tiềm thức, đưa ra những phỏng đoán tiêu cực về mình
Trường hợp đứa trẻ cho rằng kết quả kiểm tra không tốt; không muốn gặp gỡ giao lưu với mọi người; cho rằng mọi việc chúng làm đều sai lầm, thậm chí là tội lỗi, là gánh nặng cho mọi người; cho rằng mình bị tâm thần.
6. Có hành vi tự tử
Chúng tìm mọi cách để tự tử. Đối với đứa trẻ tự tử không thành công, nếu chỉ cứu được mạng sống nhưng không điều trị căn bệnh trầm cảm (bao gồm cả tâm lý trị liệu), chúng sẽ tiếp tục tìm cách để tự tử.
Do hành động tự tử bị tác động bởi yếu tố rối loạn tâm sinh lý, nên bản thân không tự chủ được hành vi.
*Theo Sohu