Mấy ngày gần đây, thời tiết Hà Nội chuyển sang nắng nóng gay gắt, có hôm lên tới 40 độ C khiến người dân vô cùng mệt mỏi.
Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe, nhất là với những đối tượng có sức chịu đựng kém như trẻ nhỏ, người già yếu hay những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, dưới môi trường nhiệt độ cao.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh (Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cảnh báo, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân cần cẩn trọng bảo vệ sức khỏe để tránh mắc những căn bệnh nguy hiểm có thể gặp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế này.
Đột quỵ - căn bệnh có thể giết cả người trẻ khỏe mạnh khi thời nắng chuyển sang nắng nóng
Mới trong đợt nắng nóng tháng trước (nhiệt độ cũng đến 40 độ C), PGS.TS Nguyễn Văn Chi (Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu cho khoảng 30-40 bệnh nhân đột quỵ - lớn nhất miền Bắc. Số bệnh nhân tăng lên được xem là có liên quan tới việc nắng nóng.
Nhắc đến bệnh đột quỵ do nắng nóng, chắc hẳn chúng ta còn nhớ trường hợp một bác sĩ trẻ ở Hà Nội bị đột quỵ khi đi đá bóng.
Bệnh nhân là nam bác sĩ 31 tuổi công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Dù được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu ngay lúc đó nhưng bác sĩ này đã hôn mê, ngừng tuần hoàn và tử vong sau khi đi vào bệnh viện. BS Chi nhận định đây là trường hợp rất đáng tiếc, khuyến cáo bất cứ ai cũng cần hết sức cảnh giác, nắm rõ cách cứu bệnh nhân đột quỵ ngay khi cần.
Chuyên gia phân tích thời tiết quá nóng, quá lạnh hoặc điều kiện khắc nghiệt khác làm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ phát huy, tác động mạnh mẽ đến người bệnh, khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Bên cạnh đó, thời tiết nóng bức sẽ gây căng thẳng, khó chịu, người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám..., dẫn đến tình trạng bất ổn tăng lên. Đó chính là lý do đột quỵ, cũng như các bệnh mãn tính khác, gia tăng trong thời tiết nắng nóng.
Say nắng - tình trạng nhiều người gặp khi ở ngoài trời quá lâu
Say nắng cũng là tình trạng phổ biến mà rất nhiều người gặp phải trong mùa hè. Theo thông tin của bệnh viện Bạch Mai, trước đây, bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận và cấp cứu tích cực cho 1 người đàn ông được đưa vào viện với dấu hiệu say nắng, sốc nhiệt với thân nhiệt cao lên đến 41 độ. sau hơn 1 tiếng tích cực hạ nhiệt, hiện thân nhiệt nam bệnh nhân này đã hạ xuống.
Theo bác sĩ tại khoa cấp cứu bệnh viện, trong những ngày nắng nóng rất dễ xảy ra tình trạng say nắng, sốc nhiệt và ngã ra đường. Bởi sốc nhiệt có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng con người, ví dụ như gây tổn thương não, mê sảng, mất ý thức, thậm chí tử vong, vì thế hãy luôn cẩn trọng phòng say nắng trong ngày hè.
Vì vậy, khi gặp những người có nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện như mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, nôn mửa… ưu tiên đầu tiên là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.
Bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng
Với điều kiện thời tiết như hiện nay, người dân phải luôn có phương án bảo vệ sức khỏe. Đó là không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức.
Các chuyên gia khuyến cáo, đối người những người thường xuyên lao động ở ngoài trời cần có phương tiện bảo hộ lao động, che kín những phần "nguy hiểm" như đỉnh đầu, gáy… và uống nhiều nước. Hạn chế ra ngoài trời ở những thời điểm nhiệt độ lên cao, khoảng 11h đến 15 giờ.
- Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…
- Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng.
- Thường xuyên uống nước dù chưa khát. Nên uống nhiều nước có pha chút muối hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây.
- Nên định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút.